Từ 2 năm nay, phong trào trồng rau xanh đã phát triển mạnh ở xã Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc). Trước đây, bà con trồng rất nhiều loại cây ngắn ngày, nhưng do giá cả không ổn định, lại có khi mất mùa vì thiên tai, nên việc xác định cây trồng chủ lực rất khó khăn.
Từ 2 năm nay, phong trào trồng rau xanh đã phát triển mạnh ở xã Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc). Trước đây, bà con trồng rất nhiều loại cây ngắn ngày, nhưng do giá cả không ổn định, lại có khi mất mùa vì thiên tai, nên việc xác định cây trồng chủ lực rất khó khăn. Ông Đinh Ngọc Hậu, Chủ tịch UBND xã cho biết, mấy năm nay, nông dân đã chuyển từ trồng mía, bông, bắp... sang trồng bầu, bí, mướp, dưa leo, khổ qua... vì đất ở đây chủ yếu là đất đen, tơi xốp, rất phù hợp với cây trồng này. Hơn nữa, việc trồng rau xanh vụ 1 vào mùa nắng ít bị ngập úng, giá cả tăng, nên thu nhập cao. Hiện nay đã có một số doanh nghiệp tư nhân vào tận nhà dân đầu tư cả giống, phân bón và tiền để khuyến khích nông dân sản xuất...
Anh Phạm Văn Giang, một hộ trồng rau xanh nơi đây cho biết: "So với những cây trồng ngắn ngày khác, trồng rau xanh cho hiệu quả kinh tế cao hơn, vì thời gian gieo trồng ngắn (chỉ khoảng 45 ngày là có thu hoạch), thu hồi vốn nhanh. Hiện nay, giá một ký bầu, bí được bán từ 1.200-1.300đ/kg, khổ qua từ 3.600- 4.000đ/kg nên một năm hai vụ, gia đình tôi có thể thu nhập hơn 50 triệu đồng". Anh Giang cũng cho biết thêm rằng, để trồng rau xanh đạt hiệu quả cao, giữa vụ 1 và vụ 2 trong năm nên trồng luân canh các loại cây khác. Nếu vụ 1 đã trồng bí, thì vụ 2 nên trồng bầu hoặc mướp để thay đổi kháng thể của sâu bệnh, sâu bệnh khỏi lờn thuốc, giúp cây rau phát triển tốt và cho năng suất cao.
Tùng Lam