Gần một thập niên qua người trồng cà phê ở Việt Nam nói chung và huyện Xuân Lộc nói riêng điêu đứng với cây cà phê vì giá cả bấp bênh không ổn định. Thế nhưng năm nay giá cà phê tăng vọt và được xem là năm cà phê có giá cao nhất trong vòng tám năm qua. Tuy nhiên, nhiều nhà vườn ở Xuân Lộc - Long Khánh đang tiếc hùi hụi, bởi giá cà phê lên nhưng nhiều diện tích cây cà phê thời gian qua đã bị chặt bỏ do nông dân không còn đủ kiên nhẫn và sức đầu tư để duy trì vườn cà phê của mình.
Gần một thập niên qua người trồng cà phê ở Việt
* Cà phê hồi sinh, kẻ mừng người không vui
Với giá cả cà phê đang ở mức khá cao như hiện nay, ông Phan Chí Thanh ở khu 5, ấp Bình Hòa, xã Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc) là một trong số ít nông dân tỏ ra hết sức mừng vui. Ông cho biết, gia đình ông trồng được 2,5 hécta cà phê và đã điêu đứng gần chục năm qua, khi giá cả xuống thấp kỷ lục (chỉ từ 4.000 - 5.000đ/kg). Nhiều gia đình xung quanh không theo nổi đành chặt bỏ cà phê chuyển qua trồng cây khác, nhưng riêng ông vẫn cầm cự, nuôi dưỡng vườn cây. Và, với giá cà phê tăng cao trên 20 ngàn đồng một kg như hiện nay, vụ này ông hy vọng sẽ thu hoạch khoảng 6 tấn, coi như đủ bù lại thua lỗ những năm qua. Ông hồ hởi cho biết: "Khu vực này người dân không theo nổi cây cà phê nên chặt bỏ gần hết rồi. Riêng tôi, nhờ vẫn đầu tư chăm sóc nên hôm nay thấy vui lắm". Ông Thanh còn cho biết thêm, nếu giá cà phê ổn định như hiện nay, chúng tôi trồng cà phê sẽ lãi 50% sau khi trừ chi phí đầu tư.
Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn có đủ ý chí kiên trì, vốn liếng để cầm cự, theo đuổi cây cà phê như ông Thanh. Cũng ở ấp Hòa Bình này, nhiều gia đình như ông Trần Quế đã tiếc hùi hụi vì đã chặt bỏ diện tích cà phê để chuyển sang trồng cây nhãn và một số cây khác. Ông cho biết: "Tôi rất mê cây cà phê, bởi vậy nên dù chặt hết cây trồng này vẫn để lại một cây cận nhà lâu lâu ra xem cho đỡ nhớ". Và, khi được hỏi sắp tới ông có dự định trồng loại cây này không, thì ông trả lời ngay "Tôi rất muốn đầu tư trồng lại, nhưng tôi sợ cà phê tới ngày thu hoạch mà giá xuống nữa thì lúc đó không biết sẽ ra sao".
* Nên hay không trồng lại cà phê?
Theo ước tính, hiện nay toàn huyện Xuân Lộc có khoảng 1224 hécta cây cà phê đang cho thu hoạch với sản lượng ước khoảng 1.876 tấn. Nhiều chủ vườn ở huyện Xuân Lộc cho biết, đầu tư cho loại cây này rất tốn kém chi phí. Hiện nay giá phân các loại và xăng dầu rất cao, nhưng nếu cà phê có giá đạt từ 20.000 - 25.000đ/kg, thì vườn có năng suất khoảng 3 tấn/ hécta, nông dân vẫn lãi từ 35 - 40 triệu đồng/ hécta. Nhà vườn thu nhập ổn định sẽ có điều kiện tiếp tục đầu tư để phục hồi kinh tế vườn sau nhiều năm bị thua lỗ. Ông Nguyễn Văn Đến, Chủ tịch Hội nông dân xã Bảo Hòa cho biết: cà phê được giá nên nhiều nhà vườn ở huyện Xuân Lộc tập trung đầu tư nên chắc chắn sản lượng cà phê trên địa bàn huyện tăng hơn mọi năm. Ông cho biết thêm, khi cà phê lên giá, toàn xã đã có hơn 1.000 hécta thế nhưng hiện nay người dân đã chặt bỏ chỉ còn trên dưới 100 hécta. Ông tâm sự: "Khó khăn lớn nhất của địa phương là có nên khuyến khích cho nông dân trồng lại cà phê hay không, vì khu vực này đất rất phù hợp cho cây phát triển và nguồn thu nhập từ cây trồng này là khá cao. Nhưng nếu đầu tư, ít nhất phải 3 năm sau cà phê mới cho thu hoạch, khi đó giá cả có còn giữ như hiện nay hay lại tiếp tục bấp bênh như những năm qua?".
Hoàn toàn có thể hiểu được tâm trạng này của người nông dân, bởi sự thoái trào của cây cà phê trong gần một thập niên qua đã để lại những hậu quả hết sức nặng nề. "Cà phê đang hồi sinh" nhưng sự hồi sinh này kéo dài bao lâu, có bền vững hay không? Không ai trả lời được câu hỏi này cho nông dân. Bà con chỉ hy vọng sau khi gia nhập WTO, thì sản phẩm cà phê mang thương hiệu Việt Nam sẽ có chỗ đứng vững chắc trên thị trường thế giới, để người nông dân vững tin đầu tư cho loại cây trồng này.
Phạm Mai - Lê Tùng (Đài TT Xuân Lộc)