Có thể nói, trong những năm gần đây, ngành Nông nghiệp đã có nhiều nỗ lực trong việc đẩy mạnh thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ.
Có thể nói, trong những năm gần đây, ngành Nông nghiệp đã có nhiều nỗ lực trong việc đẩy mạnh thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ. Trong đó, nổi bật nhất là việc tập trung ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt, đáp ứng được yêu cầu của thị trường, kể cả việc sử dụng các loại giống, các chế phẩm sinh học và các loại vắc xin (virút, vi trùng, nấm) để diệt trừ, hạn chế sâu bệnh phá hại cây trồng và phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm...
* Từ các chương trình đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học...
Theo Sở Nông nghiệp-phát triển nông thôn (NN-PTNT), những năm qua, nguồn ngân sách được tỉnh đầu tư cho các công trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phục vụ sản xuất nông nghiệp đã đạt bình quân từ 1-1,5 tỷ đồng/năm. Nhiều chương trình nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp, nhất là sử dụng giống mới và các chế phẩm sinh học, từ đó đã được các đơn vị triển khai thực hiện, đáp ứng phần nào yêu cầu thực nghiệm, tổ chức đưa vào sản xuất đại trà. Trong đó, đáng kể nhất là các đề tài: thâm canh dứa Cayen phục vụ cho công nghiệp chế biến và sử dụng ấu trùng Hermatia illucens để xử lý phân heo và trâu bò (của Nông trường Thọ Vực); ứng dụng nấm Trichoderma phòng trừ bệnh thối gốc, chảy mủ, chết thân, lở cổ rễ trên một số cây trồng (của Chi Cục bảo vệ thực vật); nghiên cứu sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá (của Công ty Thủy sản); nghiên cứu khả năng thích ứng và sinh trưởng phát triển cây tre Bát Độ ở Đồng Nai (của Trung tâm Khuyến nông); mô hình sản xuất bưởi bằng phương pháp nhân giống vô tính (của Công ty giống cây trồng)...
Bên cạnh đó, công tác chuyển giao, ứng dụng công nghệ sinh học và các tiến bộ khoa học kỹ thuật khác cũng đã được chú trọng đúng mức. Trong 5 năm (2001-2005), toàn tỉnh đã tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho 68,8 ngàn lượt người; in và phát hành 277 ngàn tờ tài liệu bướm, tập san khuyến nông; xây dựng 2.912 điểm trình diễn kỹ thuật, 675 điểm khảo nghiệm; sử dụng 7.100 liều tinh bò cao sản để phối giống; xây dựng 344 điểm thụ tinh nhân tạo heo, đào tạo 336 cộng tác viên khuyến nông... Ngoài ra, để mở rộng, nâng cao năng lực sản xuất giống cho các doanh nghiệp, tỉnh cũng đã đầu tư hơn 36,4 tỷ đồng để các đơn vị nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật và đổi mới quy trình công nghệ. Trong đó, riêng Xí nghiệp chăn nuôi heo Phú Sơn (nay là Công ty cổ phần chăn nuôi Phú Sơn) nhờ đầu tư hơn 6,8 tỷ đồng (gồm 4,2 tỷ đồng do ngân sách cấp và 2,6 tỷ đồng vốn của xí nghiệp), 5 năm qua đã thực hiện xây lắp 4.112m2 chuồng trại, 1.606,5m2 đường nhựa, 320m đường điện, 587m đường mương thoát nước....
*...Đến những kết quả thiết thực ban đầu
Thông qua các chương trình đầu tư, chuyển giao nói trên, đến nay nông dân Đồng Nai đã biết sử dụng rộng rãi các giống mới và các chế phẩm vi sinh khác trong trồng trọt, chăn nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hạn chế gây ô nhiễm môi trường và tiết kiệm được một khoản chi phí khá lớn trong bảo vệ thực vật, phòng trừ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh từ đó đã có sự chuyển dịch đúng hướng theo tinh thần Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh. Cụ thể, theo Sở NN-PTNT, toàn tỉnh đến nay đã có gần 100% diện tích các loại cây ngắn ngày (như: lúa, đậu các loại, bắp, mía, khoai mì) được gieo trồng bằng giống mới; một số loại cây dài ngày (như: cao su, cà phê, điều, tiêu và các loại cây ăn trái khác...) cũng đã được tuyển chọn nguồn giống cho năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng kháng bệnh tốt, phù hợp với từng vùng sinh thái của tỉnh. Đặc biệt, trong chăn nuôi, nhờ triển khai ứng dụng rộng rãi công nghệ thụ tinh nhân tạo cho heo, bò (thay thế dần cho việc sử dụng đực phối giống trực tiếp) đã góp phần nhân nhanh các giống tốt. Trong đó, riêng các giống heo thuần như:
Sản lượng các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh nhờ đó đã tăng lên rất nhanh. Năm 2005, sản lượng bắp toàn tỉnh đã đạt tới 295.770 tấn (tăng bình quân giai đoạn 2001- 2005 là 4,45%/năm); khoai mì đạt 414.350 tấn (tăng bình quân 8,64%/năm); điều đạt 48.426 tấn (tăng 21,01%/năm); tiêu đạt 8.858 tấn (tăng 30,58%/năm); chôm chôm đạt 108.579 tấn (tăng 17,07%/năm); sầu riêng đạt 14.758 tấn (tăng 27,49%/năm)...Trong chăn nuôi, đàn gia súc, gia cầm cũng tăng cả về số lượng đàn, lẫn chất lượng sản phẩm. Trong đó, đã phát triển lên tới 86.639 con bò (tăng bình quân giai đoạn 2001- 2005 là 10,24%/năm); hơn 1,14 triệu con heo (tăng 14,44%/năm). Đặc biệt, nhờ tích cực đưa giống mới vào sản xuất, tỷ lệ nạc hóa trên heo thịt đã được nâng lên khá cao, độ dài mỡ lưng ở heo thịt giảm từ 2 đến 2,2 mm, tương đương giảm 2 - 2,2 kg mỡ/con và rút ngắn dần thời gian xuất chuồng. Đàn gà chăn thả giống mới cũng đã đạt trọng lượng 1,8-2 kg/con trong 10 - 12 tuần tuổi, chất lượng tốt, phù hợp với thị trường.
