Sau hơn 1 năm cây vông bị bệnh do ong ký sinh gây nên, đến nay ở Đồng Nai có khoảng 90% cây vông đã bị chết. Vông chết kéo theo hàng loạt vườn tiêu bị sụp đổ do nhiều nhà vườn đã sử dụng cây vông làm nọc cho tiêu leo.
Sau hơn 1 năm cây vông bị bệnh do ong ký sinh gây nên, đến nay ở Đồng Nai có khoảng 90% cây vông đã bị chết. Vông chết kéo theo hàng loạt vườn tiêu bị sụp đổ do nhiều nhà vườn đã sử dụng cây vông làm nọc cho tiêu leo.
* Vông chết, tiêu cũng...ra đi!
Mấy trận mưa kèm theo gió mạnh vào cuối tháng 3 vừa qua đã làm cho vườn tiêu của ông Nguyễn Văn Viên ở ấp Trung Tâm, xã Xuân Lập (thị xã Long Khánh) gãy đổ ngổn ngang. Những cây vông to có đường kính tới 40cm cũng chết trơ cành, vỏ cây tróc ra, tiêu sụp xuống gốc. Ông Viên cho biết trong ít ngày tới, ông phải chặt bỏ hết vườn tiêu vì không thể mua được nọc thay thế. Một số vườn tiêu khác gần nhà ông Viên cũng có hiện tượng cây vông đổ lềnh khềnh khắp vườn Ông Viên nói sở dĩ các chủ vườn tiêu ở đây bỏ mặc cho tiêu sụp đổ do không mua được nọc thay thế và chi phí cho việc thay nọc cũng tốn khá nhiều tiền. Còn ông Nguyễn Đăng Phùng, chủ của 500 nọc tiêu ở ấp Thọ Tân, xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc) cũng đang trong tâm trạng như "ngồi trên lửa" khi những cây vông làm nọc cho tiêu leo trong vườn của mình đã chết hết. Ông Phùng cho biết, có nhiều gốc tiêu ông đã thay đến nọc vông thứ 4 nhưng vẫn bị chết. Trong vườn của ông Phùng cây tiêu bé nhất cũng được 4 năm tuổi, còn phần lớn đều có tuổi từ 8-10 năm. Nhưng cây tiêu đồ sộ nặng hàng tạ lá ôm lấy thân cây vông chết khô đang tuột dần từng lớp vỏ. Ông nói: "Vườn tiêu của tôi hoàn toàn sử dụng cây vông làm nọc nên rất gay go. Hiện tại, vông đã chết hết. Để thay hết số nọc này bằng cây anh đào hay cây keo lai phải tốn hơn 20 triệu đồng. Nhưng cũng không biết khi thay nọc khác tiêu sẽ ra sao? Sợ thay xong nọc thì tiêu cũng "tiêu" luôn, bị lỗ nặng. Với những gốc tiêu tôi đã thay nọc, năng suất tiêu giảm rất nhiều, chỉ đạt bằng 1/3 so với bình thường. Nếu không thay kịp nọc trước mùa mưa này chắc chắn cả vườn tiêu này sẽ đổ đi hết và lúc đó chỉ có chặt bỏ cả vông lẫn tiêu".
