Là một xã nông nghiệp có hơn 1.000 hécta lúa nước nhưng do ảnh hưởng triều cường vào tháng 7, 8, 9 âm lịch nên xã Tam An (huyện Long Thành) chỉ gieo trồng được 2 vụ: hè thu và đông - xuân, thu nhập của nông dân đạt thấp. Để khắc phục tình trạng này, anh Ngô Văn Lắm, một cộng tác viên khuyến nông sau nhiều năm nghiên cứu đã thực hiện thành công mô hình nuôi cá trong ruộng lúa và thu lãi tới hơn 17 triệu đồng/ hécta...
Là một xã nông nghiệp có hơn 1.000 hécta lúa nước nhưng do ảnh hưởng triều cường vào tháng 7, 8, 9 âm lịch nên xã Tam An (huyện Long Thành) chỉ gieo trồng được 2 vụ: hè thu và đông - xuân, thu nhập của nông dân đạt thấp. Để khắc phục tình trạng này, anh Ngô Văn Lắm, một cộng tác viên khuyến nông sau nhiều năm nghiên cứu đã thực hiện thành công mô hình nuôi cá trong ruộng lúa và thu lãi tới hơn 17 triệu đồng/ hécta...
Trên 1 hécta đất lúa của mình, anh Lắm đào mương bề rộng 3m, sâu 1,5m theo chiều dài đám ruộng để nuôi cá (chiếm 1.200m2) còn lại 8.800m2 trồng lúa. Vụ hè thu 2005, anh sạ 80kg lúa giống VN 99-3 bằng công cụ sạ hàng và áp dụng biện pháp IPM, bón 250kg phân lân super, 150kg urê, 100kg kali theo quy trình do Trung tâm khuyến nông hướng dẫn (10, 20, 40 ngày sau khi sạ). Nhờ đó, năng suất lúa hè thu đạt 4,5 tấn/ hécta. Để nuôi cá, anh mua về ươn ở ao nhỏ với số lượng cá thả là 6.000 con (20kg), theo tỷ lệ: 50% cá trắm cỏ (3.000 con), 30% cá chép (2.000 con); 20% cá rô phi (1.000con). Thức ăn lúc cá còn nhỏ là 10 bao cám viên (giá mỗi bao là: 220.000đ) kết hợp cho ăn thêm cám gạo tấm. Tổng chi phí tiền cá giống và thức ăn do anh đầu tư đã lên đến: 8.530.000đ. Anh Lắm cho biết, cá mua về ươn được anh cho ăn thức ăn viên cách 30 ngày khi bắt đầu sạ lúa. Khi lúa 1 tháng tuổi giữ nước trong ruộng cao khoảng 10cm cho cá lên ruộng để ăn. Lúc này, anh không cho cá ăn cám viên nữa, chỉ cắt cỏ cho cá ăn mỗi ngày. Khi cá lớn, tăng mực nước trong ruộng dần lên và thu hoạch lúa hè thu xong chờ cho lúa chét lên chồi thì tăng mực nước lên 20- 30cm. Cá trắm cỏ ăn lúa chét và cỏ, cá rô phi ăn lúa và trùn đất, cá chép tìm mồi và sụt bùn ở tầng đáy làm gốc rạ cho chóng mục, đổ ngã. Đến khi không còn gốc rạ nào đứng trên ruộng thì bắt đầu dồn gốc rạ vào bờ, hốt lên và làm đất cho vụ sau (chỉ cần gạn nước và móc rãnh cho nước thoát, sang bằng mặt ruộng và sạ lúa như lần trước).
Vào đầu tháng 3-2006, anh Lắm thu hoạch lúa đông xuân và cuối tháng 3 anh bắt đầu thu hoạch cá. Những con cá trắm cỏ lúc đó đã có trọng lượng trung bình từ 1 - 1,2kg/con, cá chép và cá rô phi từ 0,5 - 1kg/con. Sản lượng cá anh thu hoạch được sau hai vụ lúa lên đến 1.000kg cá trắm cỏ và 800kg cá chép, cá rô phi, trị giá tổng cộng 24 triệu đồng. Anh lắm nói: "Diện tích trồng lúa tuy mất đi 1.200m2 nhưng bù lại, tui đã đào được mương nên ruộng lúa không bị phèn; lập bẫy cây trồng đúng kỹ thuật không sợ chuột; năng suất lúa không mất đi mà còn tăng 200kg/hécta. Đó là chưa kể còn giảm được chi phí thuốc BVTV; giảm chi phí làm đất và giảm lượng phân bón trên ruộng". Chính nhờ đó, tổng thu từ lúa và cá trên một hécta ruộng của anh đã đạt tới 26.150.000đ, trừ chi phí tổng cộng 8.530.000đ, anh còn lãi được 17.620.000đ. Đây là mô hình có hiệu quả cao cần được nhân rộng ra cho các xã vùng lúa cặp sông Đồng Nai trong thời gian tới khi có đê bao tiểu vùng.
Nguyễn Văn Dừa (Trạm khuyến nông Long Thành)