Báo Đồng Nai điện tử
En

Thức ăn gia súc tăng nhưng nhiều trang trại nuôi heo ở huyện Thống Nhất vẫn trúng lớn

10:11, 19/11/2007

Đến trung tuần tháng 11 này, giá thức ăn gia súc đã tăng gần gấp 2 lần so với đầu năm nay khiến nhiều trang trại và các hộ nuôi heo trên địa bàn tỉnh lao đao. Có trang trại phải bỏ trắng chuồng hoặc chỉ dám nuôi cầm chừng. Nhưng ở huyện Thống Nhất, nhiều trang trại nuôi heo vẫn trúng lớn.

Giá thức ăn gia súc tăng liên tục trong thời gian gần đây.

Đến trung tuần tháng 11 này, giá thức ăn gia súc đã tăng gần gấp 2 lần so với đầu năm nay khiến nhiều trang trại và các hộ  nuôi heo trên địa bàn tỉnh lao đao. Có trang trại phải bỏ trắng chuồng hoặc chỉ dám nuôi cầm chừng. Nhưng ở huyện Thống Nhất, nhiều trang trại nuôi heo vẫn trúng lớn.

 

* Bí quyết nuôi heo trúng lớn

 

Trao đổi với một số chủ trang trại nuôi heo trúng lớn ở huyện Thống Nhất, chúng tôi được biết, bí quyết thành công của họ đều là dùng cám trộn và chăn nuôi theo mô hình khép kín: nuôi heo nái để tự cung cấp nguồn giống đảm bảo chất lượng, gom phân heo lại bán cho các trang trại trồng trọt  và tận dụng nước thải từ phân heo làm hầm biogas để chạy máy phát điện nhằm giảm chi phí đầu vào. Ông Đỗ Đình Sỹ ở ấp Tây Kim, xã Gia Kiệm cho biết: "Hiện trang trại của tôi có 30 heo nái và 200 heo thịt, trung bình mỗi tháng tôi cung cấp ra thị trường khoảng 1,5 tấn heo thịt, lãi hơn 10 triệu đồng. Trong bối cảnh giá cám liên tục tăng, tôi đã thay thế bằng cám tự  trộn nên giảm giá thành xuống được khoảng 1.200 đồng/kg so với cám hỗn hợp mua ngoài thị trường. Hàng tháng, trang trại của tôi bình thường phải cần đến 15 tấn cám, tính ra khi dùng cám, tôi đã giảm được khoảng 18 triệu đồng".

Còn ông Trần Văn Phi, chủ một trang trại heo với quy mô 50 heo nái và 300 heo thịt tại xã Gia Kiệm cho hay: "Trước đây, tôi nuôi heo bằng cám hỗn hợp bán sẵn trên thị trường lời chẳng bao nhiêu, có đợt giá cám lên cao, giá heo xuống thấp bị thua lỗ. Sau đó, tôi chuyển qua dùng cám trộn, thấy hiệu quả hơn hẳn. Vào thời điểm xảy ra dịch lở mồm long móng, dịch heo tai xanh, khiến nhiều hộ nuôi heo điêu đứng, thì trang trại của tôi vẫn lời 300-500 ngàn đồng/tạ heo. Trong điều kiện giá heo tăng như hiện nay tôi lời 1,4 triệu đồng/tạ heo, mỗi tháng xuất chuồng khoảng 4 tấn heo thịt, lời gần 60 triệu đồng". Ông Bùi Đức Lợi, chủ trang trại có quy mô hàng ngàn heo thịt ở xã Gia Tân 2 cho biết: "Dùng cám trộn giúp chúng tôi giảm được khá nhiều chi phí đầu vào. Đồng thời, tận dụng được các nguồn phụ phẩm có sẵn trong nước như hèm bia, vỏ hạt mè, cơm khô, bánh tráng vụn... để chăn nuôi. Theo kinh nghiệm của tôi, sử dụng cám trộn không những sẽ rút ngắn thời gian chăn nuôi từ 10-15 ngày, mà các thương lái còn sẵn sàng mua với giá cao hơn, bởi chất lượng thịt cũng như màu sắc của thịt tốt hơn nuôi bằng cám hỗn hợp".

Ông Bùi Đình Bưởi, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thống Nhất hào hứng kể: đầu năm tổng đàn heo của huyện Thống Nhất chỉ có 164 ngàn con nhưng đến tháng 11 đã tăng lên 180 ngàn con. Trong đó, đàn nái chiếm khoảng 30 ngàn con, nên thời gian này trên thị trường giá con giống tăng và hút hàng nhưng các trang trại trên địa bàn vẫn đảm bảo đủ nguồn giống để nuôi. Dù giá cám cao ngất trời nhưng đàn heo ở huyện Thống Nhất vẫn tăng nhanh là do đa số các trang trại đều chuyển qua dùng cám trộn. Dịp này heo tăng giá, nhiều trang trại ở đây đã trúng từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng.

Dùng cám trộn và chăn nuôi theo mô hình khép kín người chăn nuôi giảm được khá nhiều chi phí đầu vào

 

* Dùng cám trộn dễ hay khó?

 

Theo các chủ trang trại thường xuyên sử dụng cám trộn cho biết, dùng cám trộn tương đối dễ. Bước đầu chỉ cần đầu tư 5-7 triệu đồng để mua một máy trộn thức ăn. Các nguyên liệu dùng để trộn thành cám có bán rộng rãi trên thị trường và thường là phụ phẩm của các nhà máy bia, dầu ăn... Nguyên liệu chính là khoai mì, bánh tráng vụn, cơm khô, hèm bia, vỏ hạt mè, dầu cá, khô đậu nành, bột thịt xương... Tuy nhiên, tùy theo từng thời kỳ phát triển của đàn heo mà thành phần cám trộn phải được cân đối cho phù hợp. Bên cạnh đó, nguyên liệu trộn cũng thường xuyên được thay đổi để giảm giá thành. Ông Bùi Đức Lợi còn cho biết thêm: "Hiện nay do khô đậu nành, khoai mì đang tăng giá khá cao, nên chúng tôi đã chuyển qua dùng vỏ mè và khô đậu phộng thay thế, còn khoai mì được thay bằng mày bắp, cám gạo thay bằng cám lúa mì...".

Nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi và liên kết hỗ trợ nhau về kỹ thuật, nên nhiều trang trại nuôi heo ở Thống Nhất đã vượt qua được khó khăn và làm ăn có lãi.

Hương Giang

 

Tin xem nhiều