Theo dự báo, từ cuối năm 2006 trở đi nước ta sẽ bị ảnh hưởng bởi El-Nino nên nhiều khu vực trên cả nước sẽ bị khô hạn nghiêm trọng, trong đó có Đồng Nai. Hiện tượng này càng cảnh báo nguy cơ cháy rừng sẽ rất dễ xảy ra nếu không đề phòng tốt...
Theo dự báo, từ cuối năm 2006 trở đi nước ta sẽ bị ảnh hưởng bởi El-Nino nên nhiều khu vực trên cả nước sẽ bị khô hạn nghiêm trọng, trong đó có Đồng Nai. Hiện tượng này càng cảnh báo nguy cơ cháy rừng sẽ rất dễ xảy ra nếu không đề phòng tốt...
Theo thống kê của ngành kiểm lâm (KL), tổng số diện tích đất có rừng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện nay là 155.224 hécta. Trong đó có 110.016 hécta rừng tự nhiên; 45.027 hécta rừng trồng; 22.454 hécta đất trống (trảng cỏ dại); 6.602 hécta đất thuộc trạng thái Ia (cỏ lau, sậy); 7.695 hécta đất trạng thái Ib (bụi cây, cây gỗ rải rác); 8.025 hécta đất trạng thái Ic (cây gỗ tái sinh)... Thống kê của ngành cũng cho thấy, các khu rừng dễ dẫn đến cháy lớn khi bị bén lửa, cần được quan tâm kiểm tra thường xuyên là các trảng cỏ trong rừng và rừng hỗn giao gỗ, lồ ô; rừng tre, nứa, lồ ô. Cả hai loại rừng này chiếm gần 40% diện tích rừng trên toàn tỉnh. Ngoài ra còn có khoảng 11.132 hécta rừng trồng chủ yếu là cây keo ở huyện Xuân Lộc; 2.350 hécta rừng ở huyện Long Thành và các cánh rừng thuộc các huyện Vĩnh Cửu, Tân Phú... là những địa bàn rất dễ xảy ra cháy.
Chi cục phó Chi cục KL Đồng Nai Lê Việt Dũng cho biết, trong bối cảnh thời tiết khác thường nêu trên, ngay sau khi mùa mưa chấm dứt, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành liên quan, trong đó có lực lượng kiểm lâm phải thực hiện ngay các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trong mùa khô. Đầu tháng 12-2006, Chi cục KL cũng đã có công văn gửi các Hạt KL yêu cầu tăng cường ngay công tác PCCCR, trong đó có đề nghị các huyện, thị xã Long Khánh và TP. Biên Hòa củng cố và kiện toàn Ban chỉ huy (BCH) PCCCR trên địa bàn; đồng thời xây dựng kế hoạch, quy chế hoạt động của BCH, cùng phương án trực tác chiến chữa cháy rừng. Bên cạnh đó, Cục KL đề nghị các Hạt KL phải có trách nhiệm đôn đốc chủ rừng thực hiện ngay các biện pháp PCCCR. Trước mắt, tiến hành thi công đường băng cản lửa; xây dựng các tổ, đội quần chúng tham gia PCCCR tại các xã có rừng và giáp rừng, cũng như ký cam kết với các hộ dân sinh sống ven rừng chấp hành nghiêm các quy định về phòng cháy chữa cháy, về những quy ước bảo vệ rừng trong cộng đồng dân cư; tăng cường công tác tuyên truyền, tuần tra kiểm soát và chỉ đạo nhân viên bám sát địa bàn ở những khu vực xung yếu. Bắt đầu từ tháng 2 trở đi, các hạt KL thực hiện tốt công tác dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng để thông tin kịp thời cho các địa phương và đơn vị chủ rừng...
Được biết đến nay, tất cả đơn vị chủ rừng và địa phương đều đã chuẩn bị các bước công tác về PCCCR theo quy định. Nhiều khu rừng đã được tiến hành phát quang, làm đường băng cản lửa; trang bị các dụng cụ, phương tiện chữa cháy, điểm trữ nước trong rừng... Đặc biệt, theo đề xuất của Chi cục Kiểm lâm, UBND tỉnh đang xem xét để ra quyết định thành lập BCH "các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và PCCCR" do lãnh đạo UBND tỉnh làm trưởng ban, giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn làm Phó ban trực; Phó giám đốc Sở Công an làm Phó ban và lãnh đạo các Sở, ban, ngành có liên quan trong tỉnh. Ông Dũng cho biết, nếu như BCH "các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và PCCCR" được thành lập thì vấn đề chỉ đạo, quyết định, triển khai các nội dung hoạt động liên quan đến rừng trong năm 2007 sẽ sâu sát hơn. Hơn nữa, tất cả các Hạt KL năm nay đều đã được trang bị máy định vị, nên có khả năng sẽ phát hiện, xác định ra địa điểm cháy với thời gian rất sớm. Tuy nhiên, cũng theo ông Dũng, việc cảnh giác và "phòng cháy" thật tốt mới hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất. Trong đó, cần kiểm soát được mọi hoạt động của những người dân có liên quan đến rừng. Bởi thực tế, nguyên nhân dẫn đến cháy rừng cơ bản là do con người tác động đến, chẳng hạn như hút thuốc lá hoặc nấu nướng trong rừng, vô tình để tàn lửa phát tán. Chính vì vậy, việc giáo dục để thay đổi hành vi, cũng như nhận thức của người dân sống gần rừng là biện pháp hạn chế tối đa cháy. Kinh nghiệm PCCCR nhiều năm qua ở Đồng Nai cho thấy, nếu huy động được sức dân tham gia tích cực các hoạt động bảo vệ, phát hiện và đối phó với "giặc lửa" thì nhiệm vụ chữa cháy rừng mới phát huy tác dụng... Ông Dũng cũng cho biết thêm là muốn tổ chức chữa cháy rừng không bị cập rập hoặc bị động, nhất thiết phải tổ chức diễn tập PCCCR. Mọi năm, một số huyện trong tỉnh vẫn tiến hành diễn tập khi tự đặt ra các tình huống, cùng các phương án tác chiến để xử lý chữa cháy. Trong phạm vi hẹp, thì khả năng phối hợp tác chiến có thể nhịp nhàng, nhưng nếu gặp tình huống nguy cấp trên diện rộng mà không có sự thống nhất phương án chống cháy thì sẽ dễ dẫn đến chỗ mạnh ai nấy làm. Do đó, nếu được diễn tập PCCCR ở phạm vi cấp tỉnh thì sẽ rút ra những bài học cần thiết để ứng phó hữu hiệu.
Đỗ Duy