Ở ấp 2, xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom), anh Đỗ Đức Đình, 38 tuổi là một trong những người đầu tiên khởi xướng phong trào trồng nấm ở địa phương. Hiện anh đang là chủ một cơ sở sản xuất, tiêu thụ nấm lớn vào bậc nhất trên địa bàn.
Ở ấp 2, xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom), anh Đỗ Đức Đình, 38 tuổi là một trong những người đầu tiên khởi xướng phong trào trồng nấm ở địa phương. Hiện anh đang là chủ một cơ sở sản xuất, tiêu thụ nấm lớn vào bậc nhất trên địa bàn.
Tâm sự cùng anh, chúng tôi được biết: Sau khi xuất ngũ trở về, anh đã từng làm đủ các nghề từ thợ xây, thợ cửa sắt đến bốc vác... để kiếm sống. Năm 1996, nhân một dịp về thăm quê nhà ở Hưng Yên, anh thấy nghề trồng nấm rất phát triển. Cùng lúc đó, tại TP. Hồ Chí Minh, nơi anh đang làm ăn, cũng có một xí nghiệp làm nấm khá hiệu quả. Từ đó, anh nảy sinh ý định phát triển kinh tế bằng nghề này. Theo anh, đây là nghề phù hợp với điều kiện gia đình, dễ làm giàu mà vốn đòi hỏi không nhiều. Sau khi xác định mục tiêu, anh đến xí nghiệp làm nấm để học nghề, học hỏi thêm kinh nghiệm từ những người đi trước, đồng thời tìm tòi, nghiên cứu tài liệu về nghề trồng nấm .
Với nguồn vốn ban đầu 20 triệu đồng, anh quyết định thuê đất, làm hai trại nấm tại xã Sông Trầu. Khát vọng làm giàu của tuổi trẻ cùng vốn kiến thức vừa tiếp thu được là hành trang vào nghề của anh. Anh lao vào công việc với lòng tin tưởng cao vào chính bản thân mình. Thật may là thời tiết rất thuận lợi nên ngay năm đầu tiên trồng nấm, anh đã thắng lợi và lãi thu được đã đủ để anh mua thêm đất, làm thêm nhà trồng nấm, mở rộng kinh doanh.
Vào năm 2002 là thời điểm mà sản lượng thu hoạch nấm đạt năng suất cao nhất. Lúc này anh bắt đầu thiết lập đầu mối tiêu thụ cố định. Việc làm ăn thuận lợi, anh tiếp tục mua đất, mở thêm trại. Tính đến nay anh đã có 20 trại nấm cho lợi nhuận bình quân hơn 50 triệu đồng/năm.
Ngoài số lượng nấm mà gia đình làm ra được, anh còn đi thu mua nấm loại chưa cắt chân của 35 đến 40 hộ gia đình làm nhỏ lẻ quanh vùng. Trung bình tính mỗi ngày, cơ sở của anh đã xuất đi TP. Hồ Chí Minh khoảng 1,5 tấn nấm, chủ yếu là nấm Bào Ngư và nấm sò. Đây được gọi là loại rau sạch, hiện đang được thị trường TP. Hồ Chí Minh rất ưa chuộng. Riêng đối với loại nấm mèo thì chỉ có gia đình anh làm và xuất khẩu sang Trung Quốc. Vì là loại nấm khô, một năm mới cân 1 lần theo vụ, vốn quay vòng chậm, nên mọi người không trồng. Với loại nấm này gia đình anh cũng chỉ làm từ 1 đến 2 trại, xen vụ với các loại nấm khác.
Anh Đình cho biết, thời điểm trồng nấm đạt năng suất cao nhất là từ tháng 5 đến tháng giêng năm sau, có thể hái được 4 lần/vụ. Thời gian này khí hậu ẩm thấp, cây nấm phát triển mạnh, song cũng dễ bị bệnh nên cần phải theo dõi kỹ. Người trồng nấm phải có kinh nghiệm, phát hiện sâu bệnh sớm, để có biện pháp xử lý kịp thời, ngay lúc nấm chưa chồi mầm, vì khi đã chồi mầm thì không thể phun thuốc được, nấm sẽ bị thối chân và chết.
Tuy vậy, với anh mọi thứ cũng không hoàn toàn đơn giản! Anh Đình kể với chúng tôi: Vào năm 1999, do kinh nghiệm còn ít, anh đã bị hỏng 5 trại nấm bào ngư, thiệt hại khoảng 25 triệu đồng. Sau lần thất bại này, anh phát hiện ra nguyên nhân chính là do sâu bệnh của nấm phát triển quá mạnh. Từ đó, anh nghiên cứu tìm ra phương pháp đặc trị. Theo anh, muốn trị sâu bệnh cho nấm cũng rất đơn giản, chỉ cần trồng xen kẽ từng loại nấm, từng vụ nấm, trong một trại là được. Vì, mỗi loại nấm đều có một loại sâu bệnh khác nhau, chúng sẽ bị cách ly khi trồng cách vụ. Đây chính là kinh nghiệm mà anh đã rút ra được từ 5 trại nấm của mình.
Bằng việc đầu tư trồng và tiêu thụ nấm, gia đình anh Đình hiện nay đã có tổng thu nhập bình quân từ 70 đến 80 triệu đồng một năm, giải quyết việc làm cố định cho 6 lao động và hơn 10 lao động làm theo từng đợt, từng vụ, với mức thu nhập bình quân từ 800 - 1 triệu đồng/người/tháng. Từ khi trồng nấm đến nay, gia đình anh đã vượt qua khỏi đói nghèo và vươn lên thành triệu phú. Hiện anh đã xây được nhà cửa khang trang và lo cho con cái học hành chu đáo. Không chỉ lo làm giàu cho riêng mình, anh Đình còn hướng dẫn, giúp đỡ cho 35 hộ gia đình khác về kỹ thuật chăm sóc nấm, tạo điều kiện cho họ có công ăn việc làm, có thu nhập ổn định để phát triển kinh tế hộ gia đình.
Khi hỏi về những mong muốn, dự tính sắp tới của anh, chúng tôi được biết, anh rất cần sự ủng hộ, giúp đỡ của chính quyền địa phương để thành lập hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ nấm nhằm ổn định "đầu ra" và giá cả sản phẩm. Đây không chỉ là mong muốn của riêng anh, mà còn là mong muốn chung của người trồng nấm nơi này.
Trần Trọng Khôi (Đài TT Trảng Bom)