Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần có một khu chăn nuôi tập trung ngoài địa bàn TP. Biên Hòa

10:07, 04/07/2006

Đó là nguyện vọng của đa số người chăn nuôi ở Biên Hòa khi đề cập đến việc di dời chăn nuôi gia súc, gia cầm ra khỏi địa bàn thành phố...

Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền và hỗ trợ để di dời các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ ra ngoài địa bàn TP. Biên Hòa. (Ảnh : Đan Thùy)

Đó là nguyện vọng của đa số người chăn nuôi ở Biên Hòa khi đề cập đến việc di dời chăn nuôi gia súc, gia cầm ra khỏi địa bàn thành phố...

 

Hiện nay chăn nuôi đang là một trong những ngành được Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện phát triển. Tuy nhiên, đối với TP. Biên Hòa, một đô thị loại II phát triển theo hướng công nghiệp - dịch vụ nên từ nhiều năm nay Thành ủy và UBND thành phố đã có chủ trương di dời chăn nuôi gia súc, gia cầm ra khỏi địa bàn nhưng việc thực hiện lại mang tính chất cầm chừng. Năm 2006, thành phố đã chỉ đạo các phường, xã thực hiện công tác này một cách triệt để hơn và phải hoàn thành xong công tác di dời trước ngày 31-12-2006. Thực hiện chủ trương này, các phường, xã đã tiến hành triển khai bằng nhiều hình thức, kể cả tổ chức tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện để các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chuyển đổi ngành nghề...

Đến nay, mặc dù đã có một số hộ chăn nuôi ở các phường: Tân Phong, An Bình, Hố Nai, Long Bình, Tân Hòa... chuyển sang kinh doanh nhà trọ và buôn bán nhỏ, nhưng phần lớn các địa phương và người chăn nuôi đang gặp rất nhiều khó khăn, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước. Trước hết là về địa điểm, người chăn nuôi thường không nhận được sự đồng tình của địa phương mới, vì ngại chăn nuôi sẽ gây ô nhiễm môi trường và họ đã gặp khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục pháp lý như: chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xin giấy phép xây dựng, mở rộng chuồng trại, đăng ký sử dụng điện lưới... Bên cạnh đó, giá thành trong đầu tư xây dựng ban đầu lại quá cao. Ông Phạm Hữu Tâm, Phó chủ tịch UBND phường Hố Nai, người đã trực tiếp cùng với cán bộ Ban kinh tế TP. Biên Hòa đi khảo sát địa điểm tại các huyện cho biết: "Chúng tôi đã tiến hành khảo sát địa điểm tại 2 huyện: Thống Nhất và Trảng Bom. Về phía cấp huyện, họ sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân thực hiện các thủ tục pháp lý về đất đai, nhưng trong quy hoạch phát triển 2-3 năm sắp tới, huyện cũng sẽ từng bước đưa chăn nuôi ra khỏi địa bàn nên người chăn nuôi sẽ khó khăn vì chưa đủ thời gian thu hồi vốn. Riêng huyện Thống Nhất thì đã có quy hoạch chăn nuôi lâu dài tại các xã: Gia Tân 2, Xuân Lộc... song, giá đất tương đối cao, các cơ sở hạ tầng như: đường giao thông, mặt bằng, hệ thống điện... đều phải đầu tư mới nên ước tính tổng vốn đầu tư ban đầu cho 1 hécta đất chăn nuôi phải lên đến 500 triệu đồng, chưa kể con giống".

Anh Nguyễn Cẩm Thạch, một hộ chăn nuôi tại KP8, phường Hố Nai cho biết, gia đình anh sống bằng nghề chăn nuôi hơn 10 năm nay, thu nhập bình quân mỗi tháng hơn 3 triệu đồng. Nay nếu không chăn nuôi nữa, thì anh cũng khó tìm được công việc phù hợp với tuổi tác và có thu nhập tương ứng để nuôi các con ăn học. Anh đang mơ ước có một khu chăn nuôi tập trung và có sự hỗ trợ của Nhà nước về vốn ban đầu để gia đình anh tiếp tục công việc chăn nuôi. Còn anh Nguyễn Quang Chung, chủ 2 trang trại với hơn 500 con heo tại KP8, phường Hố Nai và KP3, phường Long Bình thì bức xúc: "Chủ trương di dời có đã từ nhiều năm nay, do đó người chăn nuôi luôn trong tình trạng thấp thỏm, không biết khi nào sẽ chính thức di dời. Họ thường không dám đầu tư kiên cố về chuồng trại, cũng như trang bị hệ thống xử lý chất thải, nên ít nhiều đã gây ảnh hưởng đến môi trường. Bản thân tôi cũng đã từng đến xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu liên hệ mua đất lập trang trại nhưng phía địa phương không ủng hộ vì sợ ảnh hưởng đến môi trường. Thiết nghĩ, nếu tỉnh có quy hoạch khu chăn nuôi tập trung ổn định và ưu tiên tạo điều kiện cho những người chăn nuôi ở Biên Hòa thuê hoặc mua để chăn nuôi thì việc di dời chăn nuôi ra khỏi địa bàn thành phố sẽ được thực hiện một cách nhanh chóng". Anh Phạm Hồng Phương, một chủ trang trại chăn nuôi hơn 3.000 con heo tại phường An Bình tự liên hệ mua đất tại xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu) để lập trang trại cũng cho biết, trong quá trình tiến hành di dời về địa bàn mới, anh đã gặp không ít khó khăn, nhất là đối với các thủ tục pháp lý về đất đai xây dựng, vay vốn ngân hàng và xin mắc điện sử dụng... Anh cho rằng: "Chăn nuôi trang trại cần vốn đầu tư ban đầu rất lớn và phải tận dụng các phụ phẩm từ chăn nuôi để tăng thu nhập, đồng thời phải thực hiện bảo vệ môi trường, mà cụ thể là thực hiện mô hình VAC-B (kết hợp vườn, ao, chuồng và hệ thống bioga) để đạt mức thu nhập tối đa. Do đó, cần phải có một diện tích đất rộng lớn, xa khu dân cư, thời gian chăn nuôi ổn định lâu dài. Mặt khác, người chăn nuôi cũng rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước về giá mua hoặc cho thuê đất, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện các thủ tục pháp lý về đất đai, xây dựng, vệ sinh phòng dịch và được vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư cơ sở ban đầu".

Ông Phạm Hữu Tâm, Phó chủ tịch UBND phường Hố Nai cho biết, đa số người chăn nuôi ở TP. Biên Hòa hiện nay đều mong muốn Nhà nước quy hoạch một khu chăn nuôi tập trung lâu dài và ổn định ngoài địa bàn thành phố. Có như thế họ mới mạnh dạn đầu tư hệ thống chuồng trại, thực hiện các biện pháp xử lý về vệ sinh môi trường một cách đồng bộ, nhằm phát triển chăn nuôi một cách lâu dài và bền vững.

Đặng Thị Kim Hồng

     

 

Tin xem nhiều