Trong tập sách liệt kê 267 tập thể và cá nhân được tôn vinh "người tốt, việc tốt" tỉnh Đồng Nai lần thứ II có lẽ trường hợp thứ 83 là có lý lịch và thành tích được ghi hết sức ngắn gọn: "Ông Đào Văn Cu năm sinh: 1937, nghề nghiệp: làm ruộng, địa chỉ: Khu C, ấp Thới Sơn, xã Bình Hòa. Nông dân sản xuất giỏi".
Trong tập sách liệt kê 267 tập thể và cá nhân được tôn vinh "người tốt, việc tốt" tỉnh Đồng Nai lần thứ II có lẽ trường hợp thứ 83 là có lý lịch và thành tích được ghi hết sức ngắn gọn: "Ông Đào Văn Cu năm sinh: 1937, nghề nghiệp: làm ruộng, địa chỉ: Khu C, ấp Thới Sơn, xã Bình Hòa. Nông dân sản xuất giỏi".
Từ trung tâm xã Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu) chúng tôi còn phải đi theo con đường đất dài đến mấy cây số băng qua những cánh đồng, vườn cây rậm rịt mới tìm ra được nhà của người nông dân mà... "bằng khen, giấy khen của xã, huyện nhiều đến nỗi không còn chỗ treo phải cất bớt vào tủ". Thế mà khi nghe chúng tôi hỏi về chuyện làm ăn, ông Tư Cu - một ông già đã 68 tuổi nhưng trông còn rất tráng kiện đang mặc quần cụt đen nằm ghế bố xem cải lương trên màn ảnh nhỏ trong ngôi nhà cổ nằm cạnh bờ sông Đồng Nai - đã ngỡ ngàng la lên:
- Chèn ơi! Tui có thành tích gì đâu mà nhà báo phải lặn lội vô tận đây để hỏi thăm. Khoác vội chiếc áo lên người, ông Tư Cu tiếp tục phân bua:
- Nói thiệt tình, tui hổng có thành tích gì đâu, mà cũng hổng có sáng kiến, cải tiến gì cả. Nhưng có lẽ ấp, xã vận động gì tui cũng tham gia, cũng đóng góp... nên mấy ảnh thương cứ khen thưởng nầy nọ, chớ thiệt tình tui hổng có thành tích gì hết!
Ông Tư Cu vẫn tiếp tục phân trần bằng một giọng nói hết sức đôn hậu, chân tình. Thực lòng, khi nghe đến đây, chúng tôi cũng rất phân vân trước tình huống bất ngờ nầy, nhưng đành gắng gượng khai thác những chi tiết cần thiết "người nông dân sản xuất giỏi". Rồi lại thêm một chuyện bất ngờ, khi nghe ông Tư Cu nói:
- Ruộng được nửa mẫu, làm mỗi năm 3 vụ với năng suất ổn định, nhờ nằm giữa 2 trạm bơm Bình Hòa với hệ thống kênh mương đều đã kiên cố hóa bằng bê-tông. Mà hổng phải chỉ có tui mới làm được 3 vụ. Ở ấp Thới Sơn này bà con nông dân nào làm ruộng có xài nước công trình thủy lợi cũng đều như vậy cả! Chuyện làm ruộng 3 vụ ở đây đã thành nếp lâu rồi, từ hồi Nhà nước hoàn chỉnh trạm bơm Bình Hòa nầy lận!
Đã vậy, ông Tư Cu còn "đế" thêm một câu nghe không "ăn nhập" vào đâu cả:
- Làm ruộng bây giờ chỉ đủ ăn. Còn dư chút đỉnh thì cũng bán đập vô tiền phân...
Sau một hồi trò chuyện và "cật lực khai thác", chúng tôi mới phát hiện ra được ngón nghề sở trường của người nông dân sản xuất giỏi này là trồng bưởi. Dường như được khơi trúng mạch, ông chủ vườn trở nên sôi nổi, hào hứng hẳn lên:
- Cả cái làng Bình Hòa điền đất phì nhiêu, ruộng vườn mênh mông này chỉ có hai dòng họ lớn là Phùng và Đào chiếm hữu phần lớn đất đai. Trong đó, cả một vạt đất từ khu C đến Lò Vôi chạy dọc theo bờ sông Đồng Nai thuộc gia tộc họ Đào tui là đất trồng bưởi ngon có tiếng mấy đời nay. Lâu nay dân thương lái vẫn cho là bưởi ở đây ngang với bưởi Tân Triều nên bao tiêu, mua gọn rồi nhập với bưởi Tân Triều đem bán khắp các nơi qua một thương hiệu chung là bưởi Tân Triều hoặc bưởi Biên Hòa.
Do là một gia tộc lâu đời, đông con nhiều cháu cùng ở trên một vùng đất nên ông Tư Cu được thừa hưởng từ đời ông nội, đời cha rồi đến đời ông 3 đám đất vườn với diện tích gom lại là 7 sào. Kế thừa kinh nghiệm trồng bưởi của cha ông lớp trước, ông Tư Cu vẫn trồng bưởi theo kiểu "chữ ngũ", tức là trồng 4 gốc bưởi cách đều nhau, còn ngay chính giữa thì trồng 1 gốc chanh. Sau 2 mùa thu hoạch chanh, cành bưởi bắt đầu rập thì đốn chanh để có khu vườn thuần bưởi.
Ông Tư Cu nói với vẻ tự hào:
- Đất ở đây chịu bưởi lắm! Trồng là lên! Nhưng họ Đào tụi tui còn có kinh nghiệm trồng bưởi có trái 3 mùa mà rộ nhất là mùa bưởi Tết, vì mùa này bưởi bán được giá nhất.
"Bí quyết" này đã được ông Tư Cu tiết lộ. Đó là đóng giếng trong vườn để bơm nước tưới bưởi trong mùa nắng và đặc biệt là ông luôn duy trì một đàn bò 3 con cùng một bầy gà đông đúc để làm nhiệm vụ sản xuất phân chuồng bón cho bưởi. "Ngoài yếu tố thổ nhưỡng, việc bón phân chuồng đã ủ cho hoai mục đã làm nên chất lượng thơm ngon của trái bưởi Thới Sơn" - Ông nông dân sản xuất giỏi Đào Văn Cu đã "tổng kết" một cách mộc mạc như vậy. Và ông còn cho rằng đây là kinh nghiệm bình thường mà "người trước làm sao, nay tui cũng làm như vậy, chớ hổng dám áp dụng kỹ thuật mới gì!"
Thực ra, để được công nhận danh hiệu "người tốt việc tốt" đối với nông dân sản xuất giỏi Đào Văn Cu, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu và tỉnh còn tính đến 2 "thành tích" khá nổi bật mà lâu nay ông Tư Cu vẫn xem là chuyện bình thường. Đó là việc ông chủ vườn này đã hào phóng biếu hàng trăm nhánh bưởi giống cho rất nhiều người và hướng dẫn tận tình cách chăm sóc, lập vườn. Chuyện thứ hai, chắc ông Tư Cu cũng không ngờ tới. Đó là gia đình ông có đến 10 người con, gồm 4 trai, 6 gái, tất cả đều được học hành, đỗ đạt, có công văn việc làm ổn định, xây dựng gia đình hạnh phúc. Đặc biệt, đây là một đại gia đình mẫu mực ở Bình Hòa với nếp sống hòa thuận, hiếu thảo, biết kính trên nhường dưới, đoàn kết, giữ gìn tình làng nghĩa xóm.
Bùi Thuận