Một bác nông dân ở xã Thừa Đức, huyện Cẩm Mỹ gặp Người nông thôn (NNT) tui hỏi
Một bác nông dân ở xã Thừa Đức, huyện Cẩm Mỹ gặp Người nông thôn (NNT) tui hỏi:
- Anh có hay biết gì về chuyện "3 tăng, 3 giảm" không?
- Có phải bác hỏi về mô hình trồng lúa "3 tăng, 3 giảm?".
- Đúng rồi, tui nghe nói ứng dụng mô hình đó hiệu quả lắm: giảm được giống gieo sạ, giảm phân bón và giảm thuốc trừ sâu. Những khoản chi phí đầu vào đó mà giảm được thì tốt cho nhà nông quá đi, nhất là đối với phân bón và thuốc trừ sâu, cứ dăm bữa lại thấy tăng giá làm cho nhà nông tụi tui ngán quá! Nhưng tui cũng hơi thắc mắc, giảm chi phí đầu tư thì làm sao mà có năng suất, tăng chất lượng và tăng hiệu quả kinh tế được?
- Nhiều người cũng băn khoăn như bác vậy đó. Nhưng theo một số nhà khoa học đã phân tích thì không phải cây trồng nào cứ bón nhiều phân, xịt nhiều thuốc là cho năng suất đâu. Việc bón phân cho cây chỉ nên bón đúng và đủ, nếu bón nhiều quá sẽ bị dư thừa, cây hấp thụ không hết dẫn đến lãng phí. Phải bón theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây với những loại phân cho phù hợp, như vậy mới đạt hiệu quả cao. Sử dụng thuốc trừ sâu cũng vậy, nếu lạm dụng, chúng sẽ diệt hết thiên địch (loại sinh vật ăn sâu). Như vậy, vô tình mình tạo điều kiện cho sâu phát triển. Đó là việc làm tốn kém mà không mang lại hiệu quả kinh tế. Nhiều nơi ứng dụng mô hình "3 tăng, 3 giảm" này người trồng lúa đã tăng thu nhập bình quân lên 1 triệu đồng/hécta.
- Nhưng đó mới ở cây lúa, còn những cây trồng khác thì sao?
- Với cây trồng khác thì mới đây Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Cục Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông quốc gia nghiên cứu và xây dựng quy trình cho cây bắp, đậu xanh, đậu nành và một số cây trái.
- Thế thì tốt quá, trông cho sớm có những quy trình đó, nhất là đối với cây ăn trái vì lượng đầu tư phân bón và thuốc trừ sâu cho loại cây này lớn hơn nhiều so với lúa hoặc các cây hoa màu khác.
NNT