Báo Đồng Nai điện tử
En

Huyện Vĩnh Cửu: Trồng cây gì và nuôi con gì để ổn định và phát triển sản xuất ?

10:11, 11/11/2006

Vĩnh Cửu là một trong những huyện còn nghèo của tỉnh. Do ở vào địa thế đất thổ cư gắn liền với đất nông nghiệp nên diện tích đất sản xuất thường nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, hạ tầng cơ sở để phục vụ sản xuất, đi lại, giao thương còn hạn chế. Chính vì vậy, những năm qua, mặc dù đã được UBND tỉnh đầu tư vào một số lĩnh vực, song sự phát triển sản xuất nông nghiệp ở Vĩnh Cửu nhìn chung vẫn còn chậm, đời sống của một bộ phận người dân vẫn còn nghèo khó.

Trồng rau sạch ở huyện Vĩnh Cửu.

Vĩnh Cửu là một trong những huyện còn nghèo của tỉnh. Do ở vào địa thế đất thổ cư gắn liền với đất nông nghiệp nên diện tích đất sản xuất thường nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, hạ tầng cơ sở để phục vụ sản xuất, đi lại, giao thương còn hạn chế. Chính vì vậy, những năm qua, mặc dù đã được UBND tỉnh đầu tư vào một số lĩnh vực, song sự phát triển sản xuất nông nghiệp ở Vĩnh Cửu nhìn chung vẫn còn chậm, đời sống của một bộ phận người dân vẫn còn nghèo khó.

 

Trong tổng số 109.255 hecta đất tự nhiên thì đất sản xuất nông nghiệp ở huyện Vĩnh Cửu chỉ chiếm gần 20.000 hecta, còn lại là đất lâm nghiệp (74.401 hecta), thổ cư (800 hecta), hồ Trị An (31.503 hecta)... Cho đến nay, huyện vẫn xác định trồng trọt là ngành sản xuất chính trong nông nghiệp với các cây chủ lực như lúa, mì, bắp, cây ăn trái. Những năm qua, mặc dù huyện đã nhận thức được sự cần thiết của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp với điều kiện từng khu vực sản xuất, thổ nhưỡng để từ đó tập trung đầu tư phát triển, song do cách làm thiếu tập trung; quy mô sản xuất thiếu tính ổn định và còn mang tính tự phát hoặc chạy theo phong trào, nên không nằm trong định hướng phát triển chung. Từ đó, năng suất và chất lượng sản phẩm cây trồng trên địa bàn huyện đạt thấp. Thực tế gần đây, qua khảo nghiệm, đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất có khả năng cạnh tranh như đặc sản bưởi, rau sạch, nấm rơm... nhưng lại chậm được nghiên cứu, tổng kết, rút kinh nghiệm để nhân rộng diện tích. Chính vì thế, ở từng tiểu vùng, từng khu vực sản xuất chưa vận động người dân thống nhất các biện pháp chọn giống cây trồng để khai thác đạt lợi nhuận cao. Việc "mạnh ai nấy làm" đã dẫn đến tình trạng sản xuất nông nghiệp ở Vĩnh Cửu theo dạng manh mún, "da beo" trên cùng một cánh đồng hoặc khu vực sản xuất. Đương nhiên, một khi sản xuất thiếu tính đồng bộ thì thu nhập trên diện tích canh tác đạt không cao. Tính giá trị thực thu, bình quân mỗi hecta đất canh tác ở Vĩnh Cửu vào thời điểm năm 2005 chỉ đạt 14,9 triệu đồng. Đây là mức thu nhập khá khiêm tốn so với những địa bàn sản xuất cây trồng tại những địa phương khác.

Đứng trước yêu cầu phải chuyển đổi sản xuất cây trồng theo hướng tập trung có chọn lọc, huyện Vĩnh Cửu xác định từ nay đến năm 2010 sẽ tập trung vào một số lĩnh vực nông nghiệp như: phát triển trồng cây bưởi, cây ăn quả, rau sạch và mở rộng diện tích trồng xen các loại hoa kiểng phục vụ du lịch sinh thái. Trong đó, phong trào trồng rau sạch ở Vĩnh Cửu đã có từ lâu. Nhưng do sản xuất thiếu đầu tư, không tập trung và thiếu đầu ra ổn định nên sản lượng rau sạch thường bấp bênh: những nơi cần thì rau không đến được; những nơi không cần thì lượng rau bị ế ẩm. Sắp tới, huyện dự kiến sẽ phát triển khoảng 500 hecta rau tại các vùng chuyên canh rau ở thị trấn Vĩnh An và xã Vĩnh Tân. Riêng bưởi Tân Triều, một thương hiệu đã có thể cạnh tranh với những đặc sản cùng loại khác, song để có thể phát triển mạnh, huyện sẽ quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ, đồng thời duy trì và nâng cao chất lượng, cũng như nâng diện tích canh tác loại cây đặc sản này lên 1.000 hecta.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, nông dân huyện Vĩnh Cửu nhìn chung vẫn còn thói quen sản xuất manh mún, thiếu đầu tư mang tính đột phá. Chẳng hạn về nuôi cá, diện tích mặt nước trên địa bàn tuy rộng, nhưng do thiếu quy hoạch đồng bộ và thiếu sự tính toán hợp lý nên những năm qua, việc nuôi cá phát triển tràn lan, gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, trên hồ Trị An, nhiều hộ nuôi cá phải phá sản vì bị giải tỏa. Trong khi đó, một số hộ nông dân nhờ biết lợi dụng để khoanh vùng bắt, nuôi cá tự nhiên tại những vùng ruộng ngập nước chỉ làm lúa được 1 vụ đã giúp cho nhiều người có thu nhập thêm vài triệu đồng/vụ cá. Huyện cũng dự kiến sẽ tập trung quy hoạch 992 hecta ruộng ngập nước ở hai xã Vĩnh Tân và Tân An để nuôi cá vào mùa mưa  kết hợp với thả cá nuôi dạng bán công nghiệp trên các eo ngách ven sông để nâng diện tích mặt nước thủy sản lên 1.500 hecta. Ngoài ra, huyện Vĩnh Cửu cũng có kế hoạch phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại và khuyến khích nuôi thâm canh với quy trình an toàn và đảm bảo cho sản phẩm thịt sạch, phấn đấu tăng đàn gia súc lên 1.500 con bò, 15.000 con dê, nâng giá trị chăn nuôi lên 30% vào những năm tới.

Tạ Nguyên

 

 

Tin xem nhiều