Mới đây, Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch hại vật nuôi (PCDHVN) tỉnh đã tổ chức cuộc họp cùng với các thành viên trong ban chỉ đạo để triển khai thực hiện công điện khẩn số 1856/TTg-NN của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách ngăn chặn dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm A (H5N1) ở người...
Ngành chăn nuôi gia cầm công nghiệp tập trung đã phát triển mạnh ở Đồng Nai đang lâm vào tình thế khốn đốn do gia cầm và các sản phẩm gia cầm không tiêu thụ được vì ảnh hưởng dịch cúm gia cầm. |
Công điện khẩn của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: "Trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện kế họach hành động khẩn cấp phòng, chống dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm ở người có chuyển biến bước đầu nhưng nhìn chung vẫn chưa tương xứng với yêu cầu, tính khẩn cấp và mức độ nguy hại của dịch bệnh. Đặc biệt, đến nay dịch cúm gia cầm tiếp tục tái phát ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, trong đó tập trung nhất là ở các tỉnh đồng bằng Sông Hồng...". Nguyên nhân, theo Thủ tướng Chính phủ, là do nhiều địa phương chỉ đạo thiếu tập trung, không kiên quyết, chưa thực sự coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Việc giám sát dịch bệnh của các cấp chính quyền và cơ quan chuyên môn chưa sâu sát đến tận cơ sở.
Công điện cho biết, diễn biến bệnh dịch cúm gia cầm hiện đang rất nghiêm trọng, nếu không ngăn chặn và khống chế kịp thời sẽ có nhiều nguy cơ xảy ra dịch cúm ở người. Chính vì vậy, UBND các cấp, các Bộ ngành chức năng cần tập trung huy động cả hệ thống chính trị và các phương tiện thông tin đại chúng làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, coi đây là biện pháp có ý nghĩa quyết định, giúp cho mọi người hiểu rõ nguy cơ và hiểm họa của bệnh dịch để chủ động; tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng. Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải khẩn trương hoàn thành tiêm vắc-xin cho toàn bộ đàn gia cầm hiện có và lập kế hoạch cụ thể về việc tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia cầm năm 2006; thực hiện các biện pháp khẩn cấp để khống chế, bao vây, dập tắt và tiêu độc, khử trùng, cấm vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm ra khỏi vùng dịch; nghiêm cấm vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch; lập các trạm chốt kiểm sóat liên nghành tại các đầu mối giao thông chính, cửa ngõ vào nội thành, ranh giới các huyện; cấm nhập khẩu gia cầm và các sản phẩm gia cầm; thực hiện hỗ trợ đối với gia cầm bị tiêu hủy trong vùng dịch hoặc gia cầm do người chăn nuôi tự nguyện xin hủy. Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành, các địa phương cần quy hoạch, tổ chức lại các cơ sở giết mổ theo hướng công nghiệp tập trung gắn với chăn nuôi công nghiệp có đủ các điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm...
* Tình hình phòng, chống dịch cúm gia cầm ở Đồng Nai ra sao?
Theo Ban Chỉ đạo PCDHVN của tỉnh, tính đến thời điểm hiện nay, tình hình chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh vẫn ổn định, chưa phát hiện gia cầm bệnh, chết do cúm A (H5N1). Tỉnh cũng đã tích cực tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm cho gia cầm và đến ngày 6-11 đã cơ bản hòan thành xong 2 đợt, với tổng số gia cầm đã được tiêm phòng lên đến hơn 6,43 triệu lượt con (một con tiêm 2 lần). Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT), Đồng Nai đã thông báo dừng nuôi mới các loại thủy cầm (vịt, ngan, ngỗng...), chim cút; không nuôi gia cầm trong khu vực đô thị, khu đông dân cư; nghiêm cấm giết mổ, buôn bán gia cầm sống tại các chợ; đồng thời khuyến cáo bà con từ ngày 1-10 trở đi không nuôi mới gà và phải tổ chức thường xuyên tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi để phòng tránh dịch bệnh phát sinh... Bên cạnh đó, tỉnh và Chi cục thú y cũng đã phối hợp các ngành, các địa phương tịch thu, tiêu hủy nhiều đàn vịt thả nuôi không rõ nguồn gốc xuất xứ; thành lập thêm một số chốt Kiểm dịch động vật tạm thời và tổ chức đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch cúm gia cầm tại các địa phương trong tỉnh. Trong đó có cả việc giới thiệu địa điểm cho các doanh nghiệp (trong đó có Công ty TNHH chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty TNHH Japfa Comfeed Long An và một số doanh nghiệp khác) lựa chọn, đầu tư xây dựng nhà máy giết mổ gia cầm tập trung để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ gia cầm và các sản phẩm gia cầm sạch.
