Báo Đồng Nai điện tử
En

Chống dịch rầy nâu còn nhiều gian nan

09:11, 29/11/2006

Vụ đông xuân 2006 - 2007 đã bắt đầu. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành cùng các địa phương tăng cường biện pháp chống rầy nâu - tác nhân gây bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá trên lúa. Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cũng đã cho ứng dụng nhiều biện pháp sinh học, hóa học để tiêu diệt rầy nâu, nhưng xem ra vẫn chưa thể vô hiệu hóa được chúng...

Nông dân Xuân Lộc đang thu hoạch lúa vụ mùa.

Vụ đông xuân 2006 - 2007 đã bắt đầu. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành cùng các địa phương tăng cường biện pháp chống rầy nâu - tác nhân gây bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá trên lúa. Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cũng đã cho ứng dụng nhiều biện pháp sinh học, hóa học để tiêu diệt rầy nâu, nhưng xem ra vẫn chưa thể vô hiệu hóa được chúng...

 

Nạn rầy nâu gây bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá đang nằm trong báo động đặc biệt của ngành BVTV nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung. Các phương án tác chiến liên tục được triển khai, kể cả những biện pháp mạnh nhất là sử dụng thuốc hóa học để  phun bất kể nhiều rầy hay ít rầy và phun đồng loạt ở các cánh đồng. Đã có hơn 6 ngàn chai thuốc đặc trị Hoppericin được phát miễn phí cho dân để phun vào thời kỳ cuối vụ mùa. Nhưng chỉ 2 ngày sau khi phun, trên những chân ruộng lại xuất hiện rầy trở lại. Hiện tại rầy nâu trên các cánh đồng đang diễn biến khá phức tạp. Chúng không còn phát triển theo lứa như trước đây, mà độ tuổi nào cũng thấy có mặt. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn thì việc xuất hiện rầy nâu loạn xạ như vậy là do có rầy từ các nơi di trú tới, đồng thời rầy tại địa phương sinh sản ra. Một trong những cách cắt lứa rầy nâu được Chi cục BVTV xem là hiệu quả nhất, đó là khi thu hoạch xong không xuống giống ngay mà phải vệ sinh đồng ruộng và chờ xuống giống đồng loạt để kiểm soát rầy một cách chủ động hơn. Ngành BVTV khuyến cáo nông dân nên chuyển từ trồng lúa sang trồng những cây hoa màu khác như bắp, đậu, rau trong vụ đông xuân 2006 - 2007 để tránh rầy nâu. Thực tế, vụ đông xuân 2005 - 2006, huyện Xuân Lộc có gần 1.000 hecta lúa, nhưng vụ đông xuân này đã chuyển sang trồng cây khác, chỉ còn 300 hecta. Bà Nguyễn Thị Cát Tiên, Phó phòng Kinh tế huyện Xuân Lộc cho biết: "300 hécta lúa còn lại nằm trong diện tích không thể chuyển sang trồng cây khác được nên huyện  để cho dân tiếp tục trồng lúa vụ này. Chúng tôi cũng đang yêu cầu những hộ dân sản xuất lúa phải cam kết thấy rầy nâu là phải tự gia đình phun thuốc không trông đợi vào sự hỗ trợ của Nhà nước".

Tuy nhiên, trong thực tế, các hộ trồng lúa ở nhiều nơi vẫn không làm theo những khuyến cáo của ngành chuyên môn. Nhiều cánh đồng thu hoạch lúa vụ mùa chưa xong thì một số hộ thu hoạch trước đã vội vàng xuống giống. Chính những ruộng lúa này đã gây khó khăn cho việc chống rầy nâu trên các cánh đồng. Trong khi đó, huyện Tân Phú - nơi có tới 5.000 hécta lúa đông - xuân mặc dù được khuyến cáo và vận động chuyển đổi cây trồng nhưng nông dân ở huyện này vẫn một mực trung thành với cây lúa (toàn huyện chuyển đổi chỉ được 200 hecta). Ông Trần Bá Đạt, Trưởng phòng Kinh tế huyện Tân Phú nói: "Trồng lúa vốn đã trở thành tập quán của người dân ở đây, họ chưa trồng màu trên ruộng lúa bao giờ, nay giá lúa lại cao hơn mọi năm nên việc vận động chuyển đổi rất khó khăn". Rõ ràng, chiến dịch chống rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa sẽ còn nhiều vất vả.

Vân Nam

 

Tin xem nhiều