Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần một chiến lược phát triển dài hơi cho cây ăn trái

09:11, 15/11/2005

Trong những năm gần đây, tình hình tiêu thụ trái cây trong nước gặp khá nhiều khó khăn, thường xuyên bị đụng hàng, rớt giá. Trước thực tế này, không ít nhà vườn đã băn khoăn tự hỏi: Phải chăng sự tiêu thụ trái cây trong nước đã đến mức bão hòa? Nhu cầu nhập khẩu trái cây của các nước trên thế giới đã giảm? Và nông dân có nên tiếp tục phát triển thêm vườn cây ăn trái?

Sầu riêng Dona đã được nhiều người tiêu dùng biết đến.

Trong những năm gần đây, tình hình tiêu thụ trái cây trong nước gặp khá nhiều khó khăn, thường xuyên bị đụng hàng, rớt giá. Trước thực tế này, không ít nhà vườn đã băn khoăn tự hỏi: Phải chăng sự tiêu thụ trái cây trong nước đã đến mức bão hòa? Nhu cầu nhập khẩu trái cây của các nước trên thế giới đã giảm? Và nông dân có nên tiếp tục phát triển thêm vườn cây ăn trái?

 

* Diện tích tăng nhanh nhưng thiếu quy hoạch...

 

Theo kế hoạch, từ năm 1999 đến năm 2010, cả nước đã phát triển lên đến 750 ngàn hécta với tổng sản lượng vào khoảng 9 triệu tấn/năm. Thực tế, từ năm 2000 trở lại đây, việc phát triển diện tích cây ăn trái đã tăng lên khá nhanh. Đến năm 2004, cả nước đã đạt tới gần 748 ngàn hécta, bằng 99,6% so với kế hoạch, sản lượng trái cây ước đạt khoảng 6,2 triệu tấn. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là phần lớn các vườn cây ăn trái lại phát triển theo hướng tự phát, thiếu quy hoạch cụ thể, gây bất lợi cho đầu ra của sản phẩm. Tiến sĩ Võ Mai, Chủ tịch Hiệp hội trái cây Việt Nam nhận xét: "Giữa lúc diện tích vườn cây ăn trái tăng vùn vụt, thì vấn đề quy hoạch vườn trái cây hầu như không được chú ý đúng mức. Khâu quy hoạch kém, chưa hướng đến thị trường, dẫn đến việc tiêu thụ trong nước, bị đụng hàng dội chợ liên tục, còn hàng xuất khẩu lại không đạt cả chất lượng lẫn số lượng".

Việc thiếu quy hoạch cụ thể, dẫn đến xây dựng các nhà máy chế biến cũng gặp khó khăn, vì thế công việc bảo quản sau thu hoạch là một vấn đề khá nan giải. Qua khảo sát của Hiệp hội trái cây Việt Nam, tổng sản lượng trái cây bị hao hụt do không bảo quản được sau thu hoạch ở nước ta lên đến 30-40%. Trong khi đó, ở các nước sản xuất trái cây xuất khẩu trong khu vực đã khống chế được mức hao hụt chỉ khoảng 15%. Chính độ hao hụt lớn đã đẩy giá thành trái cây Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước khác. Đó là chưa kể, sự phát triển vườn cây ăn trái theo kiểu tự phát, dẫn đến sản xuất manh mún, ứng dụng kỹ thuật không đồng bộ, nên chất lượng trái cây kém, kích cỡ không đồng đều, vị không đặc trưng, mẫu mã không đẹp và không cung ứng đủ số lượng theo yêu cầu xuất khẩu. "Cũng do thiếu sự quy hoạch nên các nhà vườn thi nhau sản xuất trái cây trái vụ, làm cho sản phẩm trái vụ trở thành chính vụ, thử hỏi làm sao không đụng hàng được?" - Tiến sĩ Võ Mai nói.

