Huyện Xuân Lộc: Nông Dân trúng mùa bắp, được mùa xoài!

09:03, 30/03/2007

Vụ đông xuân năm nay, bà con nông dân huyện Xuân Lộc rất phấn khởi, vì không những cây bắp lai cho năng suất cao, mà cây xoài cũng đem lại nguồn thu nhập khá ổn định.

Vụ đông xuân năm nay, bà con nông dân huyện Xuân Lộc rất phấn khởi, vì không những cây bắp lai cho năng suất cao, mà cây xoài cũng đem lại nguồn thu nhập khá ổn định.

 

* Vụ bắp đông xuân bội thu

 

Đến các xã vùng chuyên canh cây bắp lai nổi tiếng ở Xuân Lộc như: Lang Minh, Xuân Phú vào mùa thu hoạch, chúng tôi cảm nhận được niềm vui được mùa của nông dân. Một số hộ dân chuyên trồng cây bắp ở Lang Minh cho biết: Vụ đông xuân năm nay nhờ chính quyền địa phương khuyến cáo người dân chuyển toàn bộ diện tích lúa sang trồng bắp để phòng chống dịch bệnh vàng lùn xoắn lá, đồng thời nhờ chủ động được nguồn nước tưới nên năng suất bắp năm nay đạt khá cao. Nhiều hộ đã xử lý đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất đạt từ 10 đến 12 tấn/hecta, có hộ lên đến 13 tấn/hecta. Còn ở xã Xuân Hiệp, theo ông Trần Ngọc Linh, Chủ tịch Hội Nông dân xã thì: "Hiện nay giá bắp dao động từ 3.500 - 3.700 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so với năm ngoái nên người dân trồng bắp có thu nhập từ 15 - 17 triệu đồng/hecta sau khi trừ chi phí đầu tư". Bà Nguyễn Thị Ninh, chuyên viên Phòng Kinh tế huyện cho biết: "Năng suất bắp vụ đông xuân ở Xuân Lộc đạt cao một phần là do nông dân đã áp dụng triệt để khoa học - kỹ thuật  (KHKT) vào sản xuất. Đơn cử ở ấp Bình Xuân, xã Xuân Phú, nông dân canh tác trên 100 hecta nhưng cả 100 hecta này đều cho năng suất đạt cao. Nét mới trong sản xuất cây bắp ở đây là người nông dân đã tổ chức vần đổi công gieo trồng bắp với mật độ từ 85.000 - 90.000 cây/hecta và khống chế cây bắp chỉ cao không quá 2,2m nên cây bắp rất đẹp, cho năng suất đạt tới 11 tấn khô/hecta".

 

* Hiệu quả của mô hình xoài trái vụ

 

Trong khi đó, tại xã Xuân Hưng, nông dân cũng đang phấn khởi nhờ trúng mùa xoài. Anh Phạm Thành Được, ngụ tại ấp 1 là một nông dân chuyên canh cây xoài hàng chục năm nay vui mừng cho biết: "Vụ xoài năm nay nhờ thời tiết thuận lợi nên năng suất đạt khá cao từ 35 - 45 tấn/hecta". Đặc biệt, với vườn xoài của gia đình anh nhờ chăm sóc tốt và áp dụng khoa học kỹ thuật xử lý ra hoa trái vụ nên vườn xoài cho thu hoạch từ tháng 1 cho đến nay.

Đầu ra của cây xoài cũng tương đối thuận lợi. Xoài ở đây chủ yếu được thương buôn đưa ra miền Trung và miền Bắc với giá từ 3.000 - 5.000đ/kg. Theo tính toán của anh Được, thì việc áp dụng khoa học kỹ thuật xử lý xoài trái vụ đã đem lại năng suất cao cộng với giá cả ổn định nên sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư gia đình anh lãi từ 70 - 80 triệu đồng/hecta. Anh tâm sự: "Để vườn xoài đạt năng suất như hôm nay, tôi đã tìm tòi học hỏi kinh nghiệm trên sách báo và qua các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật do Hội Nông dân xã tổ chức". Đặc biệt, qua chuyến đi tham quan và học tập kỹ thuật xử lý ra bông trái vụ trên cây xoài tại huyện Định Quán, anh đã áp dụng vào vườn xoài của mình. Thành công từ việc xử lý xoài trái vụ và kết hợp với mô hình tưới nhỏ giọt, vườn xoài của anh Phạm Thành Được đã trở thành điểm đến tham quan và học tập kinh nghiệm cho nhiều nông dân trồng xoài ở Xuân Lộc và các huyện lân cận. Ông Lê Văn Huỳnh, cán bộ nông nghiệp xã cho biết, hiện nay toàn xã Xuân Hưng có khoảng 478 hecta xoài đang cho thu hoạch, trong đó có 100 hecta được người dân nơi đây áp dụng khoa học kỹ thuật xử lý ra hoa trái vụ đạt năng suất rất cao. Tuy ở xã Xuân Hưng chưa thành lập câu lạc bộ cây xoài nhưng trên thực tế người dân chuyên canh cây xoài nơi đây đã thành lập những trang trại xoài có diện tích từ 5 đến hàng chục hecta và sinh hoạt như một câu lạc bộ. Ông Huỳnh cũng cho biết thêm, ngoài số xoài xử lý trái vụ, diện tích xoài còn lại năm nay trong xã cũng đạt năng suất bình quân từ 15 - 22 tấn/hecta nhưng giá cả không bằng xoài trái vụ.

Với sự thành công từ việc xử lý xoài trái vụ đạt năng suất cao như hiện nay, trong những năm tới Xuân Hưng dự kiến sẽ nhân rộng mô hình này trong toàn xã. Nhờ thu nhập ổn định từ cây xoài người dân ở ấp 1, xã Xuân Hưng đã cùng nhau đóng góp làm con đường từ QL1A vào ấp với kinh phí trên 100 triệu đồng và hiện nay bà con cùng nhau đóng góp để đưa nguồn nước sạch về đến ấp cũng với kinh phí hơn 100 triệu đồng.

 Lê Tùng - Phan Mai

Thu hoạch xoài trái vụ. (Ảnh : T.L)

Tin xem nhiều