Trong mấy năm gần đây, nhiều nhà vườn ở xã Xuân Bảo, huyện Cẩm Mỹ đã chuyển từ cây chôm chôm, cà phê, tiêu sang trồng cây mãng cầu xiêm (mãng cầu gai). Trước kia, nhiều nhà vườn ở xã Xuân Bảo chỉ xem đây là loại cây trồng cho thu nhập phụ, nhưng nay đã trở thành nguồn thu nhập chính...
Trong mấy năm gần đây, nhiều nhà vườn ở xã Xuân Bảo, huyện Cẩm Mỹ đã chuyển từ cây chôm chôm, cà phê, tiêu sang trồng cây mãng cầu xiêm (mãng cầu gai). Trước kia, nhiều nhà vườn ở xã Xuân Bảo chỉ xem đây là loại cây trồng cho thu nhập phụ, nhưng nay đã trở thành nguồn thu nhập chính...
Ông Nguyễn Văn Rọ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Bảo cho biết, hiện nay toàn xã có gần 260 hécta mãng cầu xiêm và cả 3 ấp: Tân Hạnh, Nam Hà và Tân Mỹ đều có trồng loại cây này. Phần lớn diện tích mãng cầu xiêm trong xã được trồng xen canh với các loại cây công nghiệp hoặc cây ăn trái khác. Tân Hạnh là ấp trồng mãng cầu xiêm nhiều nhất (hơn 120 hécta) và cũng là ấp có khá nhiều vườn mãng cầu trồng thuần không xen canh. "Cây mãng cầu xiêm được người dân trong xã trồng cách nay 15 năm nhưng khi ấy họ chỉ trồng một ít cây để ăn và khi có dư mới bán. Dần dần thấy mãng cầu xiêm bán được và nhất là có thu hoạch quanh năm nên người dân mới nghĩ đến việc trồng xen vào các vườn cây để kiếm thêm thu nhập. Đặc biệt, kể từ khi cây cà phê và chôm chôm liên tục mấy năm liền rớt giá, diện tích cây mãng cầu bắt đầu tăng mạnh" - ông Rọ kể.
Hiện nay không nhiều thì ít, dường như nhà vườn nào ở xã Xuân Bảo cũng có trồng cây mãng cầu xiêm. Các chủ vườn ở đây cho biết, sở dĩ họ chọn trồng cây mãng cầu xiêm vì loại cây này khá dễ trồng, cây cho trái quanh năm và có thể điều chỉnh được lượng trái nhiều hay ít (do chủ vườn thụ phấn cho hoa nhiều hay ít sẽ quyết định lượng trái). Ông Ngô Văn Chấn, chủ một vườn mãng cầu xiêm rộng 6 sào trồng xen với tiêu cho hay, hiện nay mỗi năm trung bình ông thu 10 tấn mãng cầu, thu nhập đạt khoảng 30 - 40 triệu đồng/năm. Vườn mãng cầu của ông Chấn có những cây lớn nhất năm nay được 15 năm tuổi và cây nhỏ cũng được 4 năm tuổi. Trong thời gian tới, ông Chấn sẽ phá bỏ vườn tiêu để tập trung trồng cây mãng cầu. "Toàn bộ nọc tiêu bằng cây vông trong vườn của tôi đã chết, bây giờ mua nọc về thay cũng phiền phức lắm. Sẵn có cây mãng cầu đang cho thu nhập tốt, nên tiện thể dẹp luôn tiêu để chăm sóc mãng cầu cho dễ " - ông Chấn bộc bạch.
Trong khoảng 4 năm gần đây, việc phát triển cây mãng cầu xiêm ở Xuân Bảo khá tốt. Giá mãng cầu xiêm được các thương buôn mua thấp nhất cũng 3.000đ/kg, vào lúc cao điểm mãng cầu xiêm lên đến 10 ngàn đồng/kg. Loại mãng cầu này thời điểm cao giá nhất vào khoảng tháng 12 âm lịch. Đây là lúc mãng cầu mua để chưng tết nên giá luôn ở mức 8.000đ - 10.000đ/kg. Đây cũng là thời điểm người dân Xuân Bảo tập trung khai thác vườn mãng cầu mạnh nhất. Khi cây mãng cầu xiêm ở đây phát triển tốt thì nơi khác cũng bắt đầu để mắt tới. Anh Bùi Đức Hải, chủ của vườn mãng cầu xiêm rộng 1 hécta cho biết, nhiều khi đến đợt gom hàng nhưng mãng cầu chưa đủ già để hái nên bạn hàng thường đi tìm hết vườn này qua vườn nọ để kiếm cho đủ chuyến. Vườn mãng cầu xiêm của anh Hải được trồng theo dạng thâm canh nên mật độ cây khá dày (3m/cây) và mặc dù năm nay mới là năm thứ tư nhưng vườn mãng cầu của anh năm ngoái đã cho thu hoạch 40 tấn trái. Anh nói: "Năm ngoái mãng cầu xiêm được giá, trung bình vào khoảng 7.000 đồng/ kg, tôi thu 40 tấn trái bán được 280 triệu, trừ chi phí rồi cũng còn lãi tới 200 triệu đồng", 5 năm trước, anh Hải là người đã từng bị mắc nợ vì theo đuổi cây nhãn. Sau đó anh mới chọn cây mãng cầu để phát triển kinh tế. Theo anh Hải, hiện nay chỉ trồng mãng cầu xiêm là chắc ăn hơn những cây ăn trái khác, vì nó có trái quanh năm, lỡ rớt giá vụ này còn vụ khác bù lại và cây mãng cầu cũng cho thu hoạch khá nhanh, từ khi trồng đến khi cho trái khoảng 2 năm rưỡi. Cho đến nay anh đã thoát được cảnh nợ nần nhờ vào vườn mãng cầu xiêm. Nhiều người dân nơi đây cho biết, mãng cầu xiêm Xuân Bảo còn được đem đi bán ra tận các tỉnh từ miền Đông và miền Trung .
Trong khi mãng cầu xiêm ở nhiều nơi vẫn khá khó khăn về đầu ra, thì ở Xuân Bảo điều đó đã không xảy ra. Ông Nguyễn Văn Rọ giải thích: "Do lượng mãng cầu nơi đây tương đối nhiều và các thương buôn là người của địa phương nên việc mua tận gốc và bán tận ngọn không phải qua trung gian đã giúp cho giá mãng cầu không bị ép như các nơi khác..."
Vân Nam