Báo Đồng Nai điện tử
En

Ông bác sĩ quân y và cây ca cao

09:01, 14/01/2008

Từ TP.Hồ Chí Minh, ông Đặng Thường Khâm, bác sĩ quân y đã nghỉ hưu đến xã Phú Hòa (Định Quán) mua 6 héta đất rẫy và có dự tính thay thế các cây trồng trên đất hiện hữu để thu về hiệu quả kinh tế hơn. Quanh đi quẩn lại vùng đất đồi đá ở Phú Hòa người dân địa phương chỉ trồng chủ yếu là cây điều hay cà phê. Nhưng ông vẫn mạnh dạn đột phá trồng loại cây mới: Ca cao

Từ TP.Hồ Chí Minh, ông Đặng Thường Khâm, bác sĩ quân y đã nghỉ hưu đến xã Phú Hòa (Định Quán) mua 6 héta đất rẫy và có dự tính thay thế các cây trồng trên đất hiện hữu để thu về hiệu quả kinh tế hơn. Quanh đi quẩn lại vùng đất đồi đá ở Phú Hòa người dân địa phương chỉ trồng chủ yếu là cây điều hay cà phê. Nhưng ông vẫn mạnh dạn đột phá trồng loại cây mới: Ca cao

 

 Cây ca cao hơn 2 năm tuổi được trồng ở vườn cây đầu dòng của Công ty ca cao Trọng Đức.

* Ca cao "đứng" trên vùng đất đồi đá

 

Nhớ lại trước đây vào khoảng năm 1989 - 1990, Đoàn 600 ở huyện Tân Phú cũng đã từng trồng ca cao, cây phát triển rất tốt, nhưng đến khi thu hoạnh thì không có thị trường tiêu thụ  dẫn đến kết cục hàng chục hécta cây ca cao đã bị chặt bỏ. Nhưng thời nay đã khác, sản phẩm ca cao đang là mặt hàng có giá trị cao trên thị trường thế giới, được ứng dụng vào nhiều ngành nghề đó là chế biến thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm. Tại Việt Nam, Chính phủ đã chú trọng vào hướng phát triển cây ca cao và lập Ủy ban phát triển ca cao bền vững và đã trồng thí điểm ở Bến Tre, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu. Nắm bắt những thông tin này, ông cùng với hai con trai là anh Đặng Thường Mỹ, Đặng Thường Khanh tìm đến các nhà vườn trồng ca cao ở Bến Tre, đến Trường đại học nông lâm tìm hiểu về kỹ thuật trồng cây ca cao... Đến năm 2005, người dân ở xã Phú Hòa bắt đầu thấy một loại cây trồng mới xuất hiện tại địa phương, đó là vườn cây ca cao của ông Khâm và Công ty ca cao Trọng Đức cũng ra đời từ ngày ấy.

Hai năm sau, vườn ca cao bắt đầu cho thu hoạch, Công ty Cargill Việt Nam đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với ông Khâm. Và 6 hécta ca cao đã trở thành vườn cây đầu dòng được lai tạo với 8 dòng cây có hiệu quả cao trên thế giới. Từ vườn cây đầu dòng này, ông Khâm đã lập thêm một vườn ươm cây giống để cung cấp cho nông dân trồng ca cao. Tiến sĩ Phạm Hồng Đức Phước, giảng viên Trường đại học nông lâm TP.Hồ Chí Minh, chủ nhiệm đề tài ca cao Việt Nam đã đến tham quan vườn ca cao của ông Khâm và đặt vấn đề hợp tác hỗ trợ về kỹ thuật phát triển cây ca cao. Vườn ca cao của ông Khâm đã thu hút được nhiều nông dân đến tham quan học hỏi kinh nghiệm. Trong năm 2007, ông Khâm đã giúp cho nông dân thuộc huyện Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú (Đồng Nai) và sang các địa phương lân cận như Đức Linh (Bình Thuận), Đạ Tẻ (Lâm Đồng)... trồng được hơn 200 hécta cây ca cao.

