Mặc dù trong những ngày qua, các phương tiện báo chí liên tục tuyên truyền về dịch heo tai xanh và bệnh liên cầu khuẩn ở heo xuất hiện ở một số địa phương trong cả nước, trong đó đặc biệt cảnh báo mối hiểm họa của 2 loại bệnh này đối với người dân, nhưng hiện vẫn còn không ít hộ chăn nuôi, giết mổ gia súc chỉ vì hám lợi mà bất chấp pháp luật, xem thường sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng đã cố tình tàng trữ, kinh doanh thịt gia súc bệnh.
Mặc dù trong những ngày qua, các phương tiện báo chí liên tục tuyên truyền về dịch heo tai xanh và bệnh liên cầu khuẩn ở heo xuất hiện ở một số địa phương trong cả nước, trong đó đặc biệt cảnh báo mối hiểm họa của 2 loại bệnh này đối với người dân, nhưng hiện vẫn còn không ít hộ chăn nuôi, giết mổ gia súc chỉ vì hám lợi mà bất chấp pháp luật, xem thường sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng đã cố tình tàng trữ, kinh doanh thịt gia súc bệnh.
Điển hình là vụ một hộ tàng trữ, giết mổ, kinh doanh số lượng lớn gia súc vừa bị phát hiện tại phường Long Bình mới đây. Khoảng 18 giờ tối ngày 13-8, sau khi nhận được nguồn tin báo của người dân, Đội kiểm tra liên ngành 127 TP. Biên Hòa phối hợp với chính quyền phường Long Bình đã đột kích vào cơ sở giết mổ gia súc của ông Nguyễn Văn Dũng, địa chỉ E891, tổ 36, khu phố 5A. Tại đây, ngoài 33 con đã giết mổ tổng trọng lượng thịt gần 1 tấn (phần lớn được lưu trữ bảo quản bằng đá cục trong một hầm xi măng khá lớn), còn có 2 con heo khác đang được giết mổ dở dang trọng lượng hơn100kg, cùng một con đã chết bụng trương phình đang chuẩn bị xẻ thịt. Riêng trong các chuồng, đoàn kiểm tra cũng đã phát hiện 29 con heo sống khác đang được nuôi nhốt, có tổng trọng lượng ước khoảng hơn 2 tấn... Điều đáng nói là số thịt heo đang tồn trữ trong hầm đá đã bốc mùi hôi, nhiều mảng thịt chuyển màu thâm đen. Ông Nguyễn Văn Dũng, chủ cơ sở này cho biết, ông đã thu mua số heo trên ở nhiều nơi và của nhiều chủ, nhưng không biết địa chỉ cụ thể.
Theo ghi nhận của chúng tôi, cơ sở này có diện tích khá rộng (lên đến hàng trăm mét vuông) với nhiều dãy chuồng được xây dựng kiên cố, có trang bị đầy đủ trang thiết bị dùng cho giết mổ. Với số lượng heo sống và thịt đang được tàng trữ, bị phát hiện lên đến hàng tấn như trên cho thấy, đây là cơ sở kinh doanh chuyên nghiệp lâu năm. Thực tế, người dân ở đây cũng cho biết như vậy. Một cán bộ Phòng Kinh tế TP.Biên Hòa cũng cho biết, năm 2006 cơ sở này đã từng bị xử lý hành chính với số tiền phạt lên đến 18 triệu đồng. Thế nhưng khi trả lời với ngành chức năng, ông Nguyễn Văn Dũng, chủ cơ sở này chống chế rằng, toàn bộ số heo và thịt đang được tồn trữ là để sử dụng làm thức ăn cho cá (với giá rẻ chỉ từ 1.000 đến 2.000 đồng/kg) chứ hoàn toàn không vì mục đích kinh doanh!? Sau khi được nghe đại diện ngành chức năng giải thích và đưa ra các văn bản pháp luật liên quan, ông Nguyễn Văn Dũng đã phải chấp hành ký vào biên bản vi phạm. Đội kiểm tra liên ngành đã tịch thu tiêu hủy số heo sống và thịt theo quy định và tiến hành cho phun xịt tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực này. Riêng số heo sống, đội đã lập biên bản đề xuất với ngành chức năng thành phố tiếp tục xử lý theo quy định.
Qua trường hợp vi phạm nêu trên, một lần nữa cho thấy phường Long Bình vẫn luôn là "điểm nóng" về tình trạng vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm trái phép của TP.Biên Hòa. Ông Tống Thanh Đa, Chủ tịch UBND phường Long Bình khẳng định: "Hiện nay chúng tôi đang tăng cường kiểm tra xử lý tất cả các cơ sở giết mổ trên địa bàn và quyết tâm xóa sạch các cơ sở giết mổ lậu...".
Trước đó, khoảng 24 giờ ngày 10-8, trong lúc tuần tra giữ gìn ANTT địa bàn, lực lượng công an cùng tổ trật tự đô thị phường Tam Hòa cũng đã phát hiện 7 xe gắn máy và 1 xe lôi vận chuyển trái phép gần 500kg thịt heo cùng 40 con gia cầm chưa qua kiểm dịch từ các địa phương khác về chợ Tam Hòa tiêu thụ. Ngay sau khi nhận được tin báo, đại diện các ngành chức năng thành phố, Trạm thú y Biên Hòa đã có mặt kịp thời để tiến hành lập biên bản vi phạm, đồng thời tịch thu và tiêu hủy toàn bộ số thịt heo và gia cầm trái phép nêu trên. Ông Nguyễn Kim Phước, Phó phòng Kinh tế TP. Biên Hòa nói: "Thành phố đang tăng cường đẩy mạnh kiểm soát sản phẩm gia cầm nghi mắc bệnh để xử lý nghiêm, góp phần giúp cho công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả...".
Tuy nhiên, theo chúng tôi, nếu chỉ có sự phối hợp tích cực và thường xuyên của chính quyền và ngành chức năng từ thành phố đến phường, xã không thôi là vẫn chưa đủ. Điều quan trọng và mang yếu tố triệt để nhất chính là tinh thần trách nhiệm trong phát hiện và tố giác các trường hợp vi phạm của người dân.
Huỳnh Giới