Báo Đồng Nai điện tử
En

Huyện Tân Phú: Nhiều vườn tiêu bị bệnh chết hàng loạt

09:12, 12/12/2007

Những năm gần đây, nhiều nông dân trồng tiêu ở xã Phú Lập, huyện Tân Phú phấn khởi vì giá tiêu liên tục tăng. Thế nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì họ lại bị điêu đứng bởi hiện tượng tiêu bị bệnh chết hàng loạt.

Những năm gần đây, nhiều nông dân trồng tiêu ở xã Phú Lập, huyện Tân Phú phấn khởi vì giá tiêu liên tục tăng. Thế nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì họ lại bị điêu đứng bởi hiện tượng tiêu bị bệnh chết hàng loạt.

 

* Xác xơ những vườn tiêu

 

Trước đây, khi vào khu vực ấp 5, ấp 6 và  ấp 7 của xã Phú Lập, nơi được xem như là vựa tiêu của huyện Tân Phú, ai cũng nhìn thấy một màu xanh ngút tầm mắt của cây tiêu. Nhưng nay, trên những con đường vào các ấp này, khung  cảnh đã khác hẳn, vì những vườn tiêu chỉ còn trơ lại những nọc tiêu với những dây khô không lá quấn xung quanh.

Anh Nguyễn Văn Thiềng, ở ấp 6 có hơn 1 hécta tiêu trồng được hơn 5 năm nay. Bình quân mỗi năm từ vườn tiêu này, anh thu được khoảng 3 tấn, với giá bán hơn 60 ngàn đồng/kg, mỗi năm anh thu được ngót nghét 200 triệu đồng. Nhưng nay thì cả vườn tiêu không thu lấy nổi một kg hạt và cả vườn chỉ loe ngoe còn lại vài nọc với màu úa vàng chuẩn bị héo chết. Anh Thiềng cho biết, bệnh này đã xuất hiện ở những năm trước, nhưng ở mức độ nhẹ, trong một vườn chỉ bị một vài nọc mà thôi. Nhà vườn sử dụng thuốc và vôi trị, sau một thời gian ngắn thì bệnh cũng dứt. Nhưng tình trạng tiêu chết hàng loạt thì bắt đầu xuất hiện khoảng  hơn 2 tháng nay. Triệu chứng ban đầu của nó là lá hơi quăn lại, sau đó vàng úa và khô dần. Khi đã thấy có hiện tượng bệnh trên cây tiêu, gia đình anh Thiềng đã xử lý bằng nhiều loại thuốc và vôi, nhưng không có kết quả. Từ một vài nọc tiêu bệnh ban đầu đã lây lan nhanh ra hàng loạt, không thể nào xử lý ngăn chặn được.

Cũng như vườn tiêu nhà anh Thiềng, vườn tiêu của anh Phan Văn Khuê Em ở ấp 7 cũng trơ trọi, chỉ còn lại nọc và nọc, không còn một dây tiêu nào sống sót. Mặc dù ở trong xã, anh là người nắm cơ bản về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây tiêu, nhưng trước dịch chết nhanh như thế này anh cũng đành bó tay, đứng nhìn vườn tiêu của mình ra đi trong tâm trạng xót xa! Anh rầu rĩ cho biết: "Trước đây, cây tiêu cũng bị các loại bệnh thối rễ, bệnh do nấm phytofthora làm cho một vài trụ trong vườn bị vàng lá, nhưng với kinh nghiệm trồng tiêu, tôi đã xử lý được bằng cách sử dụng các loại thuốc đặc trị. Đến nay, với tình trạng dịch chết nhanh như thế này thì không có cách nào trị được. Vườn tiêu chỉ có 1,2 hécta nhưng tôi đã mua đến hơn 10 triệu đồng tiền thuốc để trị. Ai chỉ thuốc gì tôi sử dụng thuốc đó nhưng cuối cùng tiền thì mất mà tiêu thì chết".

 

* Nguy cơ vỡ nợ của những chủ vườn tiêu

 

Nhờ tiêu lên giá, trong vài năm gần đây, nhiều người trồng tiêu ở xã Phú Lập đã mạnh dạn đầu tư để mong thu được lãi  lớn. Họ  đã vay ngân hàng, vay nóng để đầu tư phân bón, thuốc và công chăm sóc, góp phần nâng diện tích cây tiêu toàn xã lên gần 500 hécta. Nhưng nay bệnh tiêu chết hàng loạt đã đẩy không ít hộ nông dân trồng tiêu lâm vào cảnh nợ nần. Ngẩn ngơ trước vườn tiêu gần như chết sạch, bà Lê Thị Diên ở ấp 7 nói: Gia đình mới vay ngân hàng để đầu tư trồng tiêu và vụ vừa qua mới cho trái bói, nhưng nay thì nó đã chết sạch. Gia đình bế tắc quá, vì không những không trả được mà còn ôm thêm nợ, rồi lãi mẹ đẻ lãi con. Vừa rồi, để có tiền mua thuốc trị bệnh cho tiêu, gia đình tôi cũng phải vay thêm gần 10 triệu đồng nữa"...

Theo Chủ tịch UBND xã Phú Lập Lê Thị Kim Tuyến, hiện trên địa bàn toàn xã có khoảng 30 hécta tiêu bị tình trạng này và nhiều hộ đã phải chặt bỏ để trồng lại cây khác. Vì theo kinh nghiệm của nhà vườn, nếu trồng tiêu trở lại cũng không được, bởi trong đất còn lưu giữ mầm bệnh của nó. Nếu muốn trồng lại phải mất một thời gian dài khoảng 3 đến 5 năm và phải dùng thuốc xử lý triệt để, trong khi đó dịch bệnh hiện vẫn còn lây lan, chưa biết làm sao ngăn chặn hiệu quả. Còn theo kỹ sư Nguyễn Lý Tuấn Anh, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Tân Phú, nguyên nhân chính gây nên dịch chết nhanh này là do cây tiêu bị nấm, chủ yếu là nấm phytofthora. Một nguyên nhân nữa là do mùa mưa vừa rồi người nông dân làm rãnh thoát nước không tốt làm cho nấm dễ phát triển và tụ lại trong đất, sau đó theo nguồn nước, nguồn gió lây từ cây này sang cây khác, từ vườn này sang vườn khác. Đặc biệt, khi thời tiết chuyển từ mùa mưa sang mùa nắng, thì hiện tượng chết càng thấy rõ. Muốn xử lý bệnh này rất khó, do vậy việc phòng bệnh vẫn là biện pháp tốt nhất. Trạm Khuyến nông cũng khuyến cáo bà con nông dân, trong mùa mưa là phải tổ chức thoát nước cho tốt, đồng thời tăng cường bón vôi trong vườn. Nếu nơi nào cây tiêu bị bệnh thì khoanh vùng chỗ  đó và xử lý ngay để tránh lây lan ra diện rộng.

Thùy Trang - Thu Thảo

Tin xem nhiều