 

* "Đầu ra" cho trái cây chưa được quan tâm đúng mức

 

Mấy năm gần đây, tình hình xuất khẩu trái cây của Việt Nam đã giảm sút nghiêm trọng. Năm 2001, kim ngạch xuất khẩu trái cây cả nước đạt 329 triệu USD, xuất sang 42 nước trên thế giới nhưng sau đó đã giảm dần hàng năm và đến năm 2004 kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt khoảng 123 triệu USD và chỉ còn xuất sang 39 quốc gia. Thị trường Trung Quốc hiện chiếm đến 1/2 kim ngạch xuất khẩu rau quả nước ta, nhưng cũng đã liên tục giảm. Trong khi đó, lượng trái cây mà Trung Quốc phải nhập từ các nước ASEAN vẫn tăng hàng năm. Nguyên nhân, theo các chuyên gia là trái cây Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu của họ và cũng không có chiến lược quảng bá thương hiệu để mở rộng thị trường. Rất nhiều nhà khoa học đã cho rằng: "Chúng ta chưa thực sự quan tâm đến công tác tiếp thị. Việc trồng cây gì, bán cho ai, ở đâu, đã không được chú trọng ngay từ khi chuẩn bị trồng cây ăn trái nên nông dân cứ trồng cây lên bán không được thì chặt bỏ".

Một điều đáng lo ngại khác cũng đã được các nhà khoa học cảnh báo là trái cây trồng trong nước chưa theo quy trình sản xuất sạch, không đảm bảo an toàn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Đây cũng chính là rào cản cho việc xuất khẩu. Nhiều nhà khoa học cho biết, cuối năm ngoái, tại hội chợ nông sản ở Cần Thơ những loại trái cây đem ra đấu xảo về an toàn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) khi xét nghiệm vẫn có những mẫu trái cây còn dư lượng thuốc BVTV vượt mức cho phép.

Theo Tổ chức lương nông thế giới (FAO), nhu cầu tiêu thụ rau quả trên thế giới tăng bình quân 3,6%/năm, trong khi sản lượng rau quả chỉ tăng 2,8%/năm. Như vậy có thể nói lượng trái cây cung cấp cho thị trường vẫn chưa đủ theo nhu cầu. Tiến sĩ Võ Mai cho rằng, để trái cây Việt Nam có sức cạnh tranh và tạo được đầu ra ổn định, không còn cách nào khác là phải quy hoạch đồng bộ; xây dựng tập trung vùng cây ăn trái và hình thành các mối liên kết sản xuất trái cây an toàn và kiểm dịch thực vật (đối với các nguồn : vi khuẩn, ký sinh trùng, dư lượng thuốc BVTV, chất kích thích sinh trưởng, nông dược cấm sử dụng) trong đó có cả việc xây dựng thương hiệu và đăng ký bảo hộ trong và ngoài nước; đăng ký bảo hộ tên các giống trái cây đặc sản độc đáo của Việt Nam (như: thanh long, vú sữa, bưởi 5 roi, xoài cát, quýt hồng, sầu riêng Chín Hóa...) và xây dựng chiến lược phát triển thị trường trái cây. Trong quy hoạch, việc xây dựng vùng cây ăn trái tập trung, đồng bộ ở các tỉnh thì mỗi tỉnh cũng chỉ nên chọn 2-3 loại trái cây có thế mạnh cạnh tranh của địa phương, và đó phải là loại cây đặc sản ít có ở nơi khác, điều kiện đất đai sinh thái thích hợp. Giáo sư, tiến sĩ Phạm Xuân Biên, Viện trưởng Viện cây ăn trái miền Nam cho rằng, nếu không có chiến lược phát triển cây ăn trái tốt với những quy hoạch thật khoa học để giải quyết đầu ra cho sản phẩm thì cho dù mọi cố gắng về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cách mấy cũng không thể đưa lại hiệu quả kinh tế cao được...

Vân Nam

Tin xem nhiều