Mới đây, Công ty cổ phần mía đường La Ngà (MĐLN) đã tổ chức hội thảo chuyển giao thiết bị xử lý chăm sóc mía sau thu hoạch cho bà con nông dân trồng mía tại nông trường I, xã Gia Canh (huyện Định Quán).
Mới đây, Công ty cổ phần mía đường La Ngà (MĐLN) đã tổ chức hội thảo chuyển giao thiết bị xử lý chăm sóc mía sau thu hoạch cho bà con nông dân trồng mía tại nông trường I, xã Gia Canh (huyện Định Quán). Đây là bước khởi đầu thực hiện kế hoạch cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất theo vòng tròn khép kín từ làm đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch mía trong vùng nguyên liệu của Công ty MĐLN và là một bước chuyển mình đáng ghi nhận trong quá trình thưc hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện miền núi Định Quán giai đoạn 2006 - 2010.
Những năm qua, nông dân trồng mía trong vùng có tập quán canh tác bằng thủ công, trừ khâu chuẩn bị đất trồng là cơ giới. Việc chăm sóc mía sau thu hoạch rất được bà con quan tâm nhưng chỉ xoay quanh các thao tác truyền thống như: đốt lá dọn ruộng, phòng chống cháy, băm sửa gốc bằng dao, sau đó để nguyên không cày bừa hoặc dùng trâu bò để cày xả gốc. Các biện pháp này chưa đảm bảo về yêu cầu kỹ thuật, chi phí đầu tư cao, hiệu quả kinh tế thấp. Để giải quyết vấn đề trên, Công ty MĐLN đã phối hợp với Trường đại học nông lâm và Công ty cơ điện nông nghiệp TP. Hồ Chí Minh lắp đặt một số thiết bị cơ giới phục vụ việc chăm sóc mía như: máy cày ngầm 2 lưỡi (có tác dụng phá vỡ tầng đế dày, cày cải tạo tầng canh tác mới cho đất, cắt đứt rễ già, giữ ẩm, làm đất tơi xốp, cày dùng cho việc chăm sóc mía sau thu hoạch); máy xới bón CSM 3.0 (dùng chăm sóc mía tơ và mía lưu gốc có thể thực hiện cả 3 thao tác cùng một lúc như xới đất, bón phân, vun gốc, thuận lợi cho nông dân khi chăm sóc mía giảm lượng phân bón); máy băm lá (sử dụng băm lá mía trước khi cày vùi xuống đất nhằm giữ lại một lượng lớn phân hữu cơ cho đất); máy cày ngầm CN 2.0 (dùng để cày sâu phá tầng đế trước khi cày chảo làm đất trồng mới)... Những chiếc máy cày này, sau thời gian khảo nghiệm tại nông trường mía của công ty đã mang lại hiệu quả cao trong sản xuất. Ông Nguyễn Văn Bờ, giám đốc nông trường I cho biết: "Người trồng mía ở đây phần lớn dùng phương pháp thủ công và trâu bò để cày chăm sóc mía sau thu hoạch cho nên đất ngày một chai cứng đi. Khi công ty đưa một số máy móc cơ giới vào sản xuất mía chúng tôi thấy đất được làm xốp hơn. Cho nên dù đang trong mùa khô, mía vẫn xanh, đẻ nhánh. Còn vào mùa mưa, sau mấy tháng nắng hạn mà cày được như vậy thì toàn bộ nước mưa sẽ được giữ lại trong đất, tạo điều kiện cho mía phát triển tốt". Với chi phí cho cày bằng máy (qua khảo nghiệm thực tế) là 180.000 đồng/hécta và băm lá 300.000 đồng/hécta, khi áp dụng các máy này vào chăm sóc mía, nông dân có thể giảm 10% chi phí đầu tư, công lao động và thời gian so với dùng sức trâu bò cày bừa trên cùng diện tích, mà hiệu quả thì lại cao hơn gấp nhiều lần. Chính vì thế, hầu hết nông dân trồng mía rất phấn khởi trước xu thế ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Từ kết quả trên, Công ty MĐLN đã tổ chức giới thiệu và tiếp tục chuyển giao những thiết bị này cho các nông trường còn lại, sau đó sẽ triển khai rộng cho bà con nông dân trong vùng mía nguyên liệu trong và ngoài huyện.
Tuy nhiên, việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất vẫn còn một vài nhược điểm cần khắc phục như: máy băm lá khi hoạt động có bụi nhiều ảnh hưởng sức khỏe người vận hành. Mặt khác, vùng nguyên liệu của công ty lại phân bố trên địa hình không đồng nhất, chưa có thiết kế và quy hoạch đồng ruộng cho chế độ canh tác bằng cơ giới, trong đó có hơn 50% diện tích là đồi dốc nên rất khó cho việc cơ giới hóa. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư, mua sắm trang thiết bị từng khâu đối với đa số nông dân trồng mía là chưa thể thực hiện ngay được. Ông Phạm Như Hóa, Tổng giám đốc Công ty MĐLN cho biết: "Trước mắt, công ty sẽ phối hợp với các cơ quan nghiên cứu và các trường đại học, các công ty tiếp tục khảo nghiệm các thiết bị cơ giới hóa từ khâu trồng mía cho đến thu hoạch và tổ chức chuyển giao cho nông dân. Về phía công ty, sau khi đã khảo nghiệm xong các thiết bị chăm sóc mía sau thu hoạch, công ty có kế hoạch mua thêm các thiết bị về để tiếp tục nhân rộng ra. Đồng thời, công ty sẽ phối hợp với nhà máy cơ khí chế tạo và nhân rộng cho bà con và bàn với UBND huyện và ngân hàng để có cơ chế chính sách hỗ trợ vốn cho nông dân đầu tư trang bị máy móc".
Cơ giới hóa nông nghiệp không chỉ là biện pháp hiệu quả để giữ vững và mở rộng diện tích vùng nguyên liệu của Công ty MĐLN, giảm chi phí đầu tư, hạ giá thành sản phẩm cho người trồng mía, mà còn giải quyết được bài toán khó về vấn đề thiếu hụt lao động nông thôn hiện nay.
Thanh Danh (Đài TT Định Quán)