Báo Đồng Nai điện tử
En

Bệnh heo tai xanh vẫn còn nguy cơ bùng phát

09:09, 14/09/2007

Theo các nhà khoa học, ngay tại các vùng đã hết dịch, bệnh heo tai xanh cũng chỉ khống chế ở mặt nổi, còn virus PRRS (Porcine Reproductive and Respiratory Syndrome) vẫn đang tiềm ẩn và chưa có loại vắc-xin hay kháng sinh nào khống chế được bệnh này. Đồng Nai không chỉ là địa bàn có số lượng heo nuôi nhiều nhất mà còn là cửa ngõ vận chuyển heo từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung để vào TP. Hồ Chí Minh luôn bị dịch bệnh đe dọa và dễ có nguy cơ bùng phát dịch...

Tiêu hủy heo không rõ nguồn gốc.

Theo các nhà khoa học, ngay tại các vùng đã hết dịch, bệnh heo tai xanh cũng chỉ khống chế ở mặt nổi, còn virus PRRS (Porcine Reproductive and Respiratory Syndrome) vẫn đang tiềm ẩn và chưa có loại vắc-xin hay kháng sinh nào khống chế được bệnh này. Đồng Nai không chỉ là địa bàn có số lượng heo nuôi nhiều nhất mà còn là cửa ngõ vận chuyển heo từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung để vào TP. Hồ Chí Minh luôn bị dịch bệnh đe dọa và dễ có nguy cơ bùng phát dịch...

 

* Vẫn chưa phát hiện được nguồn gốc

 

Hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp của heo (PRRS) còn gọi là "bệnh heo tai xanh" (vì heo mắc bệnh này thường bị xuất huyết ở tai, lúc đầu tai đỏ sẫm sau chuyển sang tím xanh). Bệnh được phát hiện đầu tiên trên đàn heo nhập từ Mỹ về các tỉnh phía Nam vào năm 1997. Tuy toàn bộ đàn heo này đã được tiêu hủy, nhưng những năm sau xét nghiệm tại các trại heo giống phía Nam, tỷ lệ heo có huyết thanh dương tính với bệnh PRRS vẫn từ 1,3 - 68,29%. Theo tiến sĩ Nguyễn Như Bình, Phó giám đốc Trung tâm Thú y vùng 6, bệnh heo tai xanh do virus thuộc họ Arteriviridae giống Nidovirales có cấu trúc vỏ bọc dạng chuỗi đơn RNA. Hiện nay, dựa trên việc phân tích cấu trúc gien đã xác định được hai nhóm virus, thuộc dòng châu Âu (với tên gọi phổ thông là virus Lelystad) và virus thuộc dòng Bắc Mỹ (VR-2332). Virus nằm trong dịch tiết nước mũi, nước bọt, sữa, tinh dịch và chất thải và chúng có thể tồn tại từ 14-210 ngày và có thể lây lan qua tiếp xúc với heo ốm, heo mang trùng, các nguồn có virus như phân, nước tiểu, dụng cụ chăn nuôi, bảo hộ nhiễm trùng, quần áo của người chăn nuôi, người từ vùng dịch ra ngoài...

Ông Mai Văn Hiệp, Phó cục trưởng Cục thú y cho biết: "Bệnh heo tai xanh vẫn chưa tìm được loại thuốc điều trị đặc hiệu. Ngày 16-8-2007, một số mẫu bệnh phẩm đã được gửi đi Mỹ xét nghiệm nhưng hiện vẫn chưa xác định được dòng virus heo tai xanh ở Việt Nam thuộc chủng nào? Vì vậy, Cục thú y không khuyến cáo người dân phải dùng vắc-xin PRRS".

Tại Đồng Nai, cho đến nay dịch vẫn chưa xảy ra, tuy nhiên hiện diễn biến tình hình dịch bệnh heo tai xanh còn phức tạp tại một số tỉnh miền Trung và đã xuất hiện tại Bà Rịa  - Vũng Tàu, tỉnh giáp ranh với Đồng Nai. Nếu người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh không cương quyết thực hiện theo khuyến cáo của Chi cục thú y và người buôn bán còn hám lợi trước heo bị dịch bán rẻ thì nguy cơ bùng phát dịch ở Đồng Nai là rất cao.

 

* Phòng bệnh vẫn là chính

 

Hiện nay trên thế giới đã có khoảng 25 nước xảy ra dịch bệnh PRRS. Riêng ở Mỹ tỷ lệ nhiễm thể lên đến 60% tổng đàn, gây tổn thất mỗi năm 560 triệu USD nhưng vẫn chưa có loại thuốc đặc hiệu để trừ tận gốc. Vì vậy, để ngăn chặn bệnh heo tai xanh vẫn phòng là chính. Tiến sĩ Nguyễn Như, Phó khoa chăn nuôi thú y Đại học nông lâm TP.Hồ Chí Minh cho biết: "Cách phòng bệnh heo tai xanh tốt nhất là từng bước thay đổi phương thức chăn nuôi, chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi theo hướng công nghiệp. Đồng thời, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Giống chọn nuôi phải khỏe mạnh, rõ nguồn gốc. Dùng phương pháp cùng vào cùng ra để có thời gian bỏ trống chuồng trại sát trùng trước khi vào nuôi tiếp đợt khác".

 Theo ông Hiệp, chăm sóc tốt đàn heo để tăng sức đề kháng và tiêm phòng các bệnh khác cũng là một phương pháp phòng dịch hữu hiệu. Bên cạnh đó, muốn giảm và khống chế được dịch bệnh, người chăn nuôi heo hãy thực hiện phương châm "3 không": không giấu giếm khi heo bệnh, không bán chạy heo bệnh, không vứt xác heo chết bừa bãi. Ông Hoàng Sơn Hải, Chi cục trưởng Cục thú y Đồng Nai cho biết, trong thời gian qua Chi cục thú y đã phối hợp với cơ quan thú y vùng 6 tổ chức nhiều đợt tập huấn phòng chống dịch bệnh heo tai xanh cho các chủ trang trại và nhiều bà con chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn; tăng cường công tác trực chốt, thanh kiểm tra từng địa bàn. Nhưng không phải làm như vậy là địa bàn Đồng Nai không còn nguy cơ bùng phát dịch bệnh heo tai xanh. Theo một số cán bộ của các Trạm thú y trên địa bàn tỉnh, hiện nay tình trạng giết mổ lậu vẫn còn thường xuyên xảy ra và một số nơi đã phát hiện những cơ sở mổ heo chết có hiện tượng bị bệnh. Những trường hợp nói trên nếu không có biện pháp kiểm soát xử lý kịp thời thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất dễ xảy ra.

Hương Giang

 

Tin xem nhiều