Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai: Phấn đấu nâng độ che phủ rừng lên 30% vào năm 2015

09:05, 11/05/2007

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, khi tỉnh Đồng Nai quyết định đóng cửa rừng và áp dụng các biện pháp để bảo vệ và phát triển rừng một cách nghiêm ngặt, tình trạng phá rừng đã giảm rõ rệt. Trong 194.971 hécta đất lâm nghiệp của tỉnh, hiện có 110.230 hécta rừng tự nhiên (chiếm 18,6%); 80.381 hécta rừng gỗ lá rộng; 22.596 hécta rừng hỗn giao; 6.325 hécta rừng tre, lồ ô và 45.574 hécta rừng trồng. Đến nay, tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn đã đạt 26,4% so với tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh.

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, khi tỉnh Đồng Nai quyết định đóng cửa rừng và áp dụng các biện pháp để bảo vệ và phát triển rừng một cách nghiêm ngặt, tình trạng phá rừng đã giảm rõ rệt. Trong 194.971 hécta đất lâm nghiệp của tỉnh, hiện có 110.230 hécta rừng tự nhiên (chiếm 18,6%); 80.381 hécta rừng gỗ lá rộng; 22.596 hécta rừng hỗn giao; 6.325 hécta rừng tre, lồ ô và 45.574 hécta rừng trồng. Đến nay, tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn đã đạt 26,4% so với tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh.

 

* Rừng đặc dụng: Điểm đến lý tưởng!

 

Theo Phân viện quy hoạch rừng phía Nam, ở  Đồng Nai hiện có 3 loại rừng chiếm tỷ lệ khá cao, bao gồm: rừng đặc dụng (48%), rừng phòng hộ (27,7%) và rừng sản xuất (24,3%). Đối với rừng đặc dụng thì rừng Nam Cát Tiên (Vườn quốc gia Cát Tiên-VQG) và Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu (BTDTVC) là những khu rừng được quy hoạch cho mục đích bảo tồn thiên nhiên. Đây là những địa điểm khá hấp dẫn trong việc nghiên cứu khoa học, bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái; đồng thời phát triển du lịch, văn hóa.

Với diện tích rộng khoảng 80.000 hécta, VQG Cát Tiên là một trong những khu rừng đạt các tiêu chí quốc tế về bảo tồn hệ sinh thái đặc trưng cho vùng Đông Nam bộ; bảo tồn tính đa dạng về loài và nguồn gen động, thực vật, đặc biệt là các loài có nguy cơ tuyệt chủng cao như: tê giác, voi, bò ban ten, ngan cánh trắng, công, trĩ, cá sấu, cẩm lai, gõ đỏ, căm xe, giáng hương... Nơi đây hiện vẫn còn nhiều cánh rừng nhiệt đới đất thấp lớn nhất ở miền Nam. Ở những vùng đất ngập nước hoặc rừng ngập nước là nơi sinh sống của loài ngan cánh trắng và nhiều loài động vật khác đang thu hút sự chú ý của các nhà khoa học. Trong đó, đáng kể nhất là các loài: tê giác Java, cá sấu xiêm, voi, các loài chim trĩ quý hiếm, vô số loài chim nước, các loài vượn, voọc, bò rừng cùng những loài đặc hữu khác đang ở trong "ngôi nhà" chung VQG Cát Tiên - một địa điểm có  những đặc thù độc đáo, hấp dẫn và  giá trị nhất tại Việt Nam.

Còn Khu BTDTVC rộng 61.684 hecta, trong đó có 47.361 hecta rừng tự nhiên, 4.085 hecta rừng trồng là một khu vực được UBND tỉnh thành lập cuối năm 2003 (tên gọi ban đầu là Khu dự trữ thiên nhiên Vĩnh Cửu). Đây là nơi tập trung phần lớn rừng tự nhiên của tỉnh, giáp VQG Cát Tiên. Đặc trưng nổi bật ở đây là hệ sinh thái rừng cây họ dầu trên vùng địa hình đồi, bán bình nguyên, cùng với sự cư trú của nhiều loài động vật rừng. Bên cạnh giá trị về đa dạng sinh học, Khu BTDTVC còn có chức năng quan trọng là phòng hộ trực tiếp cho hồ Trị An, góp phần tái tạo sự cân bằng sinh thái cho vùng tam giác trọng điểm phía Nam (Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu). Và là nơi bảo tồn di tích lịch sử về di tích Chiến khu Đ nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ mai sau; phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục về rừng, bảo vệ môi trường và phát triển du lịch sinh thái.

