Báo Đồng Nai điện tử
En

"Vua" trồng rừng

08:09, 07/09/2007

Bắt tay gây dựng cơ nghiệp từ hai bàn tay trắng, nhưng chỉ hơn 10 năm sau, ông Hồ Sơn Tư ở ấp 2, xã Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc) đã có trong tay một cơ nghiệp khá đồ sộ với 30 hécta rừng cây xà cừ trị giá gần 50 tỉ đồng. Chính vì vậy, người dân địa phương đã đặt cho anh biệt danh là "vua" trồng rừng.

Bắt tay gây dựng cơ nghiệp từ hai bàn tay trắng, nhưng chỉ hơn 10 năm sau, ông Hồ Sơn Tư ở ấp 2, xã Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc) đã có trong tay một cơ nghiệp khá đồ sộ với 30 hécta rừng cây xà cừ trị giá gần 50 tỉ đồng. Chính vì vậy, người dân địa phương đã đặt cho anh biệt danh là "vua" trồng rừng. 

 

"Vua" trồng rừng Hồ Sơn Tư quê gốc ở Sơn Tây, Bình Định. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, lúc mới 17 tuổi (năm 1977) chàng thanh niên nghèo này đành rời quê theo một người bà con vào Nam lập nghiệp. Những ngày đầu vào miền đất mới, anh phải đi làm thuê đủ nghề. Ai mướn làm việc gì là ông nhận ngay, không nề hà nặng nhọc. Đi làm thuê, làm mướn nhiều năm, một chủ xe thấy anh thật thà, chịu khó đã nhận về làm phụ xe. Nghề phụ xe nay đây mai đó rong ruổi nhiều nơi và cuối cùng ông đã chọn vùng đất Xuân Hòa làm nơi an cư lập nghiệp. Lúc đó vào khoảng năm 1990, với vốn liếng gom góp nhiều năm, anh dốc cả ra để mở một xưởng mộc nhỏ và mua vài sào đất để trồng mì xen xoài cát Hòa Lộc. Nhưng do đất xám bạc màu nên cây xoài cho trái rất ít. Sau nhiều ngày trăn trở suy nghĩ, cuối cùng ông quyết định chặt xoài đi để trồng xà cừ. Ông nghĩ, thị trường gỗ sẽ ngày càng khan hiếm, vì thế ông trồng xà cừ để sau này có nguồn nguyên liệu phục vụ cho nghề chế biến gỗ của gia đình. Với ý nghĩ ấy, khi tích cóp được chút vốn liếng nào là ông cũng đều đổ ra mua đất trồng rừng. Đến năm 1997, ông Tư đã có trong tay tới 30 hécta trồng xà cừ.

Để lấy ngắn nuôi dài, bên dưới ông Tư trồng xen cỏ voi, cỏ tổng hợp để nuôi bò sinh sản và bò thịt, hình thành trang trại chăn nuôi - trồng trọt theo mô hình khép kín. Với đàn bò 150 con, trừ chi phí, mỗi năm ông Tư lãi gần cả 100 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn tận dụng nguồn phân bò để bón cho cây và chạy máy phát điện nên giảm được rất nhiều chi phí đầu tư cho cây rừng và trang trại chăn nuôi.

Ông Tư cho biết: "Rừng của tôi có khoảng 20 ngàn cây xà cừ, cây trồng sớm đến nay được 13 năm. Nhiều cơ sở, công ty chế biến gỗ trong nước đến đặt mua với giá 2-2,5 triệu đồng/cây nhưng tôi không bán vì gỗ xà cừ càng để lâu giá trị càng lớn. Với lại gia đình tôi có sẵn xưởng mộc chuyên chế biến các đồ gia dụng như: cửa, bàn ghế, tủ, kệ... nên mục đích trồng rừng của tôi nhằm lấy nguồn nguyên liệu gỗ thô cung cấp cho xưởng của mình".

Từ một vùng đất xám bạc màu hầu hết bị bỏ hoang, nhưng qua bàn tay của anh Tư chỉ hơn 10 năm sau, vùng đất cằn cỗi ấy đã đẻ ra bạc tỉ (trị giá rừng hiện nay của ông gần 50 tỉ đồng). Đây là một gia tài tương đối lớn đối với một nông dân bắt đầu từ hai bàn tay trắng như  ông Tư . Ông nói với chúng tôi bằng một giọng tự hào: "Mỗi năm từ trang trại và xưởng mộc cho gia đình tôi thu nhập khoảng 300 triệu đồng. Bên cạnh đó, tôi còn giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 150 lao động với mức thu nhập trên 1 triệu đồng/tháng. Hiện tôi đang đầu tư hơn 5 tỉ đồng để xây dựng thêm một cơ sở mộc nữa, tháng 10 này hoàn thành và đi vào sản xuất sẽ giải quyết việc làm ổn định cho trên 100 lao động của địa phương".

Cũng chính anh Sơn và một số chủ cơ sở mộc cho biết, gỗ xà cừ hiện nay được người tiêu dùng ưa chuộng, bởi màu sắc đẹp, chất gỗ bền. Một bộ bàn ghế sa lông bằng gỗ xà cừ có giá từ 5 triệu đồng đến vài chục triệu đồng; 1 mét khối tủ kệ bếp có giá từ 2 triệu đồng trở lên... Được biết, hàng năm nhu cầu về gỗ để xây dựng, làm giấy, đồ gia dụng, ván nhân tạo của nước ta đã lên đến trên 10 triệu mét khối nhưng thị trường trong nước chỉ mới đáp ứng được khoảng 40%, số còn lại phải nhập khẩu. Vì vậy, trồng rừng ngày càng trở lên có giá trị do lượng cung không đủ cầu.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Tư còn nổi tiếng là người tích cực tham gia làm công tác xã hội, từ thiện. Mỗi năm anh đều đóng góp trên 10 triệu đồng cho các phong trào khuyến học, xây dựng nhà tình thương... Ngoài ra, anh còn giúp vốn cho nhiều hộ nghèo trên địa bàn làm ăn không lấy lãi và đến nay nhiều hộ đã vươn lên khá giả.

Hương Giang

Tin xem nhiều