Báo Đồng Nai điện tử
En

Hệ thống thủy lợi đập Đồng Hiệp đảm bảo cung cấp đủ nước tưới cho cánh đồng lúa Cao Cang trong mùa nắng!

09:12, 11/12/2006

So với mọi năm, mùa mưa năm 2006 chấm dứt sớm gần một tháng. Theo những thông tin dự báo về thời tiết thì khả năng xảy ra nắng hạn kéo dài là điều khó tránh khỏi. Chính vì vậy, bên cạnh việc chuẩn bị tốt các phương tiện, điều kiện trữ nước sinh hoạt, thì hệ thống thủy lợi có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp nguồn nước sản xuất...

Màu xanh của lúa trên cánh đồng Phú Hòa nay đã xa ngút tầm mắt.

So với mọi năm, mùa mưa năm 2006 chấm dứt sớm gần một tháng. Theo những thông tin dự báo về thời tiết thì khả năng xảy ra nắng hạn kéo dài là điều khó tránh khỏi. Chính vì vậy, bên cạnh việc chuẩn bị tốt các phương tiện, điều kiện trữ nước sinh hoạt, thì hệ thống thủy lợi có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp nguồn nước sản xuất...

 

Chúng tôi trở lại cánh đồng lúa Cao Cang vào một buổi trưa đầu tháng 12. Trời nắng gắt nhưng nông dân vẫn cặm cụi, miệt mài trên đồng ruộng. Thời điểm này, một số huyện trong tỉnh như: Xuân Lộc, Cẩm Mỹ và Tân Phú đang rất lo về nguồn nước sản xuất trong những tháng tới. Bên cạnh đó, tình trạng rầy nâu, bệnh vàng lùn xoắn lá trên lúa đã khiến nhiều nơi phải khốn đốn vì lo chống dịch bệnh. Thế nhưng ở cánh đồng Cao Cang, với một bên là xã Phú Điền (huyện Tân Phú) và một bên là xã Phú Hòa (huyện Định Quán), màu xanh của lúa trải dài xa ngút tầm mắt. Hôm chúng tôi có mặt tại khu vực này, một chiếc xe xúc hối hả móc nốt những đoạn kênh thủy lợi cuối cùng thuộc phần đất xã Phú Hòa để hoàn thành việc tu sửa, nâng cấp 6,5 km kênh mương thủy lợi trong vùng. Nhiều nông dân ở Phú Hòa đang làm việc trên đồng ruộng của mình khẳng định, mọi năm vào mùa khô, nước thủy lợi chỉ cung cấp cho cánh đồng thuộc xã Phú Điền là chính, còn xã Phú Hòa chỉ "ăn theo" được vài chục hecta. Cho nên, số diện tích đất sản xuất thuộc Phú Hòa mà ở xa kênh thủy lợi thì phải chịu cảnh "phơi khô" do nước không dẫn đến được. Song năm nay, nguồn nước từ đập Đồng Hiệp về có dồi dào hơn nên nông dân Phú Hòa đã an tâm, tập trung đầu tư sản xuất vụ đông - xuân ngay sau khi dứt mưa. Hiện nay, để dẫn nước từ kênh cấp I (ranh giới giữa 2 xã Phú Điền và Phú Hòa) vào những diện tích bên trong, người nông dân ở xã Phú Hòa chỉ phải bơm chuyền một lần duy nhất. Nhiều người khẳng định, nếu mở thêm 3 kênh xương cá (rộng 2 mét) từ kênh cấp 1 dẫn nước vào các ruộng xa (khoảng hơn 1km), chắc chắn số diện tích sản xuất lúa ở Phú Hòa sẽ không bị bỏ hoang trong mùa khô như lâu nay.