Không chỉ có Xuân Lộc, Long Khánh, Cẩm Mỹ, mà ở huyện miền núi Tân Phú nhiều nhà vườn trồng tiêu cũng đang điêu đứng. Điển hình như ở xã Trà Cổ, hàng chục năm nay nhiều hộ nông dân ở đây đã xem tiêu là một trong những cây trồng chủ lực và đời sống phát triển cũng nhờ vào loại cây này. Vậy mà từ hơn 1 năm nay, hầu hết những vườn tiêu xanh tốt ở xã Trà Cổ đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ, do cây vông đang rụi dần. Điển hình như vườn của ông Ngô Văn Liên ở ấp 2 có trên 600 gốc tiêu, những năm trước, ông thu hoạch hơn 1 tấn tiêu/vụ, nhưng năm nay mót hết vườn ông cũng chỉ thu được 3 tạ tiêu, giảm hơn 2/3! Ông Liên ngậm ngùi: "Tôi lập vườn tiêu này đã 28 năm nay rồi, dịch bệnh trên cây tiêu rồi cũng qua, còn bệnh trên cây vông thì nay mới gặp, phun đủ thứ thuốc vẫn không cứu được. Mà không riêng gì tôi, ở xã Trà Cổ vườn tiêu của ai cũng gặp phải tình trạng này". Cả vườn tiêu của ông Liên đến nay đã phá bỏ đến hơn 70% vì cây vông chết. Nhiều cây vông bị bệnh đến nỗi có những cây cao 4 - 5 mét cứ xoắn đọt và nổi những đốt u sần một thời gian rồi chết rục. Cả bụi tiêu xum xuê bám trên cây cứ thế tuột xuống dồn thành đống dưới gốc. Có cây bị gãy, ngã đè lên những bụi tiêu khác. Ông Liên chua xót "đau lắm nhưng biết làm sao, bây giờ mà trồng lại vườn tiêu cũng mất 4 năm mới gầy dựng lại được".
Đối diện nhà ông Liên là vườn tiêu của bà Tư Cầu cũng rơi vào cảnh tương tự. Vườn tiêu của bà rộng 4 sào, nhưng nay cũng đã mất đi phân nửa vì cây vông chết. Vườn tiêu của anh Huỳnh Văn Tiên ở ấp 1 cũng đã rụi gần hết. Cả vườn tiêu rộng hơn 2 sào trồng toàn tiêu, nhưng bây giờ chỉ còn lác đác vài chục gốc tiêu.
* Khó khăn vực dậy
vườn tiêuToàn tỉnh Đồng Nai có khoảng 5.300 hécta tiêu với sản lượng hàng năm gần 9.450 tấn, đứng nhất nhì các tỉnh miền Đông, trong đó diện tích sử dụng cây vông làm nọc chiếm khá lớn, do vậy khi cây vông bị bệnh chết, nhiều hộ trồng tiêu hết sức lo lắng. Không chỉ nhà vườn "bó tay" với việc cây vông chết, mà ngay cả cơ quan quản lý nông nghiệp cũng "lắc đầu". Ông Trần Bá Đạt, Phó phòng kinh tế huyện Tân Phú nói: "Chúng tôi biết nhiều nơi trồng tiêu ở huyện Tân Phú đã xuất hiện tình trạng bệnh trên cây vông nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp kỹ thuật nào khác để khắc phục". Các cán bộ bảo vệ thực vật Đồng Nai đã đi khảo sát thực địa nhiều lần cũng bó tay. Do vậy, việc thay nọc cho các vườn tiêu non (chỉ khoảng vài năm tuổi) đang là một nỗi lo lớn của các nhà vườn ở đây. Hiện tại các loại cây có thể làm nọc cũng đang khan hiếm dần và đang tăng giá. Vông chết, để cứu tiêu, nhiều hộ nông dân ở Trà Cổ đã tìm mua cây bông gòn để lồng vào thay thế. Nhưng biện pháp này cũng chỉ áp dụng được với những gốc tiêu còn non và cây bông gòn cũng ít nên người bán hét giá quá cao, khiến các chủ vườn tiêu chỉ còn cách ngậm ngùi nhìn cây vông chết. Còn các chủ vườn ở Xuân Lộc, Long Khánh thì tìm cây keo lai và anh đào làm nọc thay thế cây vông, nhưng các loại cây này không tìm đâu ra nhiều và hiện tại một cây keo lai hay cây anh đào có giá từ 35 - 40 ngàn đồng/cây, tăng lên 10 ngàn đồng/cây so với trước Tết.
Không có cây vông, các cây thay thế khác thì khan hiếm và giá cao, việc phục hồi các vườn tiêu trong tỉnh đang trở nên hết sức khó khăn. Không biết những năm tới, cây tiêu có còn là cây trồng có thế mạnh ở Đồng Nai?
Mạnh Thắng - Khắc Giới