Báo Đồng Nai điện tử
En

Phong trào nông dân giúp nhau vượt khó làm giàu đang phát triển mạnh...

09:10, 12/10/2005

Trong những năm gần đây, việc phát triển nông nghiệp - nông thôn ở Đồng Nai đã có những bước chuyển biến tích cực. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật và mô hình phát triển kinh tế mới đã được các cơ quan, đơn vị kinh tế, kỹ thuật thường xuyên chuyển giao và nhân rộng đã giúp không ít hộ nông dân thoát khỏi đói nghèo, thậm chí một số đã vươn lên trở thành tỷ phú. Sự phát triển đó có sự đóng góp không nhỏ của Hội nông dân.

Các nông dân đang tìm hiểu về chế phẩm sinh học cho cây trồng tại gian hàng chế phẩm Xuân Mai.

Trong những năm gần đây, việc phát triển nông nghiệp - nông thôn ở  Đồng Nai đã có những bước chuyển biến tích cực. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật  và mô hình phát triển kinh tế mới đã được các cơ quan, đơn vị kinh tế, kỹ thuật thường xuyên chuyển giao và nhân rộng đã giúp không ít hộ nông dân thoát khỏi đói nghèo, thậm chí một số đã vươn lên trở thành tỷ phú. Sự phát triển đó có sự đóng góp không nhỏ của Hội nông dân.

Ở xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất), Chi hội nông dân ấp Hưng Hiệp được  xem là một trong những chi hội hoạt động mạnh, mang lại được nhiều lợi ích thiết thực cho nông dân. Tại đây có 320 hội viên, chia thành 10 tổ hội sinh hoạt thường xuyên với nhau để hội viên có dịp trao đổi  kinh nghiệm làm ăn. Xác định việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật là điều hết sức quan trọng nên chi hội thường chủ động tổ chức và mời cán bộ khuyến nông về tập huấn cho nông dân. Các buổi tập huấn này chủ yếu tập trung vào việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, nhờ chi hội luôn cập nhật được những thông tin mới về sản xuất nông nghiệp nên các hội viên trong chi hội đã đưa ra những phương án đầu tư làm ăn khá hiệu quả. Anh Nguyễn Thanh Phước, hội viên của Chi hội Hưng Hiệp nói: "Chi hội chúng tôi đã thiết lập hẳn một bảng tin để ở nơi công cộng, trong đó thường xuyên dán những thông tin mới về tình hình nông nghiệp và những bài báo viết về các mô hình phát triển kinh tế hay cho mọi người cùng xem, đồng thời tổ chức những chuyến tham quan các mô hình kinh tế ở các nơi cho hội viên nông dân học. Việc làm này đã giúp nông dân mở mang kiến thức nhanh lắm". Ông Phạm Quang Vinh, Chi hội trưởng Chi hội nông dân ấp Hưng Hiệp cho biết, từ năm 2001 đến 2004, nông dân Chi hội Hưng Hiệp đã có những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế. Các hội viên đã mạnh dạn đầu tư trồng cỏ để chăn nuôi bò, dê; giúp nhau về giống và kỹ thuật trồng cỏ để tăng nhanh diện tích, đáp ứng nhu cầu chăn nuôi; tạo các nguồn vốn cho hội viên phát triển trang trại theo mô hình VAC (vườn, ao, chuồng); chuyển đổi những vườn cây trồng kém hiệu quả kinh tế v.v...

Việc giúp vốn và khoa học kỹ thuật tạo điều kiện cho nông dân làm ăn để thoát khỏi khó, nghèo đã được Hội nông dân ở nhiều huyện trong tỉnh triển khai khá tốt. Ở huyện Nhơn Trạch, kể từ khi Hội nông dân huyện dấy lên phong trào "lá lành đùm lá rách" đã có 83 hộ nông dân làm ăn khá nhận giúp đỡ 92 hộ nông dân khó khăn làm kinh tế để thoát nghèo. Thị xã Long Khánh có 12/12 cơ sở hội đều tham gia thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo và thực tế đến nay đã có 85 chi hội có kế hoạch giúp đỡ cho 105 hộ nông dân nghèo và khó khăn bằng các hình thức: giúp vốn, công lao động, cây, con giống. Ngoài ra, Hội nông dân thị xã Long Khánh còn phối hợp với các ngân hàng giải quyết cho vay gần 50 tỷ đồng để tạo điều kiện cho nông dân làm ăn. Tại huyện Cẩm Mỹ, việc xóa đói giảm nghèo, giúp nông dân vay vốn cũng được Hội nông dân huyện triển khai khá mạnh mẽ. Toàn huyện đến nay đã có 100% cơ sở hội hưởng ứng phong trào đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau sản xuất với 1.615 hộ nông dân khá nhận giúp đỡ cho 1.163 hộ nghèo. Trong đó riêng Hội nông dân các xã: Sông Ray, Xuân Mỹ, Xuân Quế, Xuân Bảo, Lâm San, Nhân Nghĩa đã cùng ngân hàng xét duyệt cho nông dân vay trên 55 tỷ đồng tiền vốn. Hàng năm, Hội nông dân từ cấp huyện đến cấp xã còn phối hợp với các trạm khuyến nông, các công ty tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội thảo chuyên đề để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho hội viên nông dân. Trong khi đó, tại huyện Xuân Lộc, Hội nông dân huyện không chỉ giúp nông dân vay vốn làm ăn mà còn chủ động phối hợp với các nhà máy, công ty như nhà máy đầu tư cho các hộ nông dân trên 872 tấn phân bón các loại thuốc bảo vệ thực vật trị giá hơn 2 tỷ đồng.

Phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi được Hội nông dân phát động cũng đã kích thích được nông dân trong tỉnh thi đua làm giàu. Thực tế cho thấy, phong trào đã hội tụ và phát huy được các nguồn lực trong nông dân bao gồm cả việc khai thác có hiệu quả tiềm năng về vốn và lao động để phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó đã có khá nhiều nông dân đăng ký tham gia phong trào và đã đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Ông Lê Hữu Thiện, cán bộ Hội nông dân tỉnh cho biết: "Thông qua các hoạt động về khuyến nông, xây dựng các điểm trình diễn, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật ngày càng thu hút đông đảo hội viên nông dân tham gia. Cuối năm 2004, toàn tỉnh có trên 40.000 hộ nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, 9 tháng đầu năm nay có 124.000 hộ đăng ký nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Qua phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã tạo điều kiện giúp vốn, khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm làm ăn  cho 471 hộ nông dân nghèo trong tỉnh năm qua đã thoát nghèo". Đặc biệt, thông qua phong trào này, những gương điển hình tiên tiến sản xuất - kinh doanh giỏi trong lĩnh vực nông nghiệp đã xuất hiện ngày càng đông. Thậm chí, nhiều nơi như ở các huyện: Long Thành, Xuân Lộc, Trảng Bom... phong trào nông dân sản xuất giỏi không dừng lại ở phạm vi hộ gia đình hội viên nông dân mà còn có cả các mô hình kinh tế hợp tác, các câu lạc bộ năng suất cao để hỗ trợ nông dân phát triển, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn và nhất là việc đẩy mạnh chương trình xóa đói giảm nghèo.

Vân Nam

 

 

Tin xem nhiều