Có nhiều người bảo vợ chồng anh "dại" vì đã bỏ tiền của ra mua đất ở một nơi "khỉ ho cò gáy" và càng "dại" hơn khi quyết định lập một mô hình kinh tế bền vững ngay trên mảnh đất bạc màu ở ấp 4, xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu).
Có nhiều người bảo vợ chồng anh "dại" vì đã bỏ tiền của ra mua đất ở một nơi "khỉ ho cò gáy" và càng "dại" hơn khi quyết định lập một mô hình kinh tế bền vững ngay trên mảnh đất bạc màu ở ấp 4, xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu). Thật ra, đó chỉ là những lời "bàn ra" trước đây, còn hiện tại nhiều người dân trong vùng rất "mê" kiểu làm ăn của gia đình anh chị vì anh chị đã dám nghĩ, dám làm trong lúc kinh tế gia đình còn khá nhiều khó khăn.
Về quê hương lập nghiệp
Sau khi lấy nhau, vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, anh Đồng Văn Mua và chị Trần Thị Hạnh quyết định từ giã đất nước Campuchia (nơi gia đình anh ở trước đây) để về Việt Nam làm kinh tế dù trong tay không có một đồng vốn. Điểm dừng chân đầu tiên của anh chị là Đồng Tháp. Sau một năm làm thuê làm mướn không đủ sống, anh chị lại một lần nữa quyết định về vùng La Ngà làm chòi trên sông nước để sinh sống bằng nghề đánh bắt cá. Không có tiền, không có đất, không có nhà, không có mảnh giấy tùy thân và không có cơ sở kinh tế vững chắc nên vợ chồng anh Mua không vay mượn được vốn để thực hiện ý định lập bè nuôi cá. Buồn, nhưng vợ chồng anh Mua không nản chí, vợ chồng anh quyết tâm thoát nghèo bằng chính khối óc và đôi bàn tay của mình. Với suy nghĩ đó, vợ chồng anh Mua đã tích cóp từng đồng để mua lưới, mua dụng cụ làm bè. Sau khi làm bè xong, không có tiền mua cá giống về nuôi, vợ chồng anh Mua phải đánh bắt cá. Khi bắt được cá lớn anh chị đem bán còn các con nhỏ thì đem về thả bè. Sau vụ cá đầu tiên, anh chị có trong tay một ít vốn và mạnh dạn đi mua cá giống về nuôi. Cứ thế, anh chị lấy ngắn nuôi dài, cho tới năm bảy năm sau anh chị đã có trong tay hàng chục bè cá với nhiều chủng loại cá có giá trị như: cá lóc bông, cá diêu hồng, cá chép, cá lăng.
Vươn lên làm giàu một cách chính đáng
Sau khi có được đồng ra đồng vào, vợ chồng anh Mua nghĩ đến việc mua một miếng đất trên bờ làm nhà lấy chỗ nương thân như bao người khác. Cùng lúc, có một người thân trong gia đình đã giới thiệu cho vợ chồng anh Mua biết ở ấp 4, xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) đất vừa rẻ lại vừa có khả năng phát triển kinh tế. Nghe vậy, anh Mua đã đem toàn bộ số tiền dành dụm mua được hơn một mẫu đất hoang hóa trong rừng. Rồi anh quyết định để vợ ở lại La Ngà nuôi cá bè, còn anh khăn gói lên đường... lập vườn. Do đất cằn, ban đầu anh Mua quyết định trồng nhãn. Sau vài vụ nhãn, anh thấy hiệu quả kinh tế không cao, nên chặt bỏ và vận động vốn từ vợ để mua thêm 6 mẫu đất trồng xoài. Qua nghiên cứu, tìm hiểu từ bạn bè, anh quyết định trồng xoài cát Hòa Lộc và đến nay mỗi mẫu xoài đã cho gia đình anh thu nhập 70 triệu đồng/ năm. Thấy nhiều hộ dân trong vùng muốn bán đất, anh mạnh dạn bàn với vợ xoay sở tiền mua thêm được 6,5 mẫu đất rẫy và quyết định trồng xà cừ cho đỡ tốn công chăm sóc. Cứ vậy, đến nay gia đình anh đã hơn 14 mẫu đất. Để tận dụng hết vốn đất, anh cho móc ao thả cá. Có ao, anh lại nghĩ đến chuyện chăn nuôi nhưng vì nằm sát vùng bán ngập lòng hồ Trị An, anh Mua sợ chăn nuôi heo sẽ làm nguồn nước bị ô nhiễm nên anh đã nghĩ đến một mô hình chăn nuôi khá độc đáo: nuôi cá sấu sinh sản.
Khi nói về lý do nuôi cá sấu của mình, anh Mua tâm sự: "Sau khi nghiên cứu các mô hình kinh tế khác, tôi thấy mô hình nuôi cá sấu là thích hợp nhất, vì nó không làm ô nhiễm nguồn nước, ít tốn công chăm sóc, dễ nuôi, hiệu quả kinh tế cao, lại được nhiều người ưa chuộng do thịt cá sấu là một loại thịt sạch, da cá sấu được ngành mỹ nghệ hết sức ưa chuộng".
Có thể nói, đối với xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu), anh Mua là người tiên phong trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi đạt hiệu quả, cho năng suất cao, xứng đáng là gương sáng cho nhiều người dân học tập. Bởi, anh không chỉ góp phần làm xanh đất trống đồi trọc (điều mà từ trước tới nay chưa ai dám nghĩ đến), mà bằng sức lao động cần mẫn của cả hai vợ chồng, gia đình anh Mua nay đã trở thành một "tỷ phú" trong vùng. Anh nói: "Trông vậy thôi, chứ vợ chồng tôi vẫn còn vất vả lắm, tôi thường phải cùng anh em lao động làm cỏ, phun thuốc cho cây trái, còn vợ thường phải lui tới La Ngà trông nom bè cá". Trong thâm tâm, khi mở rộng diện tích trồng trọt, chăn nuôi, vợ chồng anh Mua đã nghĩ ngay đến việc tạo thêm công ăn việc làm cho con cháu trong nhà và lao động địa phương. Hiện nay ngoài giải quyết việc làm thường xuyên cho 3 lao động, anh còn mướn thêm nhiều lao động khác làm theo thời vụ. Khi hỏi về phương hướng sắp tới, anh Mua vui vẻ cho biết, ngoài việc phát triển đàn cá sấu, anh còn tiếp tục mua thêm đất trống để trồng xoài, xà cừ.
Được biết, ngoài danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, anh Mua còn là một người cha gương mẫu và sẵn sàng là người "thầy" hướng dẫn kỹ thuật canh tác nông nghiệp nghiệp dư khi có người yêu cầu.
Thu Dung