Chúng tôi có mặt tại huyện Cẩm Mỹ điểm nóng về dịch lở mồm long móng (LMLM) của tỉnh vào một ngày giữa tháng 6. Ông Nguyễn Văn Tạo, Trưởng phòng kinh tế huyện cho biết, tình hình dịch bệnh vừa mới lắng xuống ở Long Giao thì nay lại bùng lên ở xã Nhân Nghĩa và ấp 1, xã Xuân Đường.
Chúng tôi có mặt tại huyện Cẩm Mỹ điểm nóng về dịch lở mồm long móng (LMLM) của tỉnh vào một ngày giữa tháng 6. Ông Nguyễn Văn Tạo, Trưởng phòng kinh tế huyện cho biết, tình hình dịch bệnh vừa mới lắng xuống ở Long Giao thì nay lại bùng lên ở xã Nhân Nghĩa và ấp 1, xã Xuân Đường. Trong 2 ngày 13 và 14-6, xã Nhân Nghĩa có đến 300 con heo bệnh bị đốt..., nâng tổng số heo bệnh phải tiêu hủy của toàn huyện lên 1.410 con. Hiện nay, ngoài các chốt kiểm dịch trên địa bàn hai xã Nhân Nghĩa và Long Giao, huyện còn lập mới 5 chốt trên địa bàn. Đó là chưa kể ở hai đầu quốc lộ 56 đều có chốt do cảnh sát giao thông và cán bộ thú y hoặc cán bộ nông nghiệp trực 24/24. Huyện cũng đang thực hiện tiêu hủy toàn bộ heo bệnh vận chuyển qua những xã này và khuyến cáo các cơ sở giết mổ, buôn bán thịt gia súc ngừng hoạt động để tập trung cho công tác phòng ngừa lây lan. Ông Nguyễn Nhựt Lộc, Trưởng trạm thú y huyện Cẩm Mỹ cũng cho biết: "Hiện nay lượng vắc xin tiêm phòng về ba xã Long Giao, Nhân Nghĩa và Xuân Đường mới chỉ có 6.000 liều, nên lực lượng thú y đang tập trung khử độc sát trùng liên tục tại 3 xã này mỗi tuần 2 lần bằng thuốc sát trùng loại mạnh".
Gặp chúng tôi, ông Lê Văn Thơ, ngụ tại xã Long Giao- một hộ có đến 74 con heo bị bệnh phải tiêu hủy - đã chỉ cho xem những ô chuồng trống rỗng rồi bùi ngùi nói: "Gia tài, công sức của cả gia đình đổ vào đó cả. Bây giờ tiêu hủy hết, coi như trắng tay, chưa kể phải mang nợ ngân hàng tiền mua heo giống và nợ tiền cám. Không biết bao giờ mới có thể ngóc đầu lên được". Anh Trần Văn Hòa (xã Xuân Đường) có chuồng trại chăn nuôi nằm trong vùng đệm, tiếp giáp với vùng dịch Long Giao, Nhân Nghĩa cũng tỏ ra khá lo lắng: "Gia đình nuôi 150 con nái, mỗi ngày có vài chục heo con được sinh ra hiện đang cần lượng vắc-xin khoảng 400 liều để tiêm phòng cho heo con tránh dịch, nhưng cả tháng nay chạy đủ nơi vẫn không tìm đâu ra vắc-xin để tiêm phòng". Còn anh Nguyễn Hồng Tuyến ở ấp 1, xã Nhân Nghĩa mới "đau" khi khu trại chăn nuôi của nhà anh nằm riêng lẻ trên mảnh đất xa đường lộ, xa những hộ dân chăn nuôi khác, nhưng đùng một cái, 65 con heo thịt đang lớn, khỏe mạnh của anh xuất hiện bệnh LMLM. Thì ra, dù nằm xa mầm bệnh lây lan, nhưng do những hộ có vườn cà phê và cây ăn trái xung quanh có đổ nước phân heo lấy từ những vùng dịch về khiến cho đàn heo nhà anh bị nhiễm bệnh.
Hiện nay, do số heo bệnh cần tiêu hủy khá lớn, trong khi quỹ đất của các xã còn hạn chế nên UBND huyện phải "cầu cứu" đến các nông trường cao su Hàng Gòn, Cẩm Đường. Chị Trương Thị Quyên, cán bộ nông nghiệp - thủy lợi xã Nhân Nghĩa, người trực tiếp lo chuyện "chôn cất" heo bệnh, cho biết: "Nhà nước khoán gọn việc tiêu huỷ một con heo bệnh dù lớn nhỏ gì cũng là 50.000 đồng, trong khi chúng tôi phải lo đủ thứ: nào là tiền củi, dầu, thuê xe vận chuyển heo từ nhà dân ra hố đốt, nhất là việc thuê nhân công đập chết heo, khiêng xác lên xe và xốc heo bệnh xuống hố đốt rất khó tìm người. Chúng tôi đã phải thuê với giá từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng/người/ngày tiêu hủy nhưng cũng khó kiếm, vì nhiều người sợ heo chết lây bệnh sang cho mình, cho heo. Huyện đã tạm ứng 5 triệu cho việc tiêu hủy heo bệnh, nhưng chi phí lên đến 7 triệu đồng rồi".
Trong khi đó, huyện cũng đang rất vất vả đối phó với tình trạng một số thương lái đi tung tin: nhà nước bồi thường thiệt hại cho dân có heo bị bệnh phải tiêu hủy là 10.000đồng/ký nhưng huyện sẽ trừ các chi phí như: tiền củi, dầu, công đốt..., cuối cùng bà con chỉ còn lại 2-3.000 đồng/ký thôi, bán cho thương lái được 5-6.000 đồng vẫn lãi hơn (!). Thực tế, không ít hộ dân có heo bệnh đã xiêu lòng, không báo với xã để tiêu hủy mà bán cho thương lái. Nhiều cuộc mua bán diễn ra vào lúc 1-2 giờ đêm nên rất khó phát hiện. Huyện phải phát loa truyền thanh mỗi ngày 3 lần về các chủ trương, chính sách và mức hỗ trợ của nhà nước, đề nghị người dân nâng cao nhận thức trong việc phòng chống dịch bệnh nên nhiều người đã hiểu và không tiếp tục bán cho thương lái. Tuy nhiên, có một khó khăn mới, là tình trạng heo khỏe đến lứa xuất chuồng ở các xã Bảo Bình, Xuân Bảo nằm ở vùng đệm khi vận chuyển qua các chốt thuộc huyện Xuân Lộc thì địa phương này không cho qua, dẫn đến lượng heo tồn đọng lớn. Có mặt tại buổi làm việc vào ngày 14-6, ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh cho biết, việc làm đó của huyện Xuân Lộc là sai chủ trương. Các chốt này chỉ làm nhiệm vụ kiểm dịch và ngăn chặn heo bệnh, chứ không được phép "ngăn sông cấm chợ", Sở sẽ có công văn chỉ đạo huyện Xuân Lộc phải sửa chữa việc này. Đối với việc phòng chống dịch tại huyện Cẩm Mỹ, ông Báu yêu cầu cần phải tăng cường công tác phun xịt khử độc, tiêu trùng. Đồng thời, phải tăng cường thông tin tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức trong việc phòng chống dịch, tự bảo quản đàn heo của mình bằng mọi cách.
Phương Liễu