Báo Đồng Nai điện tử
En

Thú vị cùng hội thi của những người thợ cạo mủ

10:10, 30/10/2006

Những người thợ cạo mủ của Công ty cao su Đồng Nai vừa trải qua hai ngày (26 và 27 - 10) tranh tài trong một hội thi tổ chức ở Nông trường cao su Cẩm Mỹ, nhằm chọn ra người thợ cạo mủ giỏi nhất.

Thực hành cạo mủ tại hội thi thợ giỏi cạo mủ 2006.

Những người thợ cạo mủ của Công ty cao su Đồng Nai vừa trải qua hai ngày (26 và 27 - 10) tranh tài trong một hội thi tổ chức ở Nông trường cao su Cẩm Mỹ, nhằm chọn ra người thợ cạo mủ giỏi nhất.

 

Để có mặt tại vòng thi chung kết này, 52 thí sinh của 13 nông trường đã phải vượt qua hàng trăm thí sinh khác ở những vòng thi cấp đội, cấp nông trường. Cô công nhân trẻ Huỳnh Thị Trang đến từ nông trường An Viễng không giấu vẻ tự hào: "Các anh chị dự thi ở đây toàn là những người đã đạt giải ở cấp đội, cấp nông trường nên tay nghề cao lắm. Có một số anh chị thì đã tham gia cấp thi này đến vài ba lần rồi. Còn em năm nay là lần đầu tiên được tham gia thi cấp công ty nên hơi run". Trước cuộc thi, Trang rất hi vọng sẽ là người đoạt giải bàn tay vàng để được chọn là 1 trong 5 thí sinh đại diện cho 9.000 công nhân của Công ty cao su Đồng Nai đi thi cấp ngành. Với những khán giả lần đầu chứng kiến, hội thi nghề khá lạ này sẽ có những bất ngờ thú vị. Vì, hội thi không chỉ kiểm tra kỹ năng, tay nghề của thí sinh, mà còn có cả phần thi về lý thuyết cạo mủ bằng hình thức trắc nghiệm. Ở phần thi thực hành, trong vòng 30 phút, thí sinh sẽ phải cạo khoảng 100 cây sao cho vừa đảm bảo tốc độ, vừa đảm bảo kỹ thuật. Thao tác đầu tiên là các thí sinh phải bóc lớp mủ đọng lại trên vết cắt của cây, rồi xẻ một đường thật chính xác cách bề mặt lớp cắt chỉ 1 đến 1,5 mm, rồi lật chiếc chén lại. Họ đi như lướt qua từng gốc cao su, những mạch chảy trắng xóa liên tục hiện ra. Thường thì phải mất 4 giờ đồng hồ cho mủ chảy đầy chiếc bát sứ khá to. Người thợ cạo mủ giỏi là người phải biết kéo dao với độ dày bao nhiêu cho phù hợp, để có thể "lạng" trúng những mạch mủ của cây, làm cho "vàng trắng" chảy ra nhiều nhất. Người thợ cũng không được bỏ phí một chút nào những dòng nhựa cũ còn bám trên thân cây đã quánh lại như cao su.

Một điều lạ nữa của hội thi là không phân biệt nam  - nữ hay tuổi nghề. Các thí sinh nữ thi chung cùng thí sinh nam; thí sinh chỉ mới 2 năm tuổi nghề thi cùng thí sinh có tới 24 năm tuổi nghề. Có chứng kiến hội thi, mới thấy các thí sinh nữ không hề thua kém nam về tốc độ, kỹ thuật. Kết quả giải bàn tay vàng cuối cùng cũng thuộc về... một thí sinh nữ của nông trường Ông Quế: Nguyễn Thị Kiều Dung. Kết quả xuất sắc của Dung còn giúp nông trường Ông Quế giành giải nhất đồng đội (cùng nông trường An Lộc). Có thể nói, những hội thi như thế này không chỉ tạo ra một sân chơi thú vị, mà còn giúp những người thợ yêu nghề thêm rất nhiều. Anh Châu Văn Buôn - Chủ tịch Công đoàn Công ty cao su Đồng Nai cho biết, so với những ngành nghề khác, những người thợ cạo mủ rất ít khi bỏ nghề. Phần lớn những công nhân cạo mủ hiện nay đã trên 10 năm tuổi nghề và luôn gắn bó với ngành. Mỗi năm, số lượng đơn xin việc làm thợ cạo mủ đều vượt trội so với chỉ tiêu tuyển dụng của công ty. Với sự chuẩn bị kỹ bằng những cuộc thi cấp cơ sở, hiện công ty cũng đang rất hy vọng có giải trong cuộc thi cấp ngành sắp tới.

Kim Ngân - Minh Chánh

 

Tin xem nhiều