Bài 1: Chấm dứt hoạt động của các cơ sở chăn nuôi theo lộ trình nào?
Do yêu cầu của quá trình đẩy nhanh đô thị hóa, giảm thiểu những tác động về môi trường, việc TP. Biên Hòa quyết định ngưng chăn nuôi gia súc trong đô thị là chủ trương đúng đắn và bức thiết. Thế nhưng việc chấm dứt hoạt động của 1.542 cơ sở chăn nuôi trong thành phố như thế nào lại đang là những vấn đề nan giải cho các cấp quản lý nhà nước của thành phố, lẫn người dân...
Do yêu cầu của quá trình đẩy nhanh đô thị hóa, giảm thiểu những tác động về môi trường, việc TP. Biên Hòa quyết định ngưng chăn nuôi gia súc trong đô thị là chủ trương đúng đắn và bức thiết. Thế nhưng việc chấm dứt hoạt động của 1.542 cơ sở chăn nuôi trong thành phố như thế nào lại đang là những vấn đề nan giải cho các cấp quản lý nhà nước của thành phố, lẫn người dân...
Mục tiêu đề ra của thành phố là phải cơ bản chấm dứt việc chăn nuôi gia súc trong thành phố vào cuối năm 2006. Thế nhưng, những vấn đề về chính sách lộ trình, phương án cụ thể như thế nào thì đến nay người chăn nuôi vẫn chưa được rõ nên chủ trương này vẫn chưa được nhiều người chấp nhận. Trong khi đó, việc chăn nuôi xen lẫn trong khu dân cư vẫn đang tác động hàng ngày lên cuộc sống của nhiều người dân...
* Ô nhiễm từ chất thải chăn nuôi: Báo động!
Tuy đến nay chưa có con số cụ thể nào nhằm ước lượng những tác động đến môi trường của chất thải chăn nuôi trong thành phố nhưng hệ quả của nó đối với cuộc sống của người dân thì đã rõ. Hiện nay, các con suối lớn như Suối Linh, suối Săn Máu đều đang ô nhiễm nghiêm trọng do các nguồn chất thải xả xuống, trong đó có chất thải từ chăn nuôi gia súc. Bởi, dọc theo các con suối này là những khu vực tập trung chăn nuôi lớn như Long Bình, Tân Phong, Trảng Dài, Tam Hòa... nhưng việc xử lý các chất thải còn nhiều yếu kém và không hiệu quả. Điều đáng nói là các con suối lớn này đều đổ ra sông Đồng Nai, nơi cung cấp nước sinh hoạt cho hàng triệu cư dân đô thị của TP.Hồ Chí Minh, Biên Hòa và các vùng lân cận. Nhiều hộ có xử lý chất thải bằng hầm biogas nhưng dung tích xử lý lại không tương xứng với quy mô chăn nuôi, do vậy nguồn nước thải ra vẫn không đảm bảo về mặt môi trường, đe dọa ô nhiễm hệ thống sông suối. Thậm chí, một bộ phận không nhỏ các hộ chăn nuôi vẫn cho thải trực tiếp phân gia súc ra môi trường mà không qua xử lý.
Ngoài ô nhiễm nguồn nước, việc chăn nuôi trong thành phố hiện nay cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về bệnh dịch. Nhiều khu chăn nuôi tập trung nằm ở ngoại ô thành phố trước đây nay đã nằm lọt thỏm trong khu dân cư, liền kề với nhà ở và không đảm bảo khoảng cách tối thiểu về an toàn dịch bệnh và môi trường. Khu vực chăn nuôi lại không được che chắn kỹ, trước cửa trại không có hố sát trùng và thiếu các trang thiết bị bảo vệ cá nhân cần thiết khi tiếp xúc trực tiếp với gia súc. Chính vì vậy, việc ngưng chăn nuôi gia súc và di dời các cơ sở chăn nuôi này ra khỏi đô thị đang là một vấn đề bức thiết....