 

* Quy hoạch rừng phòng hộ, môi trường bền vững!

 

Tháng 9-2006, theo phê duyệt, sắp xếp lại các lâm trường quốc doanh của Thủ tướng  Chính phủ, các lâm trường ở  Đồng Nai được chuyển thành Ban quản lý rừng phòng hộ (RPH). Như vậy, RPH ở Đồng Nai gồm có: RPH Vĩnh An (6.552 hécta); RPH 600 (4.361 hécta); RPH Tân Phú (13.524 hécta); RPH Xuân Lộc (9.917 hécta); RPH Long Thành (8.611 hécta) và Trung tâm lâm nghiệp Biên Hòa (193 hécta). Việc xây dựng và phát triển rừng phòng hộ tập trung ở thượng nguồn sông Đồng Nai là nhằm mục đích đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng hợp lý ở những nơi có độ dốc lớn, lưu vực của hồ Trị An và các hồ thủy lợi, sông suối trên địa bàn tỉnh, để duy trì nguồn nước, hạn chế xói mòn đất và điều hòa khí hậu. Ngoài ra, việc quy hoạch rừng phòng hộ môi trường ở các khu đô thị, khu công nghiệp cũng nhằm hạn chế ô nhiễm không khí, tạo nơi vui chơi, giải trí cho người dân và đảm bảo đáp ứng không gian cảnh quan, môi trường trên địa bàn. Riêng RPH Vĩnh An có nhiệm vụ phòng hộ đầu nguồn trực tiếp cho hồ Trị An, điều tiết nước, ngăn chặn xói mòn đất; khoanh nuôi tái sinh, bảo vệ rừng và làm giàu rừng tự nhiên nghèo kiệt; tạo hành lang qua lại cho động vật rừng giữa VQG Cát Tiên và Khu BTDTVC.

Bên cạnh RPH, rừng sản xuất ở Đồng Nai cũng được quy hoạch chi tiết với những nhiệm vụ chủ yếu: bảo vệ rừng tự nhiên và rừng trồng, phòng hộ đầu nguồn sông Đồng Nai, tạo việc làm, góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào và cán bộ CNV; trồng rừng cung cấp nguyên liệu phục vụ chế biến giấy, phòng hộ đầu nguồn Trị An, ổn định việc làm, đời sống cho CBCNV và lao động nghề rừng.

Như vậy, mục tiêu của Tỉnh ủy và UBND tỉnh đề ra trong việc phát triển rừng để phòng hộ môi trường và đạt độ che phủ 30% vào năm 2015 là có cơ sở. Song, để thực hiện thật tốt nhiệm vụ này, yêu cầu đầu tiên là phải giải quyết việc làm, ổn định đời sống của những hộ gia đình sinh sống trong rừng hoặc vùng đệm, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Thực tế trong những năm qua, tỉnh Đồng Nai đã tiến hành nhiều biện pháp để ổn định dân cư và ngăn chặn có hiệu quả nạn phá rừng nhưng vẫn còn một số bộ phận dân cư thiếu chỗ ở và đất sản xuất nên thỉnh thoảng vẫn còn lén lút tác động đến rừng. Cho nên,  nếu những hộ dân sinh sống gần rừng được tạo điều kiện phát triển kinh tế; được giao khoán rừng trồng và đất lâm nghiệp thì khả năng dẫn đến phá rừng và đất lâm nghiệp chắc chắn sẽ ít xảy ra. Khi đề cập đến chiến lược phát triển rừng ở Đồng Nai trong những năm sắp tới, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ao Văn Thinh khẳng định, bằng mọi cách phải bảo vệ và phát triển rừng; trong đó có việc ổn định, nâng cao đời sống nhân dân và phát triển du lịch sinh thái để phát huy giá trị văn hóa, kinh tế của các khu rừng trên địa bàn. Đáp ứng được độ che phủ rừng, không chỉ là nhu cầu của Đồng Nai mà còn cho cả cùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cùng với nhận định này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hứa Đức Nhị trong lần về kiểm tra rừng ở Đồng Nai mới đây cũng cho rằng, Đồng Nai là một trong số ít tỉnh làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Tạ Nguyên

 

Tin xem nhiều