Đặc biệt, ngày 25-11, qua kiểm tra của Chi cục Thú y và Ban chỉ đạo PCDHVN các huyện tại 2 xã: Bàu Cạn (huyện Long Thành) và Cây Gáo (huyện Trảng Bom) - nơi có thông tin về hiện tượng gà chết hàng lọat, chưa rõ nguyên nhân - cho thấy, tình hình đàn gà ở 2 xã này ổn định, không phát hiện hiện tượng gà chết hàng lọat do mắc bệnh truyền nhiễm. Trong đó, riêng xã Bàu Cạn hiện còn 2 hộ chăn nuôi gà Tam Hòang là bà Nguyễn Thị Sáu (nuôi 30.000 con) và ông Đặng Phi Hùng nuôi 8.000 con. Chi cục thú y cho biết, ngày 15-11, chi cục đã lấy mẫu huyết thanh trên đàn gà của gia đình bà Sáu đưa đi xét nghiệm tại Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh và ngày 25-11 cho kiểm tra bằng kít chẩn đoán nhanh (10 mẫu) trên đàn gà của gia đình ông Hùng tất cả đều cho kết quả âm tính với vi-rút cúm. Tuy nhiên, do không có thị trường tiêu thụ, nên các hộ chăn nuôi đã sử dụng khoai mì làm thức ăn cho gà, thậm chí chỉ chăm sóc cầm chừng hoặc bỏ đói, dẫn đến tình trạng gà cắn mổ lẫn nhau, làm chết hàng lọat. Riêng đàn gà của gia đình bà Sáu bị chết trung bình từ 100-200 con/ngày...
* Khó khăn nhất vẫn là khâu tiêu thụ!
Có thể nói, liên tục từ cuối tháng 10-2005 đến nay, trước tình hình bệnh cúm gia cầm xảy ra ở một số tỉnh, thành trong cả nước và những cảnh báo của Tổ chức y tế thế giới về nguy cơ đại dịch cúm gia cầm đe dọa tòan cầu, việc tiêu thụ gia cầm và các sản phẩm gia cầm sạch trên địa bàn Đồng Nai gần như đã bị đình trệ. Tình hình này khiến các doanh nghiệp, trang trại và hộ chăn nuôi theo hướng công nghiệp tập trung, nhất là ở những nơi có đàn gia cầm đang khỏe mạnh, tuân thủ nghiêm túc quy trình chăn nuôi theo hướng sạch và chủng vắc-xin phòng ngừa bệnh cúm đầy đủ cho gia cầm bị lâm vào tình thế hết sức khốn đốn...Tỉnh và Ban chỉ đạo PCDHVN của tỉnh mặc dù đã yêu cầu các ngành: Thương mại - du lịch, Tài chính, Y tế, NN-PTNT sớm nghiên cứu, tổ chức cho giết mổ, đóng gói tập trung, có sự kiểm dịch giám sát chặt chẽ của ngành y tế và thú y để tổ chức tiêu thụ hết số gia cầm nói trên, nhưng tình hình xem ra vẫn chưa có dấu hiệu chuyển biến tích cực. Bởi, đại đa số người tiêu dùng hiện đang có tâm lý rất ngán sợ thịt gia cầm và các sản phẩm gia cầm.
Phát biểu với các thành viên Ban chỉ đạo tại cuộc họp triển khai thực hiện công điện khẩn của Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng Ban PCDHVN tỉnh Đồng Nai Ao Văn Thinh cho rằng, ngoài việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm đã được phổ biến (tạm ngưng các họat động chăn nuôi gia cầm; tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng phòng chống dịch cúm gia cầm), trong 10 ngày tới, Ban chỉ đạo PCDHVN, Sở NN-PTNT, Chi cục thú y và các địa phương cần tổ chức đợt tiêm bổ sung vắc-xin phòng dịch cúm cho toàn bộ số gia cầm còn lại. Quá thời gian này, các địa phương cần kiểm tra và tổ chức tiêu hủy tất cả số gia cầm chưa được tiêm vắc-xin cúm. Riêng đối với số gia cầm khỏe mạnh, đã được tiêm vắc-xin, có kiểm dịch sạch bệnh của ngành thú y trong tình hình tiêu thụ đang bị "đóng băng" như hiện nay cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên tuyền, khuyến khích người dân yên tâm tiêu thụ. Trong đó, ngành Thương mại và du lịch cần phối hợp với các địa phương quy định các khu vực được phép buôn bán gia cầm sống đã được tiêm vắc-xin phòng cúm và kiểm dịch; khuyến khích và tạo điều kiện cho các tiểu thương chuyển sang kinh doanh các sản phẩm gia cầm có bao bì, thương hiệu đã qua kiểm dịch, kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y... Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu ngành Tài chính sớm nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ cho hợp lý và công bằng trong trường hợp phải tiêu hủy gia cầm do không tiêu thụ được...
Phương Ngọc