Gần đây, nhiều hộ dân ở huyện Thống Nhất đã trồng xen cỏ trong vườn cây lâu năm để phát triển đàn bò thịt, bò lấy sữa. Mô hình này có ưu điểm là tận dụng được diện tích đất trong vườn cây lâu năm, đồng thời giúp các hộ dân có thêm thu nhập, ổn định đời sống.
Gần đây, nhiều hộ dân ở huyện Thống Nhất đã trồng xen cỏ trong vườn cây lâu năm để phát triển đàn bò thịt, bò lấy sữa. Mô hình này có ưu điểm là tận dụng được diện tích đất trong vườn cây lâu năm, đồng thời giúp các hộ dân có thêm thu nhập, ổn định đời sống.
Cỏ sả còn được gọi là cỏ ghi-nê (tên khoa học Panicum Maximum) có thân như bụi sả nên người dân thường gọi là cỏ sả. Cỏ sả có 2 loại: cỏ sả lá lớn và lá nhỏ. Loại lá lớn có ưu điểm năng suất cao, dễ trồng và thu hoạch nhanh, còn loại lá nhỏ tuy năng suất thấp, song lại chịu được sự dẫm đạp của gia súc, thích hợp cho việc chăn thả.
Ông Phạm Sanh, Phó phòng Kinh tế huyện Thống Nhất cho biết, trước đây đa số bà con nông dân trên địa bàn sống bằng chăn nuôi và cấy lúa một vụ nên đời sống rất khó khăn. Mấy năm gần đây, bà con đã biết chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa vào sản xuất những loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao như: rau, hoa, bắp, chôm chôm, ổi không hạt... Bên cạnh đó, họ còn tận dụng đất trong vườn cây lâu năm trồng xen cỏ, chăn nuôi bò cho thêm thu nhập từ 20-25 triệu đồng/hécta. Diện tích trồng xen cỏ trong vườn cây lâu năm ở huyện Thống Nhất hiện nay đã lên đến trên 100 hécta. Ngoài lấy cỏ làm thức ăn cho bò, nhiều hộ còn tận dụng cỏ ủ với phân bò dùng làm phân bón cho cây, giảm chi phí đầu tư cho vườn cây lâu năm. Bà Thị Mùi ở ấp 94, xã Xuân Thạnh nói: "Tôi có 3 sào chôm chôm đều trồng xen cỏ sả. Cỏ sả phát triển rất nhanh nên 3 ngày có thể cắt một lần, đủ nuôi 2 con bò sinh sản, mỗi năm cũng cho thu nhập từ 5-7 triệu đồng". Còn ông Nguyễn Văn Toàn Khoa ở ấp Hưng Nghĩa, xã Hưng Lộc cũng cho biết: "Tôi trồng 4 sào cỏ sả trong vườn tiêu để nuôi bò thịt. Cách đây 2 năm khi chưa trồng cỏ, tôi nuôi 2 con bò cũng thấy vất vả vì suốt ngày phải lo đi chăn, cắt thêm cỏ cho bò. Nhưng từ ngày trồng cỏ, tôi nuôi 4 con bò mà vẫn khỏe. Một nửa diện tích trồng cỏ tôi cắt lấy thức ăn thêm vào ban đêm cho bò, nửa còn lại thả cho bò ăn nên đỡ được rất nhiều công đi chăn. Bò ăn cỏ sả nhanh lớn, nhất là giai đoạn vỗ béo dùng cỏ này rất tốt. Sau khi trừ chi phí đi mỗi năm tôi cũng thu thêm được 10-15 triệu từ nuôi bò".
Theo ông Nguyễn Tống Giang, cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Thống Nhất, đa số các hộ dân ở huyện Thống Nhất chọn cỏ sả để trồng xen vì cỏ sả sinh trưởng mạnh, chất lượng tốt, trồng được cả trong bóng cây, đồng thời năng suất cao, chịu được nóng và hạn. Đầu tư để trồng cỏ sả cũng tương đối đơn giản, có thể trồng bằng hạt hoặc tỉa cây trồng. Nếu trồng hạt hết khoảng 0,8 ký hạt/sào, giá thị trường hiện nay 250 ngàn đồng/kg và 4 tháng sau bắt đầu được thu. Song, đa số thường chọn phương pháp tỉa nhánh trồng, vì tiền giống cũng ngang với trồng hạt trong khi thời gian thu hoạch rút ngắn xuống chỉ bằng 1/2 trồng hạt. Phân bón cho cỏ tốt nhất là phân chuồng ủ hoại, ngoài ra sau mỗi lần thu hoạch bón thúc thêm phân urê, kali, lân với khối lượng 50-70 kg/sào.
Nhiều bà con nông dân nơi đây cho biết, cỏ sả dễ trồng, nhưng thích hợp nhất là trồng đầu mùa mưa. Khi trồng đánh rạch và trồng theo khóm, mỗi khóm cách nhau từ 25-30cm. Chăm sóc tốt, thời gian sinh trưởng của chúng kéo dài khoảng 6 năm, năng suất trung bình 2 tấn cỏ/sào/năm. Bên cạnh đó, cỏ sả còn có thể phơi khô để dành làm thức ăn cho bò hoặc ủ với phân chuồng làm phân bón cho các loại cây trồng rất tốt. Ông Sanh cho hay: "Trước đây, các hộ chăn nuôi bò thường thả trong các rừng cao su, nhưng thời gian gần đây các lâm trường đều cấm vì sợ chúng phá phách những chén hứng mủ thành ra các đàn bò đều thiếu nơi chăn thả và nguồn thức ăn. Do đó, mô hình trồng xen cỏ trong các vườn cây lâu năm đã giải quyết được khó khăn cho những hộ nuôi bò, đồng thời mở ra hướng phát triển ổn định lâu dài. Hiện mô hình này đang được huyện nhân rộng ra tại các xã Lộ 25, Xuân Thanh, Bàu Hàm và Hưng Lộc".
Hương Giang