Báo Đồng Nai điện tử
En

Rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá đang hoành hành lúa vụ mùa

09:09, 22/09/2006

Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có trên 1.700 hécta lúa vụ mùa bị bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá. Đây được xem là bệnh "nan y" của cây lúa vì bệnh này đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị

Một ruộng lúa bị bệnh vàng lùn ở xã Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch).

Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có trên 1.700 hécta lúa vụ mùa bị bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá. Đây được xem là bệnh "nan y" của cây lúa vì bệnh này đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị.

 

Nguyên nhân của việc lây lan bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá chính là rầy nâu. Mặc dù thời gian qua việc kiểm soát rầy nâu trong tỉnh khá tốt nhưng vẫn không thể ngăn chặn được bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá xâm nhập do rầy nâu từ nơi khác kéo đến.

Bà Nguyễn Thị Đoàn, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh cho biết, trong vụ hè thu vừa qua, diện tích lúa nhiễm rầy nâu toàn tỉnh chỉ có khoảng 1.400 hécta, giảm hơn so với vụ hè thu năm ngoái gần 100 hécta và không có diện tích nào bị cháy rầy. Tình trạng lúa bị bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá cũng không thấy xuất hiện. Đến cuối tháng 7 và đầu tháng 8, khi lúa vụ mùa đã được gieo trồng, nhiều diện tích lúa đang đẻ nhánh thì xuất hiện đợt rầy nâu theo hướng gió Tây Nam tràn tới. Giữa tháng 8 thì bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá bắt đầu xuất hiện trên khắp các cánh đồng trên toàn tỉnh. Diện tích lúa bị bệnh này ngày càng tăng mạnh và tới nay lúa bị bệnh đã lên đến trên 1.700 hécta. Nơi mà bệnh này đang hoành hành nhiều nhất là huyện Cẩm Mỹ với diện tích 868 hécta tập trung ở 4 xã: Xuân Đông, Xuân Tây, Sông Ray và Lâm San. Theo ngành BVTV thì những diện tích lúa bị nhiễm bệnh trên 30% sẽ phải tiêu hủy. Như vậy, ở huyện Cẩm Mỹ  có khoảng 138 hécta lúa nằm trong diện tích phải tiêu hủy, trong đó xã Xuân Đông có tới 55 hécta. Ông Trần Sơn Kim, Phó phòng kinh tế huyện Cẩm Mỹ cho biết: "Chúng tôi đang vận động bà con cố gắng khống chế rầy nâu để giảm sự lây lan bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá. Đối với những nơi lúa bị nhiễm bệnh nặng huyện đang cùng với xã đi vận động người dân hủy bỏ và ngưng gieo sạ lại chờ cơ quan chuyên môn thông báo lịch sẽ tiếp tục sản xuất". Sau huyện Cẩm Mỹ là huyện Vĩnh Cửu (249 hécta) và huyện Xuân Lộc (239 hécta). Đứng trước tình hình bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá phát triển mạnh trên lúa, ngay đầu tháng 9, huyện Xuân Lộc đã phải tổ chức tập huấn cho nông dân về kỹ thuật phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá. Chị Nguyễn Thị Ninh, cán bộ nông nghiệp huyện Xuân Lộc cũng cho biết, ở những khu vực lúa bị bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá do rầy nâu gây ra, đến vụ đông xuân tới sẽ vận động nông dân chuyển qua trồng rau hoặc hoa màu như bắp, đậu...

Để phòng chống hiệu quả rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá trên lúa, chi cục BVTV cũng đã khuyến cáo nông dân sử dụng những biện pháp như phun thuốc diệt rầy nâu một cách triệt để ở những khu vực lúa bị nhiễm bệnh này. Đối với những ruộng bị nhiễm bệnh trên 30% diện tích, lúa dưới 45 ngày tuổi thì cày tiêu hủy. Riêng với những trường hợp tỉ lệ nhiễm bệnh dưới 30% thì các chủ ruộng cần tăng cường chăm sóc, bón phân để những cây lúa chưa bị nhiễm bệnh phát triển tốt. Bà con nông dân cũng nên hạn chế sử dụng các loại giống lúa nhiễm rầy để gieo trồng như:  VND 95-20, VD20, IR1490, Jasmim 85, Bắc thơm 7, IR59606. Bà Nguyễn Thị Lệ, Chi cục phó Chi cục BVTV tỉnh nói: "Việc chăm sóc và quản lý rầy trên ruộng hiện nay là hết sức quan trọng. Khi đi kiểm tra đồng ở huyện Nhơn Trạch tôi thấy có những ruộng lúa mức độ bị bệnh chưa đến mức phải hủy, vậy mà chủ ruộng bỏ không chăm sóc nữa. Những ruộng mà bị bỏ hoang như vậy rất nguy hiểm, dễ là nơi tụ tập của rầy và lây lan mầm bệnh. Phải có hướng xử lý tốt đối với các trường hợp này".

Một trong những việc còn khó khăn cho việc xử lý rầy nâu ở hầu hết các cánh đồng hiện nay là tình hình gieo trồng không còn đúng theo khung thời vụ. Trên cùng 1 cánh đồng nhưng có nơi lúa đã được thu hoạch, có nơi thì lúa đang làm đòng, có nơi lại đang cấy. Chính vì nông dân sản xuất lúa như vậy nên không có khoảng thời gian cách ly để xử lý triệt để dịch bệnh. Ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông cho rằng: "Trong thời gian tới cần phải lập lại khung thời vụ, nếu không sẽ rất khó khăn trong việc quản lý dịch bệnh".

Để việc chống rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá trên cây lúa có hiệu quả cao, thiết nghĩ cần phải có sự phối hợp tích cực giữa nông dân sản xuất lúa với các cơ quan chuyên môn ngành BVTV.

Vân Nam

 

Tin xem nhiều