Ông Đặng Văn Minh, Phòng Tài nguyên - môi trường TP.Biên Hòa: Chỉ nên ngưng chăn nuôi trâu, bò từ năm 2008 Liệu chăn nuôi trâu bò có ô nhiễm đến mức phải di dời trong thời điểm này giống như chăn nuôi heo? Nếu xét trên tốc độ đô thị hóa của thành phố, các đồng cỏ ngày càng ít đi thì theo tôi đến 2008 mới ngưng chăn nuôi trâu, bò là hợp lý.Và, trong phương án ngưng chăn nuôi của thành phố, tôi cho rằng nên giao chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương. Ví dụ, trong năm nay các phường, xã sẽ phải giảm đàn xuống bao nhiêu phần trăm. Một vấn đề khác là việc xử lý các cơ sở giết mổ sẽ thế nào? Vì hiện nay nhiều lò mổ tập trung trâu bò từ nơi khác về và có nuôi một thời gian để vỗ béo trước khi giết mổ. Thành phố cũng cần có quy định với các cơ sở này. Ông Nguyễn Hữu Tòa, Hạt kiểm lâm Biên Hòa: Gấu nuôi có phải là gia súc? Phương án mà Phòng Kinh tế đưa ra có yêu cầu cả việc ngưng nuôi gấu, hươu, nai trên địa bàn. Nếu quan điểm gấu nuôi là gia súc thì tôi cho rằng cần phải có lộ trình riêng cho việc di dời do tính đặc thù của nó. Qua kiểm tra, chúng tôi thống kê được trên địa bàn thành phố hiện nay có 59 hộ nuôi nhốt động vật hoang dã, trong đó có 48 hộ nuôi nhốt gấu. Hiện nay, Chính phủ không cho phép việc mua bán gấu nhưng cho phép được vận chuyển. Ông Phạm Đình Đức, Phòng Nội vụ - lao động - thương binh và xã hội TP.Biên Hòa: Chuyển đổi nghề cho người chăn nuôi hết tuổi lao động? Hiện nay, nhiều trường hợp người chăn nuôi ở vào độ hết tuổi lao động nên không thể dạy nghề hay chuyển việc làm khác cho họ được. Vì vậy, chúng ta cần có phương án dạy nghề và giới thiệu việc làm cho con em họ, trong đó việc làm cần thiết là các phường, xã phải thống kê và lập danh sách những hộ có nhu cầu được đào tạo và chuyển đổi nghề để gởi sớm về phòng. Ông Phan Văn Sách, Chủ tịch Hội nông dân TP.Biên Hòa: Cần sự phối hợp chặt giữa chính quyền và các đoàn thể Hiện nay, chúng ta còn khoảng 18 trên tổng số 26 phường, xã có kinh tế nông nghiệp và nông thôn. Tôi cho rằng để thực hiện được chủ trương này, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan quản lý nhà nước, các đoàn thể và UBMTQ trong công tác vận động quần chúng để khi triển khai chủ trương xuống người chăn nuôi thì tất cả đều "thông", tránh trình trạng bị người dân phản ứng và không ký vào bản cam kết ngưng chăn nuôi như trong thời gian qua. Rõ ràng, việc ngưng chăn nuôi gia súc thì người dân chỉ được nghe, còn ngưng như thế nào thì dân lại không biết. Trước hết, thành phố cần gặp gỡ và lắng nghe ý kiến người chăn nuôi bên dưới, chứ còn bàn ở trên này rồi đưa ra phương án sẽ lại bị người chăn nuôi phản ứng lên. |
* Bảo ngưng, nhưng phương án vẫn còn trong... dự thảo!
Ghé vào một trại nuôi heo khá lớn ở xã Hiệp Hòa, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy cơ sở này vẫn đủng đỉnh nuôi heo. Hỏi ông chủ trại có biết chủ trương ngưng chăn nuôi của thành phố hay không thì ông bảo: "Tui có nghe nói và có lên xã hỏi nhưng xã nói có thể đến 2010 mới ngưng hoàn toàn". Những thông tin mà chúng tôi thăm dò từ một số chủ cơ sở chăn nuôi trong thành phố cũng khá mập mờ kiểu "nghe đâu đến 2010 mới phải di dời". Thực tế, mục tiêu mà thành phố đã đề ra là đến thời điểm cuối 2006 phải chấm dứt cơ bản việc chăn nuôi trong thành phố. Thế nhưng điều đáng nói là đến nay những vấn đề liên quan như chính sách, lộ trình, phương án cho việc ngưng chăn nuôi của thành phố vẫn còn trong... dự thảo, dẫn đến tình trạng, khi cán bộ địa phương xuống thông báo, giải thích cho các chủ cơ sở chăn nuôi đã gặp không ít những băn khoăn, bất bình từ phía họ. Một cán bộ phường Trảng Dài than: "Khổ lắm, chúng tôi đã nói đủ thứ cách để bà con lắng nghe và hiểu được chủ trương của thành phố. Thế nhưng nói cách nào thì bà con cũng không "thông" do thành phố chỉ thông báo chủ trương chung, còn lộ trình, bước đi, biện pháp như thế nào thì đến giờ vẫn chưa có để chúng tôi có thể thông báo cho bà con hiểu".
Theo những thông tin mà chúng tôi nắm được thì đến thời điểm này, dù đã qua hai lần dự thảo nhưng hai phương án mà Phòng Kinh tế TP.Biên Hòa đang soạn thảo vẫn còn nhiều điểm phải chỉnh sửa. Nhìn chung, cả hai phương án mà phòng dự thảo để trình UBND và HĐND thành phố phê duyệt đều có lộ trình... chậm hơn so với mốc thời gian mà thành phố đã đề ra (ngưng cơ bản việc chăn nuôi vào cuối năm 2006). Chính vì vậy, kèm theo phương án lại phải có thêm một tờ trình để giải thích về lộ trình ngưng chăn nuôi. Rõ ràng, việc đề ra một mục tiêu cụ thể mà chưa xác lập được những bước đi trong từng thời điểm đang gây lúng túng không ít cho các ngành chức năng của TP.Biên Hòa. Và, chừng nào thành phố vẫn chưa quyết định được một phương án cụ thể cho việc ngưng chăn nuôi gia súc để thông báo rõ ràng cho người chăn nuôi, thì người chăn nuôi vẫn khó có thể "thông" được, cho dù chủ trương ấy được sự đồng tình từ phía người dân!
Khắc Giới - Minh Chánh
Kỳ sau : "Tái định cư" cho gia súc ở đâu ?