Báo Đồng Nai điện tử
En

Thêm một mùa bông vải khó khăn!

09:03, 29/03/2006

Cây bông vải chính vụ của năm 2005 đã thu hoạch xong. Nhưng lại một mùa bông nữa thời tiết không ủng hộ người trồng bông vì những cơn mưa kéo dài ở cuối vụ đã làm thiệt hại khá nhiều cho cả nhà nông và nhà doanh nghiệp.

Bông hạt đang được đưa về chế biến tại công ty.

Cây bông vải chính vụ của năm 2005 đã thu hoạch xong. Nhưng lại một mùa bông nữa thời tiết không ủng hộ người trồng bông vì những cơn mưa kéo dài ở cuối vụ đã làm thiệt hại khá nhiều cho cả nhà nông và nhà doanh nghiệp.

 

Do 2 năm liên tiếp gặp "sự cố" về thời tiết, nên sản lượng và chất lượng bông vải trên địa bàn tỉnh bị giảm đáng kể so với kế hoạch đặt ra. Vụ bông năm 2004, do trời ngưng mưa sớm nên sản lượng đã bị giảm khá nhiều. Sang năm 2005, trời lại mưa kéo dài khiến cho vụ bông vải cũng không được suông sẻ. Anh Tô Thành, một nông dân trồng bông vải, ở ấp 4, xã Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ) người được xem là khá may mắn trong mùa bông vừa qua đã tâm sự: "Do bận nhiều việc quá nên tới mãi ngày 30-8 tôi mới trồng bông vải, chậm hơn mọi người cả nửa tháng. Nghĩ đến cảnh ngưng mưa sớm như năm trước, tôi cũng hơi lo, nào ngờ năm nay, mùa mưa lại kéo dài hơn so với các năm bình thường nên vườn bông của tôi lại trúng". Tuy may mắn hơn những vườn bông khác, nhưng loạt trái bông đầu của anh Thành cũng đụng mưa làm cho hơn 1 tạ bông hạt bị đen và chỉ bán được với giá 3.000 đồng/kg (so với bông trắng có giá tới 5.800 đồng/kg). Tính ra, 3 sào bông của anh Thành thu hoạch được 8,6 tạ bông hạt (bình quân 1 sào bông vải đạt năng suất gần 3 tạ), sau khi trừ chi phí đầu tư, anh Thành còn lãi được 3 triệu đồng.

Cũng ở ấp 4, xã Sông Nhạn, có anh Phạm Quang Chiến, trồng tới 1,2 hécta bông vải nhưng vì trồng sớm nên mức độ thiệt hại do mưa gây ra khá nặng nề. Sản lượng bông hạt anh Chiến thu được trên 3 tấn, nhưng có tới 1/3 số bông bị đen phải bán với giá 3.000đ/kg. Chỉ tính riêng chênh lệch giá giữa 2 loại bông (giá bông hạt trắng và bông hạt đen) thì anh Chiến đã mất gần 3 triệu đồng. Theo nhiều người trồng bông nhận xét, nếu không bị ảnh hưởng về thời tiết, vườn bông vải của anh Chiến có khả năng đạt năng suất khoảng 4 tấn bông hạt!

Tình hình thời tiết diễn biến phức tạp ở mùa mưa vừa qua, khiến cho nhiều hộ trồng bông vải đã trở tay không kịp. Ngoài việc bông hạt bị mắc mưa, tình hình sâu bệnh và sự sinh trưởng của cây bông cũng gặp nhiều rắc rối. Nhiều nông dân nắm khá vững vàng về kỹ thuật và có bề dày về kinh nghiệm lâu năm trong nghề trồng bông cũng đành bó tay thất thủ. Điển hình là ông Dương Văn Sánh ở ấp 3, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu. Ông Sánh đã 15 năm gắn bó với nghề trồng bông vải, năm nào ông cũng trồng hơn 1 hécta bông năng suất đạt từ 3,2 - 3,5 tấn/ hecta trong nhiều năm. Thế nhưng vụ bông vừa qua, vườn bông hơn 1 hécta của ông chỉ thu được 1,5 tấn bông hạt. Nguyên nhân là do sâu xám bùng phát ăn hết hoa. "Thấy sâu bùng lên, không kiểm soát được là tôi thấy thua rồi, đành chịu vậy" - ông Sánh nói. Trường hợp sâu bùng phát vào thời kỳ bông vải đang ra hoa vụ vừa rồi xảy ra ở khá nhiều nơi trên địa bàn các xã: Xuân Tây (huyện Cẩm Mỹ), Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc)... Tình trạng này được nhận định là do mưa nhiều trong giai đoạn bông trổ hoa, thuốc sâu xịt cho bông bị rửa trôi khiến sâu không chết.

Theo đơn vị đầu tư là Công ty cổ phần bông vải và kinh doanh tổng hợp miền Đông (CPBV&KDTH) thì do ảnh hưởng của thời tiết, sản lượng bông hạt đã bị giảm khoảng 30%. Như vậy, vụ bông vải vừa qua không chỉ riêng nhà nông bị thiệt hại mà doanh nghiệp cũng lao đao không kém. Qua 2 năm bị "sự cố" về thời tiết, cây bông vải không đạt được hiệu quả kinh tế như mong muốn. Riêng vụ bông 2005, Công ty CPBV &KDTH đã đầu tư cho 1.515 hecta bông vải ở 2 tỉnh: Đồng Nai và Bình Phước, trong đó tại Đồng Nai có hơn 800 hecta, năng suất bông bình quân chỉ được 1,2 tấn/hecta, tổng sản lượng bông đạt 1.800 tấn.

Đến lúc này, một câu hỏi được đặt ra là diện tích bông trong thời gian tới sẽ ra sao? Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, các cán bộ của Công ty CPBV & KDTH, nhất là cán bộ kỹ thuật điểm đều tin tưởng rằng, diện tích bông vải trong những năm tới ở Đồng Nai sẽ không bị dao động nhiều, bởi diễn biến mất mùa 2 năm qua chỉ là sự cố khách quan, không phải do cây bông vải không có hiệu quả kinh tế. Anh Đinh Mạnh Thắng, cán bộ kỹ thuật điểm ở xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc dẫn chứng: "Năm 2004, xã Xuân Bắc chỉ có 26 hecta bông vải chính vụ. Mặc dù năm đó bông vải bị hạn, năng suất bông không đạt được như mong muốn, nhưng vụ bông vừa qua diện tích không bị giảm mà còn tăng thêm 17 hécta nữa. Mất mùa do thiên tai thì ít bị giảm diện tích hơn so với khả năng cạnh tranh về hiệu quả kinh tế của các loại cây trồng". Điều anh Thắng giải thích cũng hợp với suy nghĩ của nhiều nông dân trồng bông hiện nay.

 Vân Nam

 

Tin xem nhiều