Đã từ lâu, huyện Vĩnh Cửu nổi tiếng là vùng đất trồng được nhiều loại bưởi ngon, song hầu hết các vườn bưởi đều được trồng trên những vùng đất màu mỡ, gần nguồn nước. Riêng anh Nguyễn Thanh Nhân, ở ấp Cây Xoài, xã Tân An là một trong những người đầu tiên ở huyện Vĩnh Cửu trồng thành công 4 hécta bưởi đường lá cam trên vùng đất đồi khô cằn, đầy sỏi đỏ...
Đã từ lâu, huyện Vĩnh Cửu nổi tiếng là vùng đất trồng được nhiều loại bưởi ngon, song hầu hết các vườn bưởi đều được trồng trên những vùng đất màu mỡ, gần nguồn nước. Riêng anh Nguyễn Thanh Nhân, ở ấp Cây Xoài, xã Tân An là một trong những người đầu tiên ở huyện Vĩnh Cửu trồng thành công 4 hécta bưởi đường lá cam trên vùng đất đồi khô cằn, đầy sỏi đỏ...
Theo lời anh Nhân kể, từ năm 1996, khi anh đưa vợ con đến ấp Cây Xoài lập nghiệp, đất đai ở ấp Cây Xoài còn rộng mênh mông nhưng người dân ở đây đa số chỉ trồng mì, vì cho rằng chỉ có cây mì mới sinh trưởng được trên vùng đất sỏi. Vốn là dân trồng bưởi ở Tân Triều, nên khi vừa đặt chân đến đây, anh Nhân đã bắt tay vào cải tạo đất và quyết tâm trồng thành công cây bưởi trên vùng đất này. Những ngày đầu với anh thật gian nan. Ngoài việc học tập kinh nghiệm từ sách vở, đài báo, nghe ở đâu có mô hình trồng bưởi trên vùng đất khô cằn thành công là anh lặn lội tìm đến học hỏi kinh nghiệm. Ba giống bưởi được anh Nhân chọn trồng là bưởi đường lá cam, bưởi thanh trà và bưởi da láng, sau ba năm đã bắt đầu cho trái và số lượng trái không thua kém những vùng đất màu mỡ khác, đặc biệt là mùi vị của tép bưởi vẫn ngọt và thơm ngon không khác bưởi trồng ở đất Tân Triều. Từ đó anh Nhân đã mạnh dạn đầu tư trồng thêm 4 hécta bưởi. Anh cho biết: "4 hécta sau tôi trồng toàn bưởi đường lá cam, vì giống này ít bị sâu bệnh và nhanh cho trái, nếu chăm sóc tốt cây sẽ có tuổi thọ từ 25 - 30 năm. Giống bưởi đường lá cam một năm cho thu hoạch 2 vụ vào tháng 1 và tháng 6. Năm nay là năm thứ ba cây cho trái nên thu hoạch được khoảng 60 tấn quả/hécta. Bình quân mỗi hécta bưởi tôi lãi khoảng 120 triệu đồng".
Từ kinh nghiệm của anh Nhân cho thấy, muốn trồng bưởi thành công trên vùng đất sỏi đỏ chỉ cần tuân thủ theo một số yêu cầu như: đào hố trước khi trồng khoảng 4 tuần, hố đào có kích thước 0,8m x 0,8m và sâu khoảng 0,7m, khoảng cách giữa các cây là 6m x 6m, sau đó cho vào mỗi hố 15 - 20 kg phân chuồng ủ hoại, 0,5kg super lân và 0,5kg vôi bột. Khi trồng, đặt cây xuống giữa hố để bầu cây nhô cao khoảng 10cm so với mặt đất xung quanh rồi ủ đất ngang mặt bầu, cắm cọc chống đỡ cho cây, ủ gốc cho cây vừa mát, vừa chống được xói mòn khi mưa. Về mùa khô, cứ 3 ngày tưới cho cây một lần. Ba năm đầu khi cây bưởi chưa cho trái, anh Nhân trồng xen cây đu đủ để che mát cây, đồng thời lấy ngắn nuôi dài. Số tiền thu hoạch đu đủ cũng vừa đủ cho anh Nhân trang trải công chăm sóc và mua phân bón cho cây bưởi.
Đa số bưởi của anh Nhân được bán cho các thương nhân. Vừa qua, để mở ra hướng mới cho việc tiêu thụ sản phẩm, anh Nhân đã đăng ký mở một gian hàng tại Hội chợ trái cây Nam bộ được tổ chức ở Suối Tiên (TP. Hồ Chí Minh) nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm bưởi Vĩnh Cửu, đồng thời tìm đầu ra ổn định lâu dài. Tuy mỗi ngày anh chỉ tiêu thụ được khoảng 40kg quả tại hội chợ, nhưng đã có một số khách du lịch nước ngoài sau khi thưởng thức đã tìm đến tham quan vườn bưởi của anh. Thấy quy trình sản xuất, chăm sóc bưởi đạt yêu cầu, nên họ có ý định đặt hàng lâu dài, nhưng số quả thu được của anh Nhân đưa đáp ứng đủ đơn đặt hàng. Hiện anh Nhân đang liên kết với các nhà vườn khác trong huyện để có đủ lượng quả cho các đơn đặt hàng lớn.
Trước đây, những trái bưởi nhỏ không đạt về mẫu mã, anh Nhân thường bỏ đi. Sau này, qua học hỏi, anh đã nảy ra ý định tận dụng bưởi nhỏ để ủ rượu. Anh cho biết: "Dịp đầu năm, được sự hỗ trợ của Trung tâm khuyến nông Đồng Nai tôi đã xây dựng một cơ sở chế biến rượu bưởi. Cơ sở của tôi thường xuyên có 7 lao động làm việc. Nếu có đủ nguyên liệu, mỗi tháng cơ sở của tôi có thể cho ra lò được trên 1 ngàn lít rượu bưởi. Thứ rượu này đang được thị trường rất ưa chuộng và lượng cung không đủ cầu".
Anh Nhân cho hay, bắt đầu từ năm 2008, anh sẽ xử lý cho vườn bưởi của mình một năm ra một vụ và có quả thu hoạch vào dúng dịp Tết Nguyên đán, giá bán sẽ cao gấp rưỡi ngày thường và cây ra một năm một vụ vừa cho trái lớn và đều hơn, vừa đảm bảo và kéo dài được thời gian sinh trưởng cho cây. Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Tân An, mô hình trồng bưởi của anh Nhân hiện đang là điểm đến tập huấn, học tập kinh nghiệm của nhiều hộ dân trong xã và huyện. Riêng xã Tân An, tới đây sẽ chuyển 300 hécta trồng cây hàng năm không hiệu quả sang trồng bưởi và dự định vùng bưởi của xã có khả năng sẽ phát triển lên đến 400 hécta.
Hương Giang