Báo Đồng Nai điện tử
En

Huyện Tân Phú: Hàng trăm hécta lúa nhiễm rầy nâu

09:01, 30/01/2008

Hiện nay, rầy nâu đang phát triển rất mạnh trên trà lúa Đông Xuân ở huyện Tân Phú với trên 920 hécta lúa ở giai đoạn vào đòng và trổ bông đang bị ảnh hưởng. Nếu không được xử lý kịp thời và triệt để, nguy cơ lây lan là rất cao.

Người dân đang xem rầy nâu bám kín gốc lúa.

Hiện nay, rầy nâu đang phát triển rất mạnh trên trà lúa Đông Xuân ở huyện Tân Phú với trên 920 hécta lúa ở giai đoạn vào đòng và trổ bông đang bị ảnh hưởng. Nếu không được xử lý kịp thời và triệt để, nguy cơ lây lan là rất cao.

 

Trong vụ mùa vừa qua, nhiều xã trên địa bàn huyện Tân Phú đã thực hiện chuyển đổi một số diện tích lúa nhiễm bệnh vàng lùn  xoắn lá do rầy nâu gây ra sang trồng bắp và một số cây rau màu khác để không cho rầy nâu có nơi lưu trú gây hại cho cây lúa. Nhưng vụ Đông Xuân này đã có hàng trăm hécta lúa đang bị nhiễm rầy nâu với mật độ từ 1 ngàn đến 4 ngàn con/m2. Đặc biệt, có trên 20 hécta diện tích lúa bị nhiễm rầy nâu ở mật độ cao hơn từ 8 đến 10 ngàn con/m2 đã làm hư hại toàn bộ diện tích lúa. Trong đó, Phú Thanh là xã có diện tích lúa bị nhiễm rầy nâu nhiều nhất với trên 300 hécta. Nhiều hộ nông dân đã chủ động phun xịt thuốc diệt rầy nhưng vẫn không có hiệu quả. Gia đình anh Nguyễn Văn Chinh ở ấp Thọ Lâm 1 có trên 6 sào lúa vừa vào đòng đang phát triển khá tốt nhưng cũng bị nhiễm rầy nâu gần như 100%. Có chỗ rầy đã ăn trắng gốc lúa, anh đã phun xịt nhiều lần nhưng vẫn không diệt được rầy. Anh buồn rầu cho biết: "Gia đình tôi có 6 sào ruộng bị nhiễm rầy, cứ 3 ngày tôi xịt thuốc một lần nhưng cũng không thấy giảm. Năm nay rầy nó quá nhiều phải xịt liên tục với  nhiều loại thuốc nhưng chỉ giảm được vài ngày, sau đó lại thấy xuất hiện trở lại. Có những mảnh ruộng nông dân đành phải bỏ luôn, chứ theo không nổi. Vì rầy nhiều quá mà bỏ  tiền  ra mua thuốc  xịt không hết !".

Không riêng gia đình anh Chinh, diện tích lúa của gia đình anh Vũ Văn Sáu ở xã Phú Thanh cũng cùng chung cảnh ngộ, với trên 1 hécta lúa đang vào giai đoạn trổ bông đã bị nhiễm rầy. Mặc dù đã dùng nhiều loại thuốc nhưng cũng chỉ diệt được khoảng 30- 40% rầy.

Theo ông Đỗ Thịnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Thanh, nguyên nhân chủ yếu khiến rầy nâu lại xuất hiện nhiều như vậy là do người dân thường gieo trồng các loại lúa thơm, đồng thời sạ hạt dày hơn bình thường và việc chăm sóc bón phân không đồng đều - chỗ tốt chỗ xấu, nên dễ gây sự chú ý cho rầy nâu và đó là điều kiện thuận lợi để rầy có nơi lưu trú cắn phá. Ngoài ra, nhiều diện tích lúa cắt sớm nên cũng dẫn đến tình trạng rầy bay từ khu vực này sang các ruộng kế bên để lưu trú. Chính vì vậy lượng rầy ngày một nhiều hơn do diện tích lúa mới vào đòng hoặc trổ bông. Điều đặc biệt nhất là khi phun thuốc thì rầy thường nằm ở sát gốc lúa nên diệt triệt để là rất khó khăn.

Ngoài xã Phú Thanh bị nhiễm rầy nâu, còn lại các xã như Phú Điền, Phú Lâm, Phú Bình và xã Thanh Sơn cũng bị nhiễm rầy nâu với diện tích tổng cộng khoảng trên 650 hécta. Mặc dù các địa phương này đã khuyến cáo bà con trồng giống lúa kháng rầy như VND 9520, nhưng rầy nâu vẫn tồn tại và phát triển khá mạnh trên cây lúa. Trao đổi với chúng tôi, kỹ sư Nguyễn Quý Thắng, Trạm trưởng Trạm bảo vệ thực vật Định Quán - Tân Phú cho biết: "Hiện nay lo lắng nhất là khoảng trên 300 hécta lúa bắt đầu từ 40-60 ngày tuổi nằm ở một số xã như Phú Lâm, Phú Thanh, Phú Điền, Phú Sơn và Thanh Sơn. Chúng tôi rất quan tâm đến những diện tích lúa này, thường xuyên thăm đồng để cùng với bà con tiến hành phun xịt thuốc, thế nhưng cũng rất khó diệt rầy nâu triệt để. Do vậy chúng tôi cũng khuyến cáo đến bà con không nên gieo trồng giống dễ nhiễm rầy như VD20, đây là giống lúa thơm. Nên trồng giống lúa như AS996, IR64... là những giống hạn chế rầy hiện nay".

Ruộng lúa bị rầy nâu ăn hết lá và bông.

Điều đáng lo ngại nhất là rầy nâu - tác nhân chủ yếu gây bệnh vàng lùn lùn xoắn lá trên cây lúa nhưng trên thị trường chưa có một loại thuốc bảo vệ thực vật nào đặc trị. Do vậy, các địa phương và cơ quan chức năng ở huyện Tân Phú và tỉnh cần có biện pháp kịp thời để ngăn chặn và khống chế rầy nâu không phát triển, tránh để lây lan thành dịch vàng lùn xoắn lá nguy hại.

Hồng Văn

 

 

Tin xem nhiều