Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo Bình: Vùng đất "cố thủ" với cây cà phê

08:09, 03/09/2007

Nhắc đến xã Bảo Bình (huyện Cẩm Mỹ) mọi người nghĩ ngay đến một vùng đất của các loại cây công nghiệp: cà phê, tiêu và cây ăn trái. Người dân Bảo Bình đã rất thành công trong việc giữ cây cà phê để đợi ngày tăng giá...

Thu hoạch cà phê (ảnh minh họa).

Nhắc đến xã Bảo Bình (huyện Cẩm Mỹ) mọi người nghĩ ngay đến một vùng đất của các loại cây công nghiệp: cà phê, tiêu và cây ăn trái. Người dân Bảo Bình đã rất thành công trong việc giữ cây cà phê để đợi ngày tăng giá...

 

Là một xã thuần nông, cây chủ lực lại là cà phê, trong những năm  qua nông dân Bảo Bình gặp không ít khó khăn do giá vật tư nông nghiệp tăng, trong khi giá nông sản lại hạ. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Hiếm tâm sự: "Bảo Bình có hai loại cây trồng chủ lực là cà phê, tiêu và 2 loại cây này nhiều lúc lại rơi vào tình trạng khó khăn do giá cà phê xuống quá thấp. Cũng may là người dân xoay sở gìn giữ cây cà phê chờ tăng giá nên cuộc sống vẫn ổn định". Không như nhiều nơi thấy giá cà phê thấp kéo dài đã chặt bỏ ồ ạt, người dân ở Bảo Bình thì vẫn kiên trì đeo bám bằng những biện pháp như giảm mức đầu tư xuống, trồng xen những loại cây ăn trái (như: mãng cầu xiêm, chuối, đu đủ v.v...) vào vườn cà phê để kiếm thêm thu nhập phụ, giải quyết tiền chi tiêu hàng ngày để cầm cự chờ cà phê tăng giá. Vào thời kỳ cao điểm, diện tích cà phê của Bảo Bình lên đến trên 2.000 hécta, chiếm 2/3 diện tích đất sản xuất của xã. Tuy nhiên, sau nhiều năm cà phê  bị rớt giá đến nay diện tích cà phê nơi đây giảm xuống còn 1.473 hécta.

Chị Nguyễn Thị Liên, chủ 1 hécta cà phê cho hay: "Xung quanh rẫy cà phê, tôi trồng chuối và mãng cầu, tính ra tiền bán trái cây cũng đủ cho chi tiêu ăn uống trong gia đình hàng ngày. Riêng tiền thu từ cà phê thì để tái đầu tư lại cho chúng. Nếu chặt đi rồi, khi giá tăng lên lúc đó lại tiếc". Cũng như chị Liên, ông Nguyễn Văn Hùng, chủ của 1,2 hécta cà phê cho rằng, nếu chặt bỏ cà phê sẽ rất khó khăn để chọn cây trồng khác, vì người dân nơi đây đã rất quen với cây cà phê. Chính vì vậy, mọi người phải cố giữ cà phê lại. Mấy năm vừa qua, diện tích những loại cây ăn trái "phụ trợ" trồng xen với các vườn cà phê ở Bảo Bình đã tăng lên đến gần 100 hécta và cho thu nhập khá tốt. Thế nhưng theo ông Hiếm, do giảm đầu tư và trồng xen những loại cây khác vào nên năng suất cây cà phê mấy năm vừa qua không được cao (bình quân chỉ đạt 15 tạ/hécta). Năm nay, giá cà phê tăng trở lại, các chủ vườn có hoa lợi sẽ tập trung chăm sóc tốt hơn nên năng suất chắc chắn đạt 20 tạ/hécta và cuộc sống của họ sẽ khá hơn. Vì với giá cà phê như năm nay hơn 20 ngàn đồng/kg, mỗi hécta cà phê ở đây sẽ có thu nhập vào khoảng 40 triệu đồng.

Trong tương lai, xã Bảo Bình vẫn xác định cây cà phê là chủ lực nên việc quan tâm đến cây trồng này không chỉ ở người dân mà chính quyền địa phương cũng rất chú ý đến. Ông Hiếm cho biết thêm, vừa qua UBND xã đã làm việc với Trung tâm khuyến nông Đồng Nai để đưa giống cà phê mới có năng suất cao về trồng. Cây cà phê giống mới này sẽ được ghép thẳng vào cây cà phê hiện có, sau khi cây ghép lớn có thu hoạch sẽ cắt bỏ cây cà phê cũ, như vậy sẽ không mất khoảng thời gian chờ đợi.

Nông dân xã Bảo Bình vốn đã khá quen với cây cà phê, bởi vậy việc đưa năng suất cà phê lên đến  25 - 30 tạ/hécta là trong tầm tay.

Vân Nam

Tin xem nhiều