Báo Đồng Nai điện tử
En

Lúa An Phước được mùa - được giá

11:03, 13/03/2007

Là một xã nằm ven sông Đồng Nai thường xuyên bị ngập úng, hàng năm người sân An Phước (huyện Long Thành) chỉ trồng được một loại cây duy nhất là lúa. Chính vì vậy, việc xã thành lập câu lạc bộ (CLB) IPM và CLB Khuyến nông cây lúa, cũng là nhằm giúp bà con nông dân có điều kiện tiếp thu và ứng dụng kỹ thuật và sản xuất đạt hiệu quả.

 

Anh Ngọc bên ruộng lúa đang thu hoạch của mình.

 Là một xã nằm ven sông Đồng Nai thường xuyên bị ngập úng, hàng năm người sân An Phước (huyện Long Thành) chỉ trồng được một loại cây duy nhất là lúa. Chính vì vậy, việc xã  thành lập câu lạc bộ (CLB) IPM và CLB Khuyến nông cây lúa, cũng là nhằm giúp bà con nông dân có điều kiện tiếp thu và ứng dụng kỹ thuật và sản xuất đạt hiệu quả. Diện tích sản xuất lúa hàng năm của An Phước đạt khoảng 550 hecta với 2 vụ lúa trong năm là đông xuân và hè thu. Xác định đông  xuân 2006-2007 là vụ lúa quan trọng, nên ngay từ đầu vụ, Trạm Khuyến nông Long Thành đã tăng cường tập huấn kỹ thuật cho bà con theo mô hình 3 giảm 3 tăng, khuyến cáo  bà con  sử dụng giống kháng rầy là MTL 110. Do đây là vùng đất bị ngập nước và căn cứ vào tình hình thực tế sản xuất tại địa phương, trạm đã mạnh dạn khuyến cáo bà con nông dân thời điểm thích  hợp cho việc gieo sạ lúa là vào khoảng giữa tháng 11 đến đầu tháng 12 dương lịch, nhằm góp phần giúp cho cây lúa An Phước đạt năng suất và chất lượng cao. Anh Nguyễn Văn Ngọc, một hộ nông dân trong xã nói: "Chúng tôi  rất phấn khởi, vì đây là vụ  lúa được mùa, được giá ở An Phước". Anh Ngọc gieo sạ lúa vào ngày 25-11-2006 đến nay đang kỳ thu hoạch. Với giá lúa 2.800đ/kg, năng suất ước đạt khoảng 4,5 tấn/hecta. Sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi hecta lá anh lãi khoảng 8 triệu đồng. Cũng trên cánh đồng này, trước đây trong vụ đông xuân 2005-2006, do gieo sạ muộn bị ảnh hưởng của nước triều ở cuối vụ, sâu bệnh gây hại nhiều nên năng suất chỉ đạt 2 tấn/hecta.

Theo KS. Võ Thị Mai, Trạm khuyến nông Long Thành, để đạt được hiệu quả sản xuất lúa cao hơn trong tình hình hiện nay, bà con nông dân nên theo phương pháp "1 phải - 5 giảm", gồm: phải sử dụng giống lúa xác nhận; giảm giống - phân đạm - thuốc bảo vệ thực vật - giảm nước và giảm  thất thoát sau thu hoạch. Riêng vùng An Phước  do thường xuyên bị ảnh hưởng của thủy triều nên việc kiểm soát được nguồn nước là rất quan trọng. Nó sẽ giúp bà con nông dân tiến hành gieo sạ đồng loạt trên một cánh đồng, hạn chế sâu bệnh, tránh được nước phèn, mặn xâm nhập cánh đồng để đảm bảo được năng suất lúa. Để giảm thất thoát sau thu hoạch, bà con nên chọn thời điểm thu hoạch khi lúa chín đạt tỷ lệ từ 80-90%, vì đây là lúc lúa đạt năng suất cao nhất. Ngoài ra, trong vụ đông  xuân 2006-2007, tại An Phước đã xảy ra hiện tượng lúa "bị lạnh" trong giai đoạn làm đòng, dẫn đến khô lá lúa. Bà con nông dân đã bón bổ sung phân lân và kali kịp thời theo hướng dẫn của Trạm Khuyến nông Long Thành nên vẫn đảm bảo được năng suất.

Đến An Phước thời điểm này, chúng tôi thấy  bên cạnh những đồng lúa đã thu hoạch xong vẫn còn có những đám lúa đang trong giai đoạn làm đòng. Do ảnh hưởng của thủy triều, nhiều hộ gieo sạ muộn hoặc buộc phải gieo sạ lại (vì mất lúa giống). Để đảm bảo năng suất lúa, nhiều hộ đã tiến hành đắp bờ bao điều tiết lượng nước tưới cho đồng lúa của mình. Chị Vân - xã An Phước, huyện Long Thành chỉ có 3 sào đất (3.000m2) trồng lúa nhưng phải đầu tư 2,5 triệu đồng để đắp bờ bao vì vụ đông xuân năm trước bị thất mùa do ảnh hưởng của thủy triều. Việc điều tiết được lượng nước tưới trên cánh đồng của mình đang là mong mỏi của nhiều hộ trồng lúa ở An Phước. Mong rằng địa phương và các ngành chuyên môn nghiên cứu tìm được giải pháp thích hợp để phát triển vùng sản xuất lúa An Phước đạt hiệu quả cao.

 Hải Phong

 

Tin xem nhiều