Dẫn chúng tôi lội bộ suốt chiều dài các kênh thủy lợi, Trưởng trạm thủy lợi (TTL) Tân Phú - Định Quán Nguyễn Văn Quy cho biết, năm nay do lũ lụt kéo dài từ giữa tháng 8 đến cuối tháng 10 nên tình hình sản xuất ở hai huyện: Tân Phú, Định Quán đã có nhiều thay đổi. Ngay sau khi nước lũ rút, nhiều diện tích trên địa bàn hai xã: Phú Điền, Phú Hòa đã được nông dân xuống giống vụ đông - xuân. Thế nhưng, do mùa mưa năm nay chấm dứt sớm nên một số ít cánh đồng bị khô hạn. Trước nguy cơ lúa cháy vì thiếu nước, Công ty khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai đã tập trung tu bổ, sửa  chữa các công trình đê điều bị hư hại do lũ; đồng thời tiến hành nạo vét các công trình thủy lợi. Đáng chú ý là toàn bộ kênh N3 từ đập Đồng Hiệp đến kênh cấp I đã được nạo vét và nâng cao thêm từ 40 đến 50cm. Ngoài ra, các đoạn kênh cấp II cũng được khai thông, mở rộng. Từ khi điều chỉnh, sửa chữa các tuyến kênh thủy lợi phục vụ cánh đồng Cao Cang, thì tất cả ruộng đồng ở Phú Điền và hơn một nửa diện tích thuộc Phú Hòa nước đã tự chảy đến. Đề cập đến giai đoạn nắng gắt, thậm chí khô hạn trong thời gian tới, ông Quy thẳng thắn nói: "Tôi dám đảm bảo hệ thống thủy lợi hiện nay đã có thể đáp ứng, phục vụ tốt đối với cách đồng lúa Cao Cang. Tuy nhiên, để cho hoàn thiện thêm, thì nhất thiết phải mở các kênh xương cá mới đưa nước đến được những thửa ruộng xa của xã Phú Hòa. Trong những tháng tới, khả năng nắng hạn rất gay gắt - đây là điều được cảnh báo trên các phương tiện thông tin - song theo tôi, nông dân đã có thể an tâm và vững tin đối với nguồn nước canh tác, kể cả vào thời kỳ cao điểm của nắng hạn. Bởi, ngành thủy lợi cũng đã tiên liệu về những tình huống xấu nếu có xảy ra, nên đã đề ra những biện pháp tháo gỡ để đưa được nước từ đập Đồng Hiệp về đến ruộng của người dân...".

Nói về vụ đông - xuân 2006, Phó chủ tịch UBND xã Phú Điền Ngô Thị Huệ hồ hởi cho rằng, hệ thống thủy lợi hiện đã phục vụ tốt nhu cầu canh tác của người dân đối với cánh đồng Cao Cang. Tính ra, toàn bộ 1.132 hecta lúa đông - xuân của Phú Điền đã được phủ xanh. Trong đó có 950 hecta thuộc vùng tưới của hệ thống thủy lợi từ đập Đồng Hiệp. Với nguồn nước dồi dào như hiện nay thì khả năng đạt trên 5 tấn/hecta là điều chắc chắn. Riêng Phó chủ tịch UBND xã Phú Hòa Nguyễn Thị Liên xác nhận, tính đến thời điểm này, trong tổng diện tích của cánh đồng Cao Cang thuộc các ấp: 1, 2, 3 của Phú Hòa đã có khoảng gần 80 hecta lúa đang dẻ nhánh. Số diện tích này tăng hơn 2 lần so với vụ đông - xuân năm trước. Điều này cho thấy hệ thống thủy lợi ở đây đã được khắc phục, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nông dân canh tác. Cũng theo bà Liên, việc mở thêm 3 kênh xương cá dẫn nước vào những đồng ruộng ở xa kênh thủy lợi chính là điều cần thiết, nhưng muốn thực hiện thì phải được sự đồng ý của UBND huyện. Vì, muốn cắt ruộng của dân thì phải tiến hành bồi thường, giải tỏa...

Trao đổi với chúng tôi về hệ thống thủy lợi phục vụ cánh đồng Cao Cang vừa được tu sửa, Giám đốc Công ty khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai Nguyễn Văn Hòa không giấu vẻ phấn khích. Ông bảo, chỉ với phí tổn vài chục triệu đồng, hệ thống thủy lợi từ đập Đồng Hiệp đã nâng cao trình nước tự chảy vào đồng ruộng Cao Cang lên thêm 20cm. Điều này chứng minh rằng, không cần thiết phải bỏ hàng chục tỷ đồng để xây dựng trạm bơm điện Cao Cang.

 Tạ Nguyên

 

Tin xem nhiều