Báo Đồng Nai điện tử
En

Cúm gia cầm nguy cơ bùng phát trong mùa đông

09:12, 12/12/2006

Cho đến nay đã gần một năm trôi qua, nước ta vẫn không xảy ra dịch cúm gia cầm. Các tổ chức quốc tế như FAO, UNICEF, WHO... đánh giá rất cao về nỗ lực kiểm soát và phòng chống đại dịch cúm gia cầm của Việt Nam. Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà chuyên môn thì nguy cơ tái phát dịch cúm gia cầm sẽ rất cao khi mùa lạnh đến...

Đồng Nai hiện có gần 8 triệu con gia cầm.(Ảnh : P.V)

Cho đến nay đã gần một năm trôi qua, nước ta vẫn không xảy ra dịch cúm gia cầm. Các tổ chức quốc tế như FAO, UNICEF, WHO... đánh  giá  rất cao về nỗ lực kiểm soát và phòng chống đại dịch cúm gia cầm của Việt Nam. Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà chuyên môn thì nguy cơ tái phát dịch cúm gia cầm sẽ rất cao khi mùa lạnh đến...

 

Bác sĩ thú y Văn Đăng Kỳ, Trưởng phòng dịch tễ của Cục Thú y cho biết, vào mùa đông, khí hậu lạnh là thời điểm bệnh cúm gia cầm phát triển rất mạnh. Mặc dù số gia cầm của cả nước đã được tiêm phòng với tỷ lệ khá cao (trên 75%) nhưng số gia cầm còn lại gần 25% chưa được tiêm phòng sẽ không ngoại trừ khả năng bị nhiễm bệnh cúm H5N1 và làm bùng phát dịch bất kể lúc nào. Bên cạnh đó, một điều đáng quan tâm không kém, đó là sự chủ quan của người dân ở nhiều địa phương. Bởi, nhiều người dân chưa hiểu hết tính phức tạp của bệnh cúm H5N1 nên khi thấy một thời gian dài trên gia cầm không xuất hiện bệnh cúm H5N1 tái phát thì coi như là đã xử lý xong. "Chỉ những trang trại nuôi gà có quy mô lớn thì chủ trang trại mới quan tâm kỹ đến việc phòng dịch. Còn nhiều người dân nuôi gia cầm nhỏ lẻ ở phạm vi hộ gia đình, khi được hỏi về việc phòng bệnh cúm gia cầm,  thì mọi người thản nhiên trả lời: có cúm đâu mà lo! Họ coi như chuyện cúm gia cầm đã được xử lý xong lâu rồi!" - ông Kỳ nói.

Ông David Payne, Điều phối viên chương trình hợp tác phòng chống cúm gia cầm cũng thừa nhận: "Ở giữa Hà Nội, khi tôi hỏi một số người về cúm gia cầm, thì mọi người ngạc nhiên nói ở Việt Nam làm gì còn cúm gia cầm nữa!". Rõ ràng tâm lý chủ quan ở cả người dân ở thành thị lẫn nông thôn là rất đáng lo ngại. Sự chủ quan này sẽ trở nên rất nguy hiểm, nhất là đối với những hộ chăn nuôi và người tiêu dùng thích sử dụng gà thả vườn sống. Vì những con gà này nếu không được  tiêm phòng đầy đủ sẽ là nơi truyền bệnh cho họ.

Bác sĩ  y khoa Nguyễn Quang Thuận, Giám đốc Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe thuộc Bộ Y tế cho biết, virus H5N1 trong các đàn gia cầm sẽ đưa đến hai mối đe dọa lớn tới sức khỏe con người: Loại virus này có thể lây trực tiếp từ gia cầm sang người và đã có khá nhiều người chết khi bị nhiễm. Nguy cơ thứ hai rất đáng lo ngại là loại virus H5N1 nếu có đủ điều kiện có thể biến đổi thành một chủng khác có khả năng lây nhiễm cao hơn rất nhiều ở người và dễ truyền từ người này sang người khác. Sự biến đổi này có thể tạo ra một trận đại dịch trên toàn cầu. "Phải khuyến cáo người dân không nuôi gia cầm, thủy cầm chung với gia súc, nhất là với heo, vì virus H5N1 có thể kết hợp với một loại cúm ở gia súc và biến đổi  thành một chủng khác sẽ gây nên đại dịch rất khó kiểm soát" - bác  sĩ Thuận nói. Tết Nguyên đán năm nay được dự báo nếu gia cầm còn được kiểm soát tốt, dịch cúm không bị tái phát, thì lượng gia cầm sống được sử dụng trong dịp này khá lớn, nhất là gà thả vườn và gà màu (gà Tam hoàng). Cũng từ dự báo đó, ngành y tế đã đưa ra những khuyến cáo khá cụ thể cho người dân khi tiếp xúc với gia cầm như: phải mang khẩu trang, găng tay cao su; rửa tay bằng xà bông sau khi tiếp xúc; gia cầm và trứng gia cầm cần phải nấu chín kỹ...

Thời gian gần đây tại nhiều nước ở châu Á như: Indonesia, Campuchia, Hàn Quốc, Trung Quốc... cũng đã xuất hiện cúm gia cầm và nguồn bệnh có thể xâm nhập vào nước ta qua chim di trú và gia cầm nhập lậu. Đó là chưa kể, mầm bệnh vẫn còn tồn tại ngay ở đàn gia cầm trong nước. Vì vậy, hơn bao giờ hết, mọi người cần phải cảnh giác cao và tuân thủ mọi hướng dẫn về phòng dịch cúm gia cầm và có những biện pháp hữu hiệu đối phó nếu dịch tái phát...

Vân Nam

 

Tin xem nhiều