Gần đây, những người nuôi cá nước ngọt rất quan tâm về con cá chình - một loại cá có giá trị kinh tế cao, 1 kg cá thương phẩm hiện có giá gần 300 ngàn đồng. Tuy nhiên, kỹ thuật nuôi cá chình vẫn đang là một thách thức, bởi cá sống cả ở nước mặn và nước ngọt, rất khó nuôi. Mới đây, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với một số nông dân ở thị trấn Định Quán (huyện Định Quán) đã nuôi trình diễn thành công loại cá này...
Gần đây, những người nuôi cá nước ngọt rất quan tâm về con cá chình - một loại cá có giá trị kinh tế cao, 1 kg cá thương phẩm hiện có giá gần 300 ngàn đồng. Tuy nhiên, kỹ thuật nuôi cá chình vẫn đang là một thách thức, bởi cá sống cả ở nước mặn và nước ngọt, rất khó nuôi. Mới đây, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với một số nông dân ở thị trấn Định Quán (huyện Định Quán) đã nuôi trình diễn thành công loại cá này...
* Nếu biết nuôi sẽ đem lợi nhuận cao
Nghề nuôi cá chình đã xuất hiện ở nước ta khoảng 10 năm nay. Nhưng không phải ai cũng có thể nuôi được nuôi loại cá này. Chỉ có một số ít hộ dân ở đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung nuôi thành công. Kỹ thuật nuôi cá chình cho đến nay phần lớn vẫn dựa vào kinh nghiệm. Ở Đồng Nai, khoảng 6 năm về trước, một vài ngư dân ở La Ngà (huyện Định Quán) cũng nuôi thử nghiệm bằng bè trên sông nhưng đều thất bại. Đến năm 2004, ông Nguyễn Ngọc Thành, một nông dân ở thị trấn Định Quán đã mày mò nghiên cứu và nuôi được loại cá này trong ao. Để con cá chình sống được trong ao, lứa cá đầu tiên ông Thành đã nhiều phen mất ăn mất ngủ. Ông kể: "Loại cá này còn khá lạ nên mình chưa lường được những gì xảy ra. Nuôi cá đến tháng thứ 4 tưởng yên ổn, nào ngờ một sự cố đã xảy ra chỉ trong vài tiếng đồng hồ làm cho cá của tôi chết đến 40%. Hôm đó, cá chết nổi lên nhiều, con thì bơi ngửa, con thì ngáp ngáp, nhiều con trườn lên đám lục bình nằm. Trông cảnh tượng đó tôi hoang mang lắm. Phải mất một lúc mới định thần lại được, khi ấy mới nghĩ ra là cá bị thiếu ôxy. Lập tức tôi dùng 4 cái máy bơm điện bơm nước vọt lên trời cho chúng rơi xuống để tạo ôxy trong ao. Sau 2 tiếng đồng hồ thì đàn cá trở lại bình thường. Cấp cứu như vậy nhưng cá vẫn bị chết rất nhiều". Được biết, cá chình chỉ sống ở vùng nước chảy và cần lượng ôxy nhiều nên khi nuôi trong ao cá dễ bị ngộp chết. Với hồ chỉ rộng 700m2 và mặc dù cá bị hao hụt đến 40%, nhưng vụ cá năm đó ông Thành vẫn lãi được 36 triệu đồng.
Theo ông Thành, loại cá chình sống ở nước sâu và mát nên nước trong ao nuôi phải đạt từ 1,5m - 2m và cần nhiều ôxy. Đây là loại cá có khả năng trườn tốt trên bờ, vì vậy bờ ao phải xây gờ chắn. Cá chình là loài ăn thịt, khi thiếu thức ăn chúng sẽ tranh cướp mồi lẫn nhau rất mạnh nên phải phân loại cá 6 tháng một lần. Ao nuôi cá cần chuẩn bị kỹ: tát cạn nước rồi vét sạch bùn và phơi ao. Bón vôi vào ao để tạo độ PH; xử lý nước bằng thuốc diệt khuẩn. Những ngày âm u, cần bơm thêm nước vào ao từ 2 - 3 giờ trước khi trời sáng để tạo độ ôxy. Như ông Thành và một số hộ mới nuôi cá chình ở thị trấn Định Quán tính toán, nếu nuôi tốt 1 sào ao (1.000m2) người nuôi sẽ có lãi khoảng 100 triệu đồng/năm.
* Cơ hội mới cho người nuôi thủy sản ở Đồng Nai
Rõ ràng, "cánh cửa" bí mật về loại cá này đang được hé mở dần. Đây là cơ hợi cho những người nuôi thủy sản có thêm cơ hội để phát triển kinh tế. Ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Trung tâm khuyến nông Đồng Nai cho biết trong thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục mở rộng thêm mô hình trình diễn nuôi cá chình thương phẩm ở các huyện để phát triển nghề nuôi loại cá này. Ông nói: "Đây là loại cá còn khá mới, kỹ thuật nuôi chưa có nhiều. Cá giống còn phụ thuộc vào thiên nhiên do chưa cho sinh sản nhân tạo được. Thời gian nuôi cá lâu (1 năm cá đạt trọng lượng khoảng 500g), đòi hỏi chủ ao phải có vốn. Đó là một số khó khăn trước mắt, nhưng tôi tin rằng không lâu nữa, con giống loại cá này cũng được sinh sản nhân tạo như một số loài cá khác, ví dụ gần đây nhất là cá lăng nha chẳng hạn. Hiện nay các trường đại học và viện nghiên cứu cũng tập trung vào nghiên cứu quy trình nuôi và cho cá chình sinh sản nhân tạo".
Kỹ sư thủy sản Nguyễn Văn Bảo, cán bộ Trạm khuyến nông huyện Nhơn Trạch cũng cho biết thêm, do cá chình sống được ở cả 2 nguồn nước nên môi trường nước để nuôi cá khá rộng, ngay cả những vùng nước lợ cũng có thể nuôi được cá chình. Tuy nhiên, điều quan trọng là nguồn nước không bị nhiễm phèn và bị ô nhiễm.
Vân Nam