Trái to, mọng, ngọt, da xanh bóng là đặc điểm nổi bật của trái quýt Thanh Sơn so với trái quýt ở những vùng, miền khác. Thế nhưng, hơn mười mấy năm trời gắn bó với cây quýt, những người nông dân xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) vẫn còn chưa hết lo lắng cho đầu ra mỗi khi quýt vào mùa.
Trái to, mọng, ngọt, da xanh bóng là đặc điểm nổi bật của trái quýt Thanh Sơn so với trái quýt ở những vùng, miền khác. Thế nhưng, hơn mười mấy năm trời gắn bó với cây quýt, những người nông dân xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) vẫn còn chưa hết lo lắng cho đầu ra mỗi khi quýt vào mùa.
* Vẫn còn thiếu một thị trường ổn định
Cây quýt đến với vùng đất Thanh Sơn từ những năm 1990, nhưng chỉ mới vài năm trở lại đây, trồng quýt mới phát triển nhanh, vì lợi nhuận từ trái quýt rất cao. Bình quân một hecta thu hoạch 1 năm khoảng vài trăm triệu đồng, tuy nhiên vốn đầu tư trồng quýt cũng khá lớn. Hiện tại, toàn xã Thanh Sơn đã có khoảng 200 hộ trồng khoảng 1.000 hecta quýt. Thế nhưng, có một thực tế không thể phủ nhận là kể từ khi việc nông dân ồ ạt trồng quýt vấn đề đầu ra cho trái quýt ngày càng trở nên khó khăn.
Cây quýt ở Thanh Sơn hiện được thu hoạch vào 2 thời điểm chính trong năm: Đó là vào khoảng tháng 2, 3, 4 (quýt lỡ hay còn gọi là quýt nghịch mùa, có giá gấp 2 đến 3 lần quýt chính vụ) và thời điểm từ khoảng tháng 9,10 đến hết năm (quýt chính vụ). Tính bình quân một hecta quýt khi vào mùa sẽ cho sản lượng khoảng 30 tấn, thì trên tổng diện tích 1.000 hecta quýt cả xã là một con số không hề nhỏ. Song hiện tại, toàn bộ hoạt động mua bán quýt đều do một số thương lái lớn từ các vùng lân cận về mua. Chính vì thế, một thời gian khá dài trái quýt Thanh Sơn đã không có được chỗ đứng riêng cho mình mà thường phải "núp" bóng dưới danh tiếng của trái quýt vùng Tân Phú. Mấy năm lại đây, sản lượng và chất lượng ngày càng lớn mạnh của trái quýt Thanh Sơn đã ít nhiều tạo lập được danh tiếng khắp mọi miền đất nước. Tuy nhiên, giá cả và thị trường vẫn trồi sụt bất thường, làm "đứng tim" không ít lần đối với những người nông dân trồng quýt.
Hiện nay, tuyệt đại đa số nông dân trồng quýt xã Thanh Sơn vẫn thường chọn hình thức "bán đám" cho thương lái, nghĩa là bán hẳn toàn bộ quýt trong vườn khi quýt mới chỉ vừa đậu quả. Cách làm này phần nào có thể giải tỏa nỗi lo về thị trường nhưng do chỉ dựa vào phán đoán của người nông dân về sản lượng vườn quýt của mình nên độ rủi ro cũng khá cao, và nông dân thường phải chịu thiệt so với sản lượng thực trong vườn. Đó là chưa kể giá 1kg quýt đẹp năm nay chỉ bán được khoảng 5 - 6 ngàn đồng, trong khi năm ngoái giá lên đến 8 - 9 ngàn đồng. Sự trồi sụt bất thường về giá cả và sản lượng cộng với những thiệt thòi của nông dân trồng quýt khi "bán đám" đang đặt nông dân trồng quýt xã Thanh Sơn vào tình thế nan giải: tìm đâu ra một thị trường ổn định cho trái quýt?
* Những nỗ lực mới
Năm trước có một vài hộ trồng quýt đã mạnh dạn thăm dò thị trường tại các chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh để có thể trực tiếp xuất quýt đi bán, tránh tình trạng thất thoát lợi nhuận do phải qua trung gian. Lợi nhuận từ cách làm này đã tăng lên gấp đôi nhưng theo ông Đoàn Đức Tuyên, một trong những hộ trồng quýt lâu năm ở xã Thanh Sơn thì: "Cách làm này chỉ mang tính nhất thời chứ không thể lâu dài được. Thứ nhất là tìm đầu ra trực tiếp rất khó nên không phải ai làm cũng được. Thứ hai, một khi tất cả các nông dân đều chọn cách này thì tình trạng bị ép giá là điều không thể tránh khỏi, nếu không muốn nói có thể gây hỗn loạn thị trường khi nông dân đồng loạt chở quýt đi rao bán. Tóm lại, trái quýt Thanh Sơn cần một đầu ra vững vàng và ổn định hơn, dưới một thương hiệu có chất lượng".
Thành lập từ tháng 4 - 2006 đến nay, câu lạc bộ quýt xã Thanh Sơn hiện có hơn 40 thành viên trồng quýt. Tuy nhiên, từ lúc thành lập, câu lạc bộ quýt vẫn chưa có hoạt động gì nổi bật để hỗ trợ nông dân ngoài một vài buổi tư vấn kỹ thuật đơn thuần. Hiện nay, nông dân xã Thanh Sơn đang trông chờ vào một hướng đi mới: thành lập Hợp tác xã Dịch vụ thương mại và sản xuất nông nghiệp Thanh Sơn. Đề án thành lập Hợp tác xã đã được nghiên cứu hơn 1 năm nay và các bước chuẩn bị cơ bản đã hoàn thành. Hợp tác xã huy động được vốn điều lệ 600 triệu đồng do các cổ đông đóng góp (hầu hết là các chủ vườn quýt lớn). Ngày 6-11 tới đây, Hợp tác xã sẽ tiến hành Đại hội chính thức và bầu Ban chủ nhiệm. Ông Nguyễn Hữu Ngạn, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho biết: "Chức năng chính của hợp tác xã là sẽ đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu, hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân, đồng thời can thiệp đầu ra cho các loại nông sản, đặc biệt là trái quýt. Dù mọi chuyện mới chỉ là bắt đầu nhưng chúng tôi hy vọng sẽ xây dựng được một thương hiệu vững mạnh cho trái quýt Thanh Sơn".
Hiện tại, những thành viên cốt cán của Hợp tác xã đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Komic (tỉnh Bình Dương) để cung cấp phân giá gốc cho nông dân trong xã, theo phương thức bán trả chậm cho bà con trong vòng 9 tháng (nông dân chỉ phải thanh toán trước từ 20 đến 30% tổng số tiền). Hy vọng rằng với những nỗ lực nêu trên, sắp tới trái quýt Thanh Sơn sẽ có một chỗ đứng vững trên thị trường.
Kim Ngân