Báo Đồng Nai điện tử
En

Nuôi cá lóc trên hồ nổi

09:08, 03/08/2007

Ông Phạm Trọng Đại ở ấp III, xã Phước Thái, huyện Long Thành từng nổi tiếng với mô hình nuôi cá trê và ba ba đem lại lợi nhuận cao. Gần đây, ông còn được nhiều người biết đến qua mô hình nuôi cá lóc bông trên hồ nổi với mật độ tương đối dày.

Ông Phạm Trọng Đại bên cạnh hồ nuôi cá lóc bông.

Ông Phạm Trọng Đại ở ấp III, xã Phước Thái, huyện Long Thành   từng nổi tiếng với mô hình nuôi cá trê và ba ba đem lại lợi nhuận cao. Gần đây, ông còn được nhiều người biết đến qua  mô hình nuôi cá lóc bông trên hồ nổi với mật độ tương đối dày.

 

15 năm về trước, gia đình ông về Phước Thái khi vùng đất này còn hoang vu, ít người sinh sống. Đất đai và nguồn nước nơi này bị nhiễm mặn và phèn cao nên chăn nuôi trồng trọt rất khó khăn phải sau nhiều ngày tính toán và thử qua nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt,  ông đi đến quyết định đầu tư  theo nghề nuôi cá từ năm 1992 với mô hình nuôi cá trê và ba ba. Với mô hình này, mỗi năm từ 4.000 m2 ao, ông Đại thu trên 20 tấn cá trê và ba ba, lãi khoảng 200 triệu đồng. Từ một hộ khó khăn,  nhờ nuôi cá đến nay, gia đình ông đã trở thành một hộ giàu có được nhiều người tìm đến học hỏi kinh nghiệm.

Mới đây, ông lại tiếp tục nuôi thành công giống cá lóc bông trên hồ nổi bằng phương pháp nuôi công nghiệp. Ông Đại cho biết: "Đầu năm 2007, tôi nuôi thử nghiệm khoảng 30 ngàn con cá lóc giống, loại 1.000 con/kg trên ba hồ nổi với diện tích  570m2... Sau 4 tháng, từ 3 hồ nổi, tôi thu được 8 tấn cá lóc, bình quân mỗi con nặng khoảng 600 gram". Nếu tính theo giá thị trường hiện nay (khoảng 26 ngàn đồng/kg cá lóc bông), ông thu được trên 200 triệu đồng, trừ mọi chi phí, ông còn lãi tới 80 triệu đồng. Theo ông, thời gian để nuôi một lứa cá mất khoảng 4 tháng, như vậy 1 năm sẽ nuôi được 2 lứa cá và mức lãi có thể đạt khoảng 160 triệu đồng. Ông Đại cho biết: "Cá lóc bông có khả năng thích nghi với nhiều môi trường sống. Phước Thái là vùng nguồn nước nhiễm mặn và phèn cao nhưng cá vẫn sinh trưởng và phát triển bình thường".

Tuy nhiên, để nuôi cá lóc bông trên hồ nổi đạt hiệu quả, theo ông mỗi ngày phải thay nước từ 1 đến 2 lần và thay vào lúc 7-8 giờ sáng là tốt nhất. Cần bơm  nước lên cao, sau đó cho chảy từ từ xuống hồ, vì như thế sẽ tạo thêm được ôxy dưới hồ. Với mực nước hồ sâu khoảng 80 cm có thể nuôi cá lóc bông với mật độ 50 con/m2. Cá giống không nên thả một đợt mà nên chia thành hai đợt thả gối nhau. Nếu chăm sóc tốt, có thể nuôi được 2 vụ rưỡi/năm với mật độ là 70 con/m2. Quy trình xây dựng hồ cũng khá đơn giản. Chỉ cần xây cao khoảng 1,2 - 1,5m, bốn xung quanh và đáy lát xi măng để luôn đảm bảo nguồn nước. Riêng đáy hồ rải một lớp bùn khoảng 15cm để tránh sây sát cho cá. Cá lóc bông nuôi dạng công nghiệp rất hiếm khi mắc bệnh nhưng nếu nuôi mật độ cao, thì 5 ngày nên cho cá uống thuốc chống  nấm và ghẻ một lần. Giữa hai vụ nghỉ ngâm hồ khoảng 5 - 10 ngày, trước khi đưa vào nuôi vụ mới phải vệ sinh hồ sạch sẽ. Trường hợp nguồn nước lấy từ sông ngòi vào không đủ điều kiện nuôi cá, thì  có thể dùng bằng nước giếng.

Theo tính toán của ông Đại, để được 1 kilôgam cá lóc thương phẩm bán ra thị trường cần đầu tư khoảng 16 - 18 ngàn đồng để mua giống, thức ăn và công chăm sóc... Nếu cá  bán ra mức từ 20 ngàn đồng/kg trở lên, thì người nuôi sẽ có lãi. Nhưng theo một số thương nhân buôn bán cá lóc tại các chợ cho biết, cá lóc luôn được thị trường tiêu dùng ưa chuộng, vì có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng nên đầu ra tương đối ổn định.

Hiện nay ông Đại đang tiến hành xây dựng mới và chuyển dần một số ao nuôi cá trê sang nuôi cá lóc bông theo dạng công nghiệp và tăng dần mật độ lên.  Vì theo ông, nuôi cá lóc bông có thể cho lãi gấp 2 - 3 lần so với cá trê. Được biết, mô hình nuôi cá lóc trên hồ nổi của ông Đại đang được Trạm khuyến nông huyện Long Thành chọn nhân rộng và làm điểm đến học tập kinh nghiệm cho nhiều hộ nông dân trong huyện.

  Hương Giang

 

Tin xem nhiều