Báo Đồng Nai điện tử
En

Trồng tre lấy măng - một mô hình đang được nhân rộng ở Xuân Lộc

10:07, 05/07/2006

Trước đây, những vùng đất xám bạc màu ở huyện miền núi Xuân Lộc thường bị bỏ hoang hoặc có trồng hoa màu thì cũng có năng suất và hiệu quả kinh tế không cao. Gần đây, nhờ biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên những vùng đất này đã dần dần được bà con phủ kín bởi một loại cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Trước đây, những vùng đất xám bạc màu ở huyện miền núi Xuân Lộc thường bị bỏ hoang hoặc có trồng hoa màu thì cũng có năng suất và hiệu quả kinh tế không cao. Gần đây, nhờ biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên những vùng đất này đã dần dần được bà con phủ kín bởi một loại cây trồng có giá trị kinh tế cao.

 

Anh Lê Đình Sanh, một nông dân ở ấp Trung Hiếu (xã Xuân Trường) có gần 10 hécta đất hạng 7 (loại đất xấu nhất) trước đây đã từng được trồng điều, nhãn, xoài, mì... nhưng cây trồng cứ èo uột, năng suất thấp. Vào năm 2004, khi được Trung tâm khuyến nông Đồng Nai giới thiệu và hướng dẫn trồng cây tre bát độ có xuất xứ từ Trung Quốc, anh đã mạnh dạn chặt bỏ 1 hécta cây điều đã 2 năm tuổi để trồng thử nghiệm loại tre này. Anh cho biết, cây tre bát độ trồng tương đối đơn giản, ít tốn công, chi phí đầu tư thấp, trồng cây cách cây và  hàng cách hàng 5m, đến khoảng 36 tháng tuổi sẽ cho thu hoạch 40 tấn/hécta. Nếu có đủ nước tưới trong mùa khô, cây tre bát độ sẽ cho năng suất cao hơn và bán rất được giá. Ông Phạm Phương, cán bộ khuyến nông xã Xuân Trường cũng cho biết, cây tre bát độ cho măng ăn giòn và ngọt, măng khô có màu vàng óng nên được dân ưa chuộng. Tuổi thọ của cây tre này hơn 30 năm, hiệu quả kinh tế cao, đầu ra tương đối ổn định nên trong thời gian tới địa phương sẽ giúp cho bà con phát triển rộng mô hình này. Hơn nữa, trồng tre bát độ vào 3 năm đầu cây còn thưa nên bà con có thể trồng xen bắp, đậu, mì... để tăng thêm thu nhập, lấy ngắn nuôi dài.

Hiện nay, vườn tre nhà anh Sanh mới gần 24 tháng tuổi nhưng nhờ chăm sóc tốt nên đã bắt đầu cho thu hoạch sớm hơn một năm so với quy trình. Gia đình anh đã bán được gần một tấn măng với giá bỏ sỉ là 6 ngàn đồng/kg. Theo ước tính của anh thì vào khoảng năm thứ 3 trở đi, với 1 hécta tre này, chỉ riêng tiền bán măng gia đình anh sẽ kiếm được trên 2 trăm triệu đồng, chưa kể tiền bán tre giống mỗi cây từ 10 đến 15 ngàn đồng. Ngoài ra, thân tre còn bán được cho các vựa tre lá. Anh Sanh cho biết: "Trồng tre bát độ không kén đất, nhưng khu nào có nước thì ăn măng được mùa nắng. Nó rất chịu phân hữu cơ, nhưng tôi chỉ bón phân mấy tháng đầu khi nó phát triển rồi thì tôi dùng phân ami và mỗi lần bẻ măng tôi bón thêm urê".

Được biết, trên địa bàn Xuân Lộc hiện nay chỉ mới 3 xã trồng 4 hécta loại tre này là: Xuân Trường, Xuân Thành và Suối Cao. Cây tre tạo được thảm xanh và chống xói mòn cho đất, nên nhiều nông dân đang muốn phát triển mạnh mô hình này. Riêng gia đình anh Sanh, năm này dự kiến sẽ tiếp tục trồng thêm 7 sào tre. Anh cũng sẵn sàng hướng dẫn cho bà con cách trồng cũng như chia con giống nếu bà con có nhu cầu.

 

Ngọc Hoàng (Đài TT Xuân Lộc)

Tin xem nhiều