* Vấn đề còn lại...
Nhờ ứng dụng công nghệ sinh học, đến nay đàn heo lai ngoại ở Đồng Nai đã chiếm tới 90% cơ cấu đàn heo của tỉnh. |
Tuy đã đạt được một số kết quả nhất định, song theo đánh giá chung của ngành và theo các nhà chuyên môn, việc ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp và tiềm lực về nghiên cứu công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh đến nay vẫn còn hạn chế, lượng giống mới sản xuất chưa nhiều, chưa đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ sản xuất. Năng suất các loại cây trồng, vật nuôi ở Đồng Nai tuy có bước tăng trưởng nhưng vẫn chưa bắt kịp các nước trong khu vực. Độ đồng đều và chất lượng của sản phẩm chưa cao, chưa tạo được các thương hiệu ổn định đối với những nông sản chính. Chính những hạn chế này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa nông sản của tỉnh....
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Giàu, Giám đốc Sở NN-PTNT, mặc dù thực tế tỉnh đã hình thành được các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung gắn với công nghiệp chế biến (như bắp, khoai mì, mía, cao su, điều, chăn nuôi heo...) nhưng đến nay vẫn còn một số loại nguyên liệu chưa đáp ứng đủ nhu cầu chế biến trên địa bàn. Trong đó, cây bắp và khoai mì hiện chỉ mới đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu của ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi. Ông Giàu cho biết, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất để tạo ra các sản phẩm có năng suất cao, chất lượng tốt và đồng đều để đáp ứng yêu cầu của công nghiệp chế biến đòi hỏi phải có nguồn vốn đầu tư rất lớn. Thế nhưng đa số nông dân hiện nay lại thiếu vốn sản xuất, không có khả năng đầu tư; kênh tín dụng lại quá hẹp, chưa có cơ chế xác định giá trị quyền sử dụng đất nông nghiệp và giá trị cơ sở vật chất đầu tư trên đất để thế chấp, vay vốn như trong sản xuất công nghiệp nên đã dẫn đến nhiều hạn chế trong việc đẩy nhanh ứng dụng công nghệ sinh học và các biện pháp kỹ thuật khác trong sản xuất nông nghiệp.
Để giải quyết được những vấn đề nêu trên, theo ông Giàu, bên cạnh việc tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng cơ sở thực nghiệm giống cây trồng, vật nuôi; tăng cường công tác khuyến nông, chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ, đưa giống mới vào sản xuất; vận động nông dân xây dựng các vùng nông sản hàng hóa "sạch", ngành cũng đang khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư hình thành các vùng chuyên canh chất lượng cao. Trong đó có cả việc tiếp tục ứng dụng công nghệ nhân giống vô tính trong sản xuất giống cây trồng; phát triển mạnh các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi heo, gà công nghiệp (chuồng kín, giống cao sản...); hình thành cho được các dây chuyền sản xuất heo, gà chất lượng cao và khép kín từ khâu sản xuất con giống, thức ăn, đến tổ chức chăn nuôi, giết mổ và chế biến...
Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, trước mắt ngành NN-PTNT cũng đang đề nghị tỉnh và các ngành có liên quan sớm nghiên cứu, để có cơ chế tạo điều kiện cho người sản xuất có thể vay vốn nhiều hơn để đầu tư mở rộng quy mô, hiện đại hóa quy trình sản xuất. Riêng về phía ngành, Sở NN-PTNT cũng sẽ tiếp tục đầu tư cho công tác đào tạo và đào tạo lại, trang bị những kiến thức khoa học công nghệ và quản lý sản xuất cho cán bộ ngành nông nghiệp; khuyến khích và tạo điều kiện các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, đưa các cơ sở có kỹ thuật cao vào sản xuất...
Hoàn Vũ