Báo Đồng Nai điện tử
En

Nguồn nguyên liệu “đầu vào”-yếu tố cần thiết cho một nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm

09:04, 12/04/2006

Đồng Nai được xem là “thủ phủ” của ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm ở các tỉnh, thành phía Nam, vì vậy việc xây dựng một nhà máy giết mổ gia súc gia cầm hiện đại, có công suất lớn là cần thiết...

Với hơn 1 triệu con heo và khoảng hơn 10 triệu gia cầm (trước khi xảy ra dịch cúm), Đồng Nai là một tỉnh rất thuận lợi cho việc xây dựng nhà máy giết mổ tập trung.

Đồng Nai được xem là “thủ phủ” của ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm ở các tỉnh, thành phía Nam, vì vậy việc xây dựng một nhà máy giết mổ gia súc gia cầm hiện đại, có công suất lớn là cần thiết...

Ông Phùng Khôi Phục, thành viên HĐQT Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai, giám đốc Công ty cổ phần nông súc sản Đồng Nai, người được giao lập dự án xây dựng nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm cho biết, nhà máy sẽ được xây dựng tại một khu đất rộng khoảng 10 hécta ở xã Đông Hòa, huyện Trảng Bom,  với số vốn gần 36 tỷ đồng. Nhà máy có công suất giết mổ 1.000 con gà/giờ và 100 con heo/ giờ này dự kiến sẽ được hoàn tất và đi vào hoạt động trước Tết Nguyên đán 2007. Với “tham vọng” sản phẩm được chế biến khép kín từ “nhà máy đi thẳng đến bàn ăn”, nên ngoài dây chuyền giết mổ, nhà máy còn có thêm dây chuyền chế biến các loại thực phẩm từ nguồn thịt ở đây. Toàn bộ công nghệ giết mổ gia súc gia cầm và chế biến thực phẩm được đầu tư mới hoàn toàn theo tiêu chuẩn của châu Âu hoặc Mỹ để có khả năng cạnh tranh cao và phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Nếu thực hiện được như trên, thì đây sẽ là một nhà máy có công suất lớn nhất, nhì so với các nhà máy giết mổ ở phía Nam hiện nay. Ông Phục nói: “Qua khảo sát ở một số tỉnh, thành phía Nam thì TP. Hồ Chí Minh có khoảng 4 đơn vị giết mổ gia cầm với công suất khoảng 500 con/giờ. Riêng về giết mổ gia súc thì chỉ có Vissan là nhà máy lớn nhất hiện nay với dây chuyền khép kín. Còn ở các tỉnh khác thì quy mô nhỏ hơn rất nhiều”. Tại Đồng Nai, hiện cũng đang có 5 đơn vị giết mổ heo thủ công, có công suất từ 50-100 con/ ngày, còn hầu hết là các điểm khác đều giết mổ nhỏ lẻ theo kiểu gia đình (khoảng 20 con/ngày). Đối với gia cầm, ngoài Công ty Long Bình, ở Đồng Nai chưa có nơi nào đầu tư vào lĩnh vực này mà hầu hết là giết mổ ngay tại các chợ.

Khi bàn về việc xây dựng nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến thực phẩm tại Đồng Nai, Giáo sư, tiến sĩ Trần Thế Thông, Hội phó Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, xây dựng nhà máy là cần thiết, vì nó sẽ mở đường cho ngành chăn nuôi phát triển. Giáo sư Thông nói: “Đồng Nai là ngọn cờ đầu trong chăn nuôi của cả nước, có số lượng gia súc, gia cầm lớn; có trình độ chăn nuôi cao. Như vậy không có lý gì mà không có nhà máy giết mổ và chế biến hiện đại. Ở Pháp, từ lâu chỉ có 3 công ty giết mổ và chế biến nhưng đã đảm bảo việc cung cấp lượng thịt gia cầm cho cả nước”.

Tuy nhiên, có một vấn đề cần hết sức quan tâm khi xây dựng nhà máy, đó là nguyên liệu đầu vào. Thực tế cho thấy, đã có không ít nhà máy phải trả giá khá đắt khi không tính toán kỹ việc quy hoạch vùng nguyên liệu phục vụ đầu vào. Điển hình như Công ty mía đường Trị An; Nhà máy chế biến ngũ cốc Grainco đặt tại Long Khánh; Công ty liên doanh giết mổ heo và gà Long Bình... Đối với Đồng Nai, nơi hiện có hơn 3.200 trang trại với đàn heo phát triển lên đến hơn 1 triệu con, hàng năm cung cấp cho thị trường 113 ngàn tấn heo hơi như hiện nay thì đây là một tỉnh có nguồn nguyên liệu khá dồi dào (còn đàn gà, tuy có giảm do ảnh hưởng dịch cúm gia cầm nhưng vẫn còn hơn 4,6 triệu con nuôi theo mô hình công nghiệp). Cho nên, vấn đề đặt ra là phải có sự phối hợp chặt chẽ bằng hợp đồng kinh tế giữa các trại chăn nuôi với nhà máy giết mổ, chế biến.

Ông Nguyễn Văn Giàu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng, Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai phải tự chuẩn bị cho nhà máy khoảng 80% nguyên liệu đầu vào thì mới đảm bảo được sự ổn định sản xuất, giúp nhà máy hoạt động không bị gián đoạn. Ông nói: “Không thể chỉ dựa vào việc mua gom nguyên liệu từ các trang trại trong dân được, vì nguồn nguyên liệu này sẽ không ổn định. Bởi vậy, muốn hoạt động có hiệu quả, nhà máy cần phải quy hoạch vùng chăn nuôi để giải quyết nguyên liệu đầu vào một cách vững chắc”.

Vân Nam

 

 

Tin xem nhiều