Báo Đồng Nai điện tử
En

Long Thọ - đất ít vẫn cho thu nhập cao

09:01, 21/01/2008

Từ một xã có trên 1.500 hécta đất chuyên sản xuất nông nghiệp, trong quá trình đô thị hóa Long Thọ, huyện Nhơn Trạch chỉ còn lại trên 200 hécta đất để sản xuất. Trước thực trạng trên, nông dân xã Long Thọ tự tìm cho mình một hướng đi mới để đảm bảo cuộc sống. Với mô hình trồng rau, củ, quả và cây kiểng nhiều nông dân ở đây vẫn có thu nhập cao trên diện tích đất nhỏ hẹp.

Từ một xã có trên 1.500 hécta đất chuyên sản xuất nông nghiệp, trong quá trình đô thị hóa Long Thọ, huyện Nhơn Trạch chỉ còn lại trên 200 hécta đất để sản xuất. Trước thực trạng trên, nông dân xã Long Thọ tự tìm cho mình một hướng đi mới để đảm bảo cuộc sống. Với mô hình trồng rau, củ, quả và cây kiểng nhiều nông dân ở đây vẫn có thu nhập cao trên diện tích đất nhỏ hẹp.

 

Vườn cây xanh của hộ ông Hùng.

 

* Đất ít vẫn cho hiệu quả cao

 

Ông Trần Tiến Nhạn, cán bộ nông nghiệp xã cho hay, Long Thọ có khoảng 1.700 hộ với trên 7.400 nhân khẩu. Trước đây, dân địa phương đa số sống bằng nông nghiệp và cụ thể là trồng lúa một vụ và nuôi thủy sản. Gần đây, đất đai qui hoạch làm các khu công nghiệp, khu dân cư chỉ còn lại rất ít nên đời sống của các hộ chuyên làm nông nghiệp gặp khá nhiều khó khăn. Để ổn định đời sống cho người dân, xã Long Thọ đã vận động những người từ 35 tuổi trở xuống tham gia học nghề, sau đó giới thiệu việc làm cho họ tại các công ty, xí nghiệp trên địa bàn huyện. Còn những người trên 35 tuổi không thể đi làm công nhân và vẫn còn nhu cầu làm nông nghiệp thì xã đưa đi thăm quan, giới thiệu một số mô hình sản xuất trên diện tích đất ít mà vẫn cho thu nhập cao. Các mô hình trồng rau, củ quả áp dụng các tiến bộ khoa học vào trong sản xuất để rút ngắn thời gian canh tác và nâng cao năng suất được nhiều người dân Long Thọ áp dụng. Hiện xã còn trên 200 hécta  đất sản xuất nông nghiệp thì có đến 150 hécta thâm canh rau các loại.

Ông Nguyễn Hữu Hiệp ở ấp 5, xã Long Thọ cho biết: "Gia đình tôi có 2 hécta đất  trồng lúa, khoai mì nhưng đã vô qui hoạch chỉ còn lại 6 sào nên tôi chuyển qua trồng bầu bí và dưa leo. Trước đây trồng lúa, mì năm nào trúng, tôi cũng chỉ được 10 - 15 triệu đồng/hécta. Giờ chuyển qua trồng bầu, bí, dưa leo được 3 vụ/năm, trừ chi phí đi tôi cũng được trên 10 triệu đồng/vụ, gấp 4 - 5 lần so với trước đây". Còn ông Phạm Văn Tân cũng ở ấp 5 cho hay: "Sau khi qui hoạch, gia đình tôi chỉ còn lại hơn 1 sào đất nên tôi chuyển qua chuyên canh cây dưa leo. Nhờ áp dụng những tiến bộ khoa học vào trong sản xuất như chọn giống mới, trồng theo hệ thống giàn lưới, bón phân hữu cơ vi sinh... nên năng suất trái cao gần gấp đôi so với cách trồng truyền thống. Đồng thời, có thể trồng quanh năm trái nghịch vụ bán giá tương đối cao nên kinh tế gia đình tôi cũng ổn".

Ngoài trồng rau, nhiều hộ nông dân ở Long Thọ đã chuyển qua trồng cây cảnh. Từ trồng cây cảnh nhiều hộ đã có mức thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Anh Phạm Văn Hùng ở ấp 2 cho biết: "Đất đai của gia đình tôi bị quy hoạch hết nên tôi phải thuê ở đây hơn 1 sào đất để trồng cây kiểng. Cây xanh, cau kiểng và vạn tuế là 3 giống cây chủ lực tôi chọn để trồng. Loại cây này hiện nay các công ty trên địa bàn đặt mua và thuê rất nhiều nên ngoài chăm sóc vườn cảnh của mình, tôi còn nhận chăm sóc cây cảnh cho một số công ty trên địa bàn huyện. Vì thế thu nhập của gia đình tôi cũng được trên 100 triệu đồng/năm".

 

* Xây dựng nhiều mô hình mới

 

Do nông dân thức thời, bắt nhịp được với những chuyển biến của quá trình đô thị hóa nên dù không còn nhiều đất nhưng đời sống của họ vẫn từng bước được ổn định và nâng cao. Hiện số hộ dân thuộc diện đói nghèo trên  địa bàn chỉ còn khoảng 4%, dự tính đến cuối năm 2008 sẽ giảm hộ nghèo xuống dưới 2%. Cũng chính ông Nhạn cho hay, trong thời gian tới xã tiếp tục vận động bà con nông dân tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó ưu tiên cho các mô hình cần ít diện tích đất mà hiệu quả kinh tế cao như trồng nấm, cây kiểng. Đặc biệt là trồng lan cắt cành, bởi đây là mặt hàng đang được thị trường ưa chuộng và lượng cung vẫn chưa đủ cầu. Hàng năm nước ta vẫn phải bỏ ra cả triệu USD để nhập lan từ các nước trên thế giới về. Ở Long Thọ một số hộ trồng lan đã có thu nhập gần 100 triệu đồng/sào/năm như hộ ông Nguyễn Văn Long ở ấp 1.

Không chỉ nhân rộng các mô hình làm ăn có hiệu quả, Long Thọ còn vận động bà con cùng tham gia các tổ hợp tác tiến tới xây dựng thành hợp tác xã để được hỗ trợ vốn sản xuất, những ứng dụng khoa học kỹ thuật mới. Đồng thời, có nguồn hàng dồi dào đáp ứng được các đơn đặt hàng lớn như vậy đầu ra sẽ ổn định và đời sống của người dân sẽ được nâng cao.

Hương Giang

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích