Cách nay vài năm, nhiều hộ nông dân ở xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất chỉ sống bằng nghề trồng lúa. Còn ngày nay, nhiều nơi trong xã đã chuyển mình với những cánh đồng trồng hoa và rau bạt ngàn...
Cách nay vài năm, nhiều hộ nông dân ở xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất chỉ sống bằng nghề trồng lúa. Còn ngày nay, nhiều nơi trong xã đã chuyển mình với những cánh đồng trồng hoa và rau bạt ngàn...
Xã Gia Tân 3 có khoảng 750 hécta đất chuyên trồng cây hàng năm. Trước đây, nông dân chủ yếu chỉ trồng lúa nhưng hiện nay bà con đã chuyển qua canh tác nhiều loại cây trồng khác đạt hiệu quả cao như: bắp, rau các loại, hoa huệ, cây đậu nành... Diện tích trồng lúa của xã hiện chỉ còn trên 100 hécta. Anh Phạm Ngọc Hóa ngụ tại ấp Tân Liên kể: "Nhà tôi có 2 sào ruộng trước đây trồng lúa năm nào được mùa chỉ lãi 5 triệu đồng. Nhưng 2 năm nay tôi chuyển qua trồng rau, mỗi sào rau một năm, tôi lãi khoảng 12 triệu đồng. Từ ngày chuyển qua trồng rau gia đình tôi đã có của ăn của để, không còn cảnh khó khăn phải chạy ăn khi giáp hạt nữa". Câu chuyện đổi đời của gia đình anh Hóa cũng là quá trình vươn lên làm giàu chung của nhiều hộ nông dân xã Gia Tân 3. Theo một số hộ nông dân trong xã, thì lúc đầu khi nghe chính quyền xã, huyện vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều người vẫn còn rất phân vân. Mỗi hộ có chăng chỉ dám chuyển đổi từ nửa sào hoặc một sào thử xem hiệu quả có thực sự cao hơn trồng lúa hay không? Sau lần làm thí điểm, thấy các cây trồng khác đạt hiệu quả cao gấp 3-4 lần trồng lúa, bà con mới yên tâm chuyển đổi đồng loạt. Đến vụ hè thu này, cả xã Gia Tân 3 đã có khoảng 150 hécta trồng rau, 13 hécta trồng hoa huệ, 165 hécta bắp và 14 hécta cây thức ăn gia súc và đậu nành.
Chị Phạm Thị Dung, một hộ trồng huệ ở cánh đồng Tân Yên thuộc ấp Tân Yên, cho biết: "Nhà tôi đông con, đất đai lại ít, trước đây chỉ biết trồng lúa nên trong nhà luôn thiếu trước hụt sau. Các con tôi có đứa phải nghỉ học sớm để đi làm thuê phụ giúp cha mẹ mà gia đình vẫn không khá lên được. Hai năm trước, nghe xã vận động chuyển đổi cây trồng, vợ chồng tôi bàn nhau chuyển qua trồng 1 sào huệ. Sau 5 tháng cây huệ bắt đầu cho bông, cứ một tuần tôi được thu hoạch một lần, mỗi tháng lãi khoảng 1,2 triệu đồng. Nhờ vậy, mà đời sống gia đình tôi cũng khá hơn, các con tôi có điều kiện tiếp tục đến trường".
Anh An Viết Hùng, cán bộ nông nghiệp xã cho biết, việc chuyển sang trồng rau, huệ, bắp và một số loại cây khác ngoài ưu điểm đem lại lợi nhuận kinh tế cao, còn tiết kiệm được nguồn nước tưới, cải tạo được đất và ít xảy ra dịch bệnh nên nông dân không còn cảnh phải phập phồng lo lắng về dịch bệnh và thời tiết. Ông Bùi Đình Bưởi, Trưởng phòng kinh tế huyện Thống Nhất cho biết, tuy Gia Tân 3 là xã thực hiện chuyển đổi cây trồng nhanh và hiệu quả, nhưng vẫn còn mang tính chất nhỏ lẻ, quy mô chưa lớn. Tới đây huyện sẽ phối hợp với xã vận động bà con sản xuất theo hướng chuyên canh tập trung để làm ra các sản phẩm có năng suất cao, chất lượng tốt, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Hương Giang