Báo Đồng Nai điện tử
En

Cây ăn trái ở miền Đông Nam bộ:
Xử lý rải vụ theo kỹ thuật 3S: Vẫn còn ngoài tầm tay!

09:08, 16/08/2006

Nếu như người dân ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang vui mừng học tập những phương pháp xử lý cho cây ăn trái trổ bông rải vụ, thì đối với các nhà vườn thuộc các tỉnh miền Đông Nam bộ điều ấy vẫn còn là niềm mơ ước.

Chôm chôm Long Khánh năm nay tuy chín muộn nhưng vẫn bị đụng hàng với chôm chôm nơi khác.

Nếu như người dân ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang vui mừng học tập những phương pháp xử lý cho cây ăn trái trổ bông rải vụ, thì đối với các nhà vườn thuộc các tỉnh miền Đông Nam bộ điều ấy vẫn còn là niềm mơ ước.

 

Lý thuyết 3S (sung, suy, sung) của tiến sĩ Trần Văn Hâu, Trường đại học Cần Thơ về xử lý ra hoa rải vụ trên một số cây ăn trái như xoài, sầu riêng, chôm chôm, bưởi và măng cụt ở ĐBSCL khá thú vị. Theo ông muốn cho cây trổ bông rải vụ được, thì cây phải sung, tức là cây phải  được chăm sóc tốt. Sau đó chủ vườn làm cho cây suy đi, bằng cách siết nước để cây bị khô. Bước tiếp theo là tưới nước và chăm sóc cho cây sung trở lại. Khi thiếu nước và được kích thích bằng cách tưới nước, bón phân và xịt thuốc sẽ làm cho cây trổ bông. Tiến sĩ Hâu cho biết, kỹ thuật này đã được áp dụng khá thành công tại nhiều nhà vườn ở khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, việc cho cây trổ bông trái vụ không chỉ đơn thuần là thực hiện 3S, mà còn phải kết hợp đồng bộ các giải pháp kỹ thuật khác như: chăm sóc, tỉa cành, bón phân v.v... thì mới đem lại hiệu quả.

Ngoài kỹ thuật 3S của tiến sĩ Hâu, ở vùng ĐBSCL, nhiều nhà vườn còn tự mày mò tìm, rút tỉa kinh nghiệm thực tế để tìm ra những phương pháp ép cho cây trổ bông rải vụ rất thành công. Trong đó có kỹ thuật xử lý ra hoa rải vụ trên cây xoài cát Hòa Lộc của anh Võ Viết Hưng, xã Mỹ Khương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, cây sầu riêng của anh Phạm Văn Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre hay cây bưởi của anh Lê Văn Hoa, xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre...

Chôm chôm, sầu riêng, bòn bon DONA được trưng bày tại diễn đàn rải vụ trái cây 2006.

Mặc dù, mỗi người có những kỹ thuật khác nhau và thực hiện trên những loại cây khác nhau nhưng việc ép cho cây trổ bông trái vụ thì đều có chung 1 điểm là gây sốc cho cây bằng cách siết nước. Đây là việc làm khá quan trọng để quyết định cây có trổ bông hay không. Anh Nguyễn Hữu Phước, nông dân xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, người chuyên xử lý cho chôm chôm ra bông nghịch vụ khẳng định: "Để cây chôm chôm trổ bông theo đúng ý của mình thì điều quan trọng nhất là xử lý nước, bao gồm siết nước, tưới nước cho cây thật tốt và đúng lúc". Do địa hình đặc thù hầu hết các vườn cây ăn trái ở khu vực ĐBSCL đều có thể quản lý nước tốt nên không mấy khó khăn trong việc thực hiện kỹ thuật này. Tuy vậy, khi đưa những giải pháp kỹ thuật này về vùng miền Đông Nam bộ thì khó có thể thực hiện được. Vì, việc siết nước để tạo sốc cho cây ở miền Đông Nam bộ là khá khó khăn. Kỹ sư Nguyễn Văn Hùng, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ cho biết: "Đối với các vườn trái cây ở ĐBSCL do các vườn đều có mương liếp, nên chỉ cần tưới nước ngập vào đó hoặc bơm khô mương nước đi là có thể làm cho cây bị sốc nước ngay. Riêng ở miền Đông làm điều đó không dễ chút nào, vì cây ăn trái ở miền Đông thường rễ cây ăn rất sâu trong lòng đất mà độ ẩm dưới đất khó có thể ngắt được như những liếp đất".

Tiến sĩ Võ Mai, Chủ tịch Hiệp hội trái cây Việt Nam cho biết: "Nếu như các vùng trồng cây ăn trái của nước ta chưa được quy hoạch một cách cụ thể thì chuyện đụng hàng rớt giá của trái cây là không tránh được. Còn nếu như các nơi đều thi nhau tổ chức sản xuất trái cây nghịch vụ, thì việc nghịch vụ ấy sẽ trở thành chính vụ và vẫn bị đụng hàng. Như vậy, chỉ khi nào có những quy hoạch cụ thể trồng cây gì? mùa vụ ra sao? rồi từ đó mới điều tiết việc nên cho trái cây chín khi nào thì tốt, khi ấy mới tránh được chuyện đụng hàng.

Cũng chính vì không xử lý được nước như vậy nên cây ăn trái ở khu vực miền Đông Nam bộ rất khó khăn cho trổ bông rải vụ như mong muốn. Theo anh Hùng, các nhà vườn miền Đông Nam bộ chỉ bằng những phương pháp tác động khác như: sử dụng phân bón, một số chế phẩm hoặc khắc thân cây để giúp cây ăn trái trổ bông sớm hơn thời vụ chính một chút là được. Ngay cả việc sử dụng một số chế phẩm hóa chất để kích thích cây, anh Hùng cũng cho rằng, nhà vườn phải hết sức thận trọng, nếu không chính những chế phẩm đó sẽ làm hỏng cây trồng. Như vậy, việc các nhà vườn ở miền Đông Nam bộ mơ ước làm sao điều khiển cho vườn cây của mình ra hoa, kết trái lệch với mùa chính để tránh được việc đụng hàng dội chợ, xem ra vẫn còn ở ngoài tầm tay!

Vân Nam

 

 

 

Tin xem nhiều