Đồng Nai là một tỉnh có đàn heo lớn nhất nhì của cả nước. Trong thời gian qua, do tình hình dịch bệnh và giá thức ăn gia súc liên tục tăng đã gây khó khăn cho người chăn nuôi. Vậy làm gì để giúp người chăn nuôi heo có thể sống được với nghề đang là bức xúc chung ở Đồng Nai. Bài viết dưới đây của ông Ma Sa, chủ trại nuôi heo ở huyện Xuân Lộc, đề xuất một hướng phát triển lâu bền cho người chăn nuôi.
Đồng Nai là một tỉnh có đàn heo lớn nhất nhì của cả nước. Trong thời gian qua, do tình hình dịch bệnh và giá thức ăn gia súc liên tục tăng đã gây khó khăn cho người chăn nuôi. Vậy làm gì để giúp người chăn nuôi heo có thể sống được với nghề đang là bức xúc chung ở Đồng Nai. Bài viết dưới đây của ông Ma Sa, chủ trại nuôi heo ở huyện Xuân Lộc, đề xuất một hướng phát triển lâu bền cho người chăn nuôi.
Từ lâu ai cũng biết, thách thức lớn nhất đối với sự tồn tại và phát triển của ngành chăn nuôi ở nước ta là chưa khống chế được dịch bệnh, đặc biệt là bệnh dịch lở mồm long móng (LMLM) và dịch tả trên gia súc. Nguyên nhân chính của tình trạng này là các chủ trương và các chương trình nhằm kiểm soát, khống chế dịch bệnh của các cơ quan quản lý TW không được cấp dưới thi hành đến nơi đến chốn, thậm chí có nơi chỉ tổ chức phổ biến một lần rồi không làm gì cả. Hệ lụy của tình trạng này là sản phẩm thịt của nước ta không xuất khẩu được, còn thị trường trong nước thì lộn xộn bát nháo, vàng thau lẫn lộn, giá cả phụ thuộc vào các lò mổ và các đầu nậu phân phối tại các chợ. Trong lúc đó, giá nguyên liệu dùng cho thức ăn chăn nuôi thì tăng vọt, gây bối rối cho người chăn nuôi. Có thể nói không ngoa rằng, giá đầu vào cho chăn nuôi heo hiện nay là giá của thị trường thế giới, còn giá đầu ra thì ở chợ "chồm hổm". "Tồn tại hay không tồn tại" là câu hỏi khó đối với người nông dân hiện đã lỡ dốc vốn đầu tư vào chăn nuôi heo.
Hai vấn đề lớn của ngành chăn nuôi heo hiện nay là đầu ra của sản phẩm thịt phải có đường xuất ra nước ngoài và phải thanh toán được các loại dịch bệnh nguy hiểm như: LMLM và dịch tả. Tình hình chung của các trại, hộ chăn nuôi đều ý thức được sự sống còn nên đã biết cách phòng tránh hữu hiệu như: thực hiện đầy đủ chương trình vắc-xin, tiêu trùng khử độc định kỳ thường xuyên. Và, thực tế nhiều cơ sở chăn nuôi trong thời gian dài 5, 7 năm liên tục không có dịch xảy ra (nhưng lắm lúc họ cũng bị "tai bay vạ gió" vì vi rút phát tán từ bên ngoài).
Ở đây, theo thiển ý của chúng tôi, thì vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý chăn nuôi thú y các cấp phải được thể hiện qua 2 việc sau:
Một là, phải kiểm soát được tình hình vận chuyển các sản phẩm gia súc mang mầm bệnh trong phạm vi cả nước và trong từng địa phương. Hai là, xây dựng cho được từ cơ sở cho đến mỗi địa phương hay từng vùng không có dịch bệnh (an toàn dịch bệnh).
Trở lại chuyện tìm đầu ra cho thịt heo, nhớ lại trong một buổi tổng kết cuối năm 2006 của Công ty Cargill, người viết có hỏi ông Tổng giám đốc công ty rằng: Tại sao công ty quý ông bán cám, bán giống heo và thiết bị chuồng trại cho nông dân lại không mua sản phẩm thịt do họ làm ra? Ông Tổng giám đốc trả lời rằng, công ty chưa có chủ trương đó! Cũng có thể hiểu, Công ty Cargill không có chủ trương đó vì hầu hết các công ty lớn của nước ngoài đầu tư vào nước ta trong lĩnh vực chăn nuôi và sản xuất thức ăn gia súc ít có ai chịu đầu tư vào khâu thu mua, giết mổ và chế biến thịt. Rõ ràng, họ chỉ nghĩ đến thu lợi trước mắt chứ không màng gì đến tương lai của ngành chăn nuôi heo nước ta. Bởi ai cũng biết, muốn làm ăn gắn bó lâu dài với nghề chăn nuôi thì phải góp phần tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Chính họ là những nhà đầu tư có đủ điều kiện mở ra thị trường xuất thịt ra nước ngoài nhưng tại sao họ không làm? Câu hỏi này xin được đặt ra cho các vị làm chính sách nông nghiệp có bênh vực quyền lợi cho nông dân của mình trước một thị trường "mở" như hiện nay hay không?
Đồng Nai là địa phương có tỷ trọng chăn nuôi heo khá lớn trong cơ cấu nông nghiệp của tỉnh, mong có những chính sách ưu đãi để kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực thu mua, chế biến thịt xuất khẩu. Bởi, chỉ có những trung tâm kinh doanh thịt thực thụ, là đầu mối phân loại, chọn lọc chất lượng thịt, loại bỏ những sản phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và xây dựng thương hiệu, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong và ngoài nước. Có lẽ đã đến lúc các chủ trại heo phải đoàn kết lại trong một tổ chức ngành nghề nhằm tìm ra con đường sống cho mình trước khi quá muộn. Rất mong các cơ quan quản lý ngành sớm đứng ra chủ trì để thành lập "Hiệp hội những nhà chăn nuôi heo của tỉnh Đồng Nai" nhằm có tiếng nói chung và tìm ra lối thoát cho công việc làm ăn của mình.
Mai Sa