Đối với ông Nguyễn Văn Lộc ở xã Hàng Gòn, thị xã Long Khánh, việc trồng ca cao dường như là duyên nợ. Vốn quen với nghề trồng cà phê và cây trồng này đã từng góp phần cải thiện kinh tế gia đình ông trong nhiều năm nhưng do điệp khúc "được mùa mất giá" diễn ra thường xuyên, thua lỗ kéo dài 5-6 năm, nên ông Lộc chuyển 4 hécta cà phê sang trồng sầu riêng, tiêu. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn chưa yên, do cây tiêu và sầu riêng bị dịch bệnh, ông lại nản chí...
Đối với ông Nguyễn Văn Lộc ở xã Hàng Gòn, thị xã Long Khánh, việc trồng ca cao dường như là duyên nợ. Vốn quen với nghề trồng cà phê và cây trồng này đã từng góp phần cải thiện kinh tế gia đình ông trong nhiều năm nhưng do điệp khúc "được mùa mất giá" diễn ra thường xuyên, thua lỗ kéo dài 5-6 năm, nên ông Lộc chuyển 4 hécta cà phê sang trồng sầu riêng, tiêu. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn chưa yên, do cây tiêu và sầu riêng bị dịch bệnh, ông lại nản chí...
Năm 2001, qua các phương tiện thông tin đại chúng, ông Lộc biết được chương trình phát triển cây ca cao. Nhưng mãi đến năm 2003, ông mới mạnh dạn mua cây giống về trồng, vì trước đây ông còn mù mờ cả về thị trường tiêu thụ lẫn kỹ thuật trồng ca cao. Thế là ông tìm đến Tiến sĩ Phạm Hồng Đức Phước, chủ nhiệm chương trình ca cao của Trường đại học nông lâm TP. Hồ Chí Minh để tìm hiểu về kỹ thuật trồng, chọn giống và đăng ký tham dự nhiều khóa học về kỹ thuật trồng, lên men ca cao...
Khi nắm được kỹ thuật trồng, cũng như biết được nhu cầu thị trường tiêu thụ ca cao, ông Lộc đã quyết định chuyển toàn bộ 4 hécta đất sang trồng ca cao. Trong thời gian này, ông cũng tuyển lựa những cây phát triển tốt để nhân giống và thuyết phục, khuyến khích, kể cả hỗ trợ giống, kỹ thuật cho các hộ gia đình xung quanh cùng trồng ca cao với ông. Bởi theo ông, nếu nhiều hộ cùng phát triển trồng ca cao thì việc tiêu thụ sẽ dễ dàng hơn. Trong năm 2003, ông đã vận động phát triển được 15 hécta ca cao, năm 2004 phát triển lên 30 hécta, năm 2005 là 50 hécta và đến năm 2006 diện tích trồng ca cao tăng lên khoảng 100 hécta...
Ca cao là cây dài ngày, tuổi thọ trung bình hơn 50 năm, chu kỳ kinh doanh hiệu quả có thể kéo dài từ 25-30 năm. Vì vậy, theo ông Lộc, khâu chọn giống là vô cùng quan trọng. Chọn giống không tốt sẽ dẫn đến thiệt hại lâu dài trong suốt quá trình kinh doanh. Hiện nay, giống được sử dụng rộng rãi là hạt lai F1 và các dòng thương mại đã được chọn lọc nhân vô tính. Đây là những dòng có năng suất cao, ít nhiễm sâu bệnh. Ông Lộc cho biết, ca cao rất dễ trồng và cần phải đảm bảo được nước tưới trong mùa nắng. Cây ca cao sinh trưởng tốt dưới bóng che nên có thể trồng xen với một số loài cây ăn trái, cây công nghiệp nhằm tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Nếu trồng trên diện tích đất trống, việc chuẩn bị cây che bóng, cây chắn gió là rất cần thiết. Bên cạnh đó, cũng cần chú ý làm cỏ sạch khi cây còn nhỏ giúp tạo thông thoáng cho vườn cây, hạn chế sự cạnh tranh dinh dưỡng, không có nơi cho côn trùng ẩn nấp phá hoại ca cao. Đầu tư trồng ca cao năm 2003 với tổng chi phí khoảng 62 triệu đồng/ hécta/ 3 năm, đến năm 2006, vườn ca cao của ông Lộc đã cho thu nhập khoảng 120 triệu đồng/ hécta. Sau khi trừ chi phí, ông còn lãi khoảng 58 triệu đồng/hécta. Một số công ty thu mua sản phẩm hạt ca cao cũng đã tìm đến ông Lộc đặt vấn đề tiêu thụ sản phẩm ca cao hạt thay vì trước đây ông phải chạy vạy lo đầu ra. "Hiện nay, nhiều hộ đang có hướng phát triển cây ca cao sẽ góp phần tạo ra khối lượng hàng hóa lớn nên càng dễ tiêu thụ hơn, đó là một tín hiệu đáng mừng" - ông nói.
P.Trang