Khi đưa cây ca cao ra trồng đại trà, ông Khâm thực hiện hợp đồng với người trồng chỉ thu 50% giá trị cây giống (3.000 đồng), phần còn lại công ty sẽ thu 3kg sản phẩm tươi khi cây cho thu hoạch. Để có phân bón cung cấp, ông Khâm hợp đồng bán vỏ trái ca cao cho một công ty sản xuất phân vi sinh và công ty sản xuất phân vi sinh cũng có chương trình bán trả chậm cho nông dân, đến khi thu hoạch người trồng ca cao bán sản phẩm trực tiếp cho các trạm thu mua của Công ty Cargill đã hợp đồng với Công ty Trọng Đức. Ông Khâm nói: "Đây là sản phẩm rất cần thiết trong công nghiệp chế biến hiện nay, đặc biệt, là dầu từ hạt ca cao là thành phần không thể thiếu để sản xuất mỹ phẩm. Đặc biệt, ca cao của Việt Nam hiện nay được đánh giá có chất lượng cao (chứa 50 - 54% dầu) ngang với ca cao Gana được xem là thủ phủ của cây ca cao chất lượng số 1 thế giới".

 

* Loại cây "quý  tộc" nhưng dễ trồng

 

Cây ca cao, một trong những loại cây được thế giới xem như "quý tộc" vì hiệu quả kinh tế, nhưng xem ra cũng dễ trồng. Vốn đầu tư không cao và đây là loại cây trồng cho thu hoạch quanh năm, đặc biệt ca cao không phải là cây trồng cạnh tranh đất, bởi đây là loại cây sinh trưởng dưới tán của cây trồng khác như điều, tiêu, xoài, mãng cầu... và thậm chí là đất rừng trồng. Vừa qua, Công ty Trọng Đức đã hợp tác với một tổ chức phi chính phủ thực hiện trồng hàng chục hécta ca cao dưới tán rừng trồng ở Đạ Tẻ (Lâm Đồng) và ông Khâm đã được mời dự hội thảo cấp quốc gia về cây ca cao. Ông Khâm rút ra một kinh nghiệm: "Lâu nay người nông dân phải lẩn quẩn trong việc trồng - chặt - trồng đối với các loại cây trồng khi sản phẩm nông nghiệp mất giá, bí đầu ra thì nay cây ca cao sẽ giải quyết được vấn đề này bởi cây ca cao sinh trưởng tốt khi trồng xen với các loại cây khác ngay cả khi độ tán che phủ đến 70%".

 Hiện nay hàng chục ngàn cây ca cao giống của Công ty Trọng Đức đang được chuẩn bị chuyển giao cho nông dân ở nhiều địa phương trồng trong mùa tới. Công ty Trọng Đức cũng vừa đàm phán với UBND tỉnh Tiền Giang về việc triển khai phát triển cây ca cao theo chủ trương của tỉnh này. Ở Đồng Nai, huyện Tân Phú đã tổ chức cho nhiều nông dân đến tham quan mô hình cây ca cao của Công ty Trọng Đức, và đã triển khai trồng cây ca cao tại nhiều nơi trong huyện. Ông Trần Bá Đạt, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tân Phú cho biết: "Toàn huyện đã trồng được 127 hécta ca cao, theo chương trình định hướng cây trồng của huyện thì đến năm 2015 phải đạt được 1.000 hécta ca cao. Cây ca cao là cây có khả năng phát triển ở Tân Phú bởi phù hợp với thổ nhưỡng, hoàn toàn là trồng xen trong các vườn cây khác và mức đầu tư thấp. Hiện nay nông dân Tân Phú đã thành lập nhiều câu lạc bộ người trồng ca cao để trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật và nắm bắt thị trường tiêu thụ sản phẩm ca cao".

 Hiện nay, từ chương trình phát triển cây ca cao Việt Nam cùng các dự án hỗ trợ từ các tổ chức nước ngoài, cả nước đã trồng khoảng 9.000 hécta. Hạt ca cao Việt Nam xuất khẩu được đánh giá có chất lượng loại hàng đầu trên thế giới. Tiến sĩ Tống Khiêm, Chủ tịch Ủy ban phát triển ca cao Việt Nam nhận định: Đến năm 2015 diện tích cây ca cao Việt Nam sẽ đạt được 60.000 hécta và năm 2020 sẽ là 80.000 hécta, sản lượng hạt khô đạt 108.000 tấn, dự tính kim ngạch xuất khẩu 100 - 120 triệu USD. Quan điểm của Chính phủ Việt Nam là phát triển ca cao theo hướng xen canh không cạnh tranh đất với các loại cây khác, tăng năng suất, chất lượng, phát triển bền vững phù hợp với bảo vệ môi trường sinh thái, đồng thời khuyến khích mọi thành phần kinh tế, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư trồng, chế biến ca cao và tạo thị trường tiêu thụ.

 Mạnh Thắng

 

 

 

Tin xem nhiều