Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi khoa học và công nghê về đến nông thôn

10:04, 25/04/2007

Đồng Nai là tỉnh được Bộ Khoa học và công nghệ đánh giá là có nhiều sáng tạo trong việc thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Chỉ tính trong giai đoạn 2001-2006, Đồng Nai đã triển khai hơn 30 đề tài, dự án cấp tỉnh thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đem lại nhiều kết quả thiết thực cho sản xuất và nâng cao đời sống nông dân.

Đồng Nai là tỉnh được Bộ Khoa học và công nghệ đánh giá là có nhiều sáng tạo trong việc thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Chỉ tính trong giai đoạn 2001-2006, Đồng Nai đã triển khai hơn 30 đề tài, dự án cấp tỉnh thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đem lại nhiều kết quả thiết thực cho sản xuất và nâng cao đời sống nông dân.

 

* Khoa học - công nghệ phục vụ sản xuất

 

Có thể nói rằng đến nay, Đồng Nai đạt được 90% diện tích lúa và 60% diện tích bắp được trồng bằng giống mới, khoảng 80% khâu làm đất được cơ giới hóa là một sự đầu tư đáng kể về khoa học, công nghệ phục vụ nông nghiệp và nông thôn. Nhiều loại cây trồng khác cũng được đầu tư kinh phí để nghiên cứu ứng dụng giống mới đem lại năng suất cao. Điển hình như đề tài "Xây dựng mô hình trồng mì cao sản" ở các xã An Viễn và xã Đồi 61 (huyện Trảng Bom)  đã giúp cho nông dân chuyển đổi sử dụng toàn bộ giống mì mới KM98-1, KM98-5, KM94 cho năng suất rất cao, có thể thu hoạch rải vụ trong điều kiện canh tác hoàn toàn phụ thuộc vào nước trời. Nhờ bộ giống mì mới mà rất nhiều nông dân ở 2 xã nghèo khó này đã vươn lên cuộc sống khấm khá. Hay như đề tài về tuyển chọn giống bưởi Tân Triều có chất lượng cao, đã phục tráng được 3 giống bưởi đặc sản và tổ chức nhân 6.000 cây giống sạch bệnh chuyển giao cho các nhà vườn ở Tân Triều (Vĩnh Cửu). Không chỉ dừng lại ở đó, với sự giúp đỡ của Sở KH-CN, vào tháng 11-2006, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho Hội Làm vườn huyện Vĩnh Cửu (đơn vị đại diện cho tập thể gồm 554 hộ trồng bưởi của 5 xã trong huyện) và hoàn chỉnh website cho bưởi Tân Triều để cung cấp thông tin về khoa học - kỹ thuật cho nông dân và quảng bá thương hiệu ra ngoài tỉnh. Hiện tại, các sở, ngành của tỉnh đang tiếp tục phối hợp triển khai quy hoạch phát triển vùng bưởi đặc sản Tân Triều lên 1.000 hécta vào năm 2010. Hay như mô hình trồng rau an toàn của HTX sản xuất và dịch vụ rau an toàn Trảng Dài (TP. Biên Hòa) mới đây cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm rau sạch. Nhờ chất lượng rau ngon và an toàn nên HTX được siêu thị Cooop Mart đặt mua khoảng 45 tấn/tháng (chủ yếu là rau ăn lá) với giá cao hơn bên ngoài khoảng 500 đồng/kg.

Không chỉ có sự đầu tư của Nhà nước, nhiều doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn Đồng Nai cũng đã dành kinh phí cho nghiên cứu phát triển công nghệ sinh học và chuyển giao cho nông dân. Như công ty Donafoods với giống điều cao sản, Tổng công ty công nghiệp thực phẩm với giống thuốc lá sợi vàng, Công ty cổ phần mía đường La Ngà với công nghệ sản xuất giống nấm và nấm thương phẩm bằng nguyên liệu bã mía tận dụng... Riêng Công ty phát triển công nghệ sinh học (thuộc Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam, có trụ sở chính đặt tại TX. Long Khánh) đã đầu tư và chuyển giao giống mới sầu riêng, chôm chôm, xoài, bòn bon cho nông dân ở các tỉnh: Đồng Nai, Lâm Đồng, Đắc Lắc và Đắc Nông trồng gần 6.000 hécta với tổng vốn lên tới gần 34 tỷ đồng, trong đó Đồng Nai có gần 1.100 hộ trồng 1.186 hécta. Nhiều giống cây ăn trái của công ty cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa như trái sầu riêng Dona, cây giống và trái chôm chôm Dona, cây giống bòn bon Dona, cây giống xoài ăn xanh Dona. Nhiều loại cây trồng mang thương hiệu Dona đã được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn công nhận chính thức là giống tiến bộ kỹ thuật cần được khuyến khích đầu tư phát triển.

 

* Trạm vệ tinh mặt đất và internet về vùng sâu, vùng xa

 

Ở Đồng Nai còn xây dựng được mô hình cung cấp công nghệ thông tin khoa học - công nghệ về các vùng sâu, vùng xa đem lại nhiều lợi ích cho người dân. Đến nay, toàn tỉnh đã có 12 điểm thông tin khoa học - công nghệ tại 12 xã và người dân địa phương có thể truy nhập vào thư viện điện tử và website thông tin của xã mình. Ông Trần Trung Nguyên, Chủ tịch UBND xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom) cho biết: Từ năm 2003 cho đến nay, người dân Sông Trầu không chỉ biết vào internet để khai thác các thông tin khoa học - kỹ thuật phục vụ cho sản xuất nông nghiệp mà còn chào bán sản phẩm nấm mèo qua mạng! Hay như ở xã miền núi Nam Cát Tiên (huyện Tân Phú) đã được trang bị trạm vệ tinh mặt đất (VSAT) có thể thông tin 2 chiều qua vệ tinh. Nhờ thiết bị này, người dân có thể truy cập internet và hầu hết các đơn vị ở xã đều đang khai thác, sử dụng. Theo ông Phan Sĩ Anh, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, ở Nam Cát Tiên đang hình thành thư viện điện tử xã, đó là một điều hết sức mới lạ khi cách đây 2 năm địa phương này còn là xã đặc biệt khó khăn. Nhờ vậy, người dân đã có nhiều thay đổi đáng kể, trong đó có việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng với giống mới, hiệu quả cao.

Đồng Nai có nhiều nổi bật trong việc đưa khoa học và công nghệ về đến nông thôn để phục vụ sản xuất và nâng cao dân trí cho người dân. Chính vì vậy, Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Quốc Thắng đã đánh giá cao việc ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh đã có tác động đến việc phát triển nông nghiệp, nông thôn trong những năm qua. Ông Thắng nói: "Đồng Nai đã chọn ngành công nghệ mũi nhọn mang tính đột phát là lĩnh vực công nghệ thông tin làm bước đi và phát triển có tính đặc trưng riêng của mình".

Kim Loan

Tin xem nhiều