Báo Đồng Nai điện tử
En

Huyện Tân Phú: Cây mía đứng vững trên vùng đất Phú An

09:12, 24/12/2007

Trước đây, ở huyện Tân Phú, cây mía không chỉ được trồng trên đất Phú An, mà còn phát triển ở rất nhiều địa phương khác. Tuy nhiên, đến nay duy nhất chỉ có xã Phú An còn gắn bó với loại cây này...

Trước đây, ở huyện Tân Phú, cây mía không chỉ được trồng trên đất Phú An, mà còn phát triển ở rất nhiều địa phương khác. Tuy nhiên, đến nay duy nhất chỉ có xã Phú An còn gắn bó với loại cây này...

 

Cơ giới hóa khâu chăm sóc mía ở Nông trường mía Cao Cang.

* Cây mía giúp dân thoát nghèo

 

Đến khu vực ấp 3, 4 xã Phú An ngày nay, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự phát triển bạt ngàn của cây mía. Trên 250 hécta đất nông nghiệp ở đây đã được dành cho trồng mía. Nhiều năm trước, cây mía đã được người dân Phú An trồng tự phát với diện tích không đến 20 hécta, chủ yếu là để bán buôn cho các thương lái và bán lẻ cho người dân tiêu dùng. Đặc biệt, khi được sự hỗ trợ và bao tiêu sản phẩm của Công ty CP mía đường La Ngà (MĐLN), diện tích cây mía nơi đây được mở rộng lên  hàng trăm hécta. Từ đó, cây mía đã trở thành cây trồng chủ lực, giúp người dân nơi đây thoát nghèo.

Gia đình anh Phạm Văn Nhanh ở ấp 4, người đã gắn bó với cây mía 10 năm nay cho biết, có lúc giá cả lên xuống thất thường, gia đình anh cũng có ý định chuyển đổi sang cây trồng khác nhưng thấy không khả quan. Vì vậy, hàng năm anh vẫn duy trì đầu tư trồng trên 10 hécta  mía. Với giá mía do Nhà máy đường La Ngà thu mua tương đối cao như hiện nay (460 ngàn/tấn), gia đình anh cũng có lời trên 100 triệu đồng. Anh tâm sự: "Năm nay, nhìn chung giá đường tăng, nên bà con cũng rất phấn khởi. Riêng gia đình tôi cũng trồng khoảng 12-13 hécta, thu hoạch cũng được vài trăm tấn mía. Năm tới, tôi sẽ tiếp tục trồng mía". Cũng là người gắn bó với cây mía hơn 10 năm nay, anh Ngô Văn Phúc ở ấp 4 hiện đang sở hữu 8 hécta mía. Năm vừa qua anh thu hoạch được gần 300 tấn mía cây nhưng do giá thấp, lãi thu từ cây mía cũng không cao. Năm nay anh rất phấn khởi cho biết: "Năm rồi giá mía hơi thấp nên cũng lo lắng. Nhưng vừa rồi nhờ có sự hỗ trợ của Công ty MĐLN và giá nguyên liệu cũng tăng lên cao hơn, do vậy bà con chúng tôi sống được".

Không chỉ có gia  đình anh Nhanh, anh Phúc, mà trên 260 hộ gia đình trồng mía ở Phú An cũng sống phụ thuộc hoàn toàn vào cây mía. Do vậy, với tình hình giá đường ngày càng tăng như hiện nay, nhiều hộ đã thoát khỏi cảnh khó khăn, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất của mình.

 

* Khuyến khích chuyển đổi cây khác sang trồng mía

 

Để có nguồn nguyên liệu cung cấp cho nhà máy, mấy năm nay Công ty MĐLN đã đầu tư cho 1 hécta  đất trồng mía là 12 triệu đồng, bằng nhiều hình thức như: cung cấp giống, phân bón và hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn bà con trồng và thu hoạch... Đặc biệt, trong năm tới công ty còn khuyến khích những hộ dân nào nếu chuyển đổi các cây lâu năm sang trồng mía thì được hỗ trợ cho 2 triệu đồng/hécta, đối với các dạng cây hoa màu chuyển sang thì sẽ được hỗ trợ cho 1 triệu đồng/hécta.  Anh Đào Văn Mão, Trạm trưởng trạm nông nghiệp Phú An thuộc Công ty MĐLN cho biết thêm, năm vừa rồi công ty đầu tư cho xã Phú An trên 265,4 hécta, sản lượng xấp xỉ khoảng 13 ngàn tấn, nhà máy cho xe tới tận nơi để thu mua hết cho bà con kịp thời trồng vụ mới. Dự kiến, vụ mía năm 2007- 2008 này, công ty cũng sẽ hỗ trợ khoảng trên 45 hécta  trồng mới.

Những năm trước đây, giá mía lên xuống thất thường đã làm cho một số vùng nguyên liệu mía ở các xã như: Núi Tượng, Nam Cát Tiên, Phú Lập bị xóa bỏ. Nhưng ở xã Phú An, cây mía vẫn được người dân tiếp tục trồng tập trung tại ấp 3 và ấp 4. Đến nay, cây mía đã phát triển mạnh mẽ, hiệu quả và được xem là cây trồng cứu cánh cho vùng đất cát bạc màu của xã. Do vậy, để phát triển đồng bộ và có hệ thống, chính quyền xã Phú An đã thành lập câu lạc bộ những người trồng mía gồm trên 100 thành viên, nhằm giúp nhau tập trung sản xuất, hỗ trợ kỹ thuật cây giống, tạo năng suất và chữ đường cao, cung cấp cho nhà máy.

Văn  Chương

 

Tin